Đề xuất viết 'giáo dục' là 'záo zụk’: Xin đừng “mạt sát” nhà nghiên cứu
“Dù PGS.TS Bùi Hiền có đưa ra công trình nghiên cứu nào thì tôi nghĩ việc mạt sát ông là không nên!", nhà văn Nguyễn Một cho hay.
PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy - học phổ thông (người đưa ra đề xuất cải tiến ngôn ngữ)
Trước những phản ứng gay gắt của dư luận về đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy - học phổ thông, trên trang mạng cá nhân, nhà văn Nguyễn Một chua xót: “Việc PGS.TS Bùi Hiền bị mắng "rát mặt" khi ông đưa ra đề nghị thay đổi một số cách kí âm khác với cách kí âm thông dụng hiện nay mà tôi thấy xót cho ông!”.
Đồng thời, nhà văn Nguyễn Một bày tỏ, đưa ra đề nghị là việc của nhà nghiên cứu, còn được số đông áp dụng hay không lại là chuyện khác. Kí âm tiếng Việt bằng chữ La tinh từ khi ra đời ở thế kỷ 17 đến nay đã thay đổi nhiều lần.
Ví dụ, cách kí âm đầu tiên được ghi nhận trong từ điển Việt - Bồ - La do tu sĩ Công giáo và nhà từ điển học Alexandre de Rhodes biên soạn sau 12 năm hoạt động ở Việt Nam, và được Thánh bộ truyền bá Đức Tin ấn hành tại Roma năm 1651 lúc ông về lại châu Âu.
Trong đó, ông đưa ra cách kí âm nhiều từ khác hôm nay như tiếng “trời” ông kí âm “blời”, “dối trá” kí âm là “dối blá”, “Vua” kí âm là “Bua”... Đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn nhiều người kí âm theo cách của ông như tiếng "dùng" ký âm là "zùng"...
Dần dần, việc kí âm tiếng nói người Việt bằng chữ viết thay đổi theo thời gian và phổ biến như hôm nay. “Nhưng nó hoàn thiện chưa? Xin thưa là chưa!” – ông Nguyễn Một khẳng định.
Đồng thời ông cũng đưa lí giải: Vì cách kí âm vẫn chưa đáp ứng tính biểu cảm như khi nói trực tiếp, bằng chứng là thế hệ 9X đã nghĩ ra cách kí âm để thể hiện biểu cảm của họ.
Khi nhắn tin thay vì viết “Anh đang làm gì vậy?” thì họ viết “Anh đang làm zì vạiii?”. Đọc câu này, chàng trai sẽ hình dung khẩu hình của cô gái mở miệng kéo dài chữ cuối để nhõng nhẽo với mình. Hay thay vì viết “Trời ơi!” thì giới trẻ viết “Chài ơi!”. Khi đọc kiểu viết này ta hình dung ra khẩu hình của người viết.
Tất nhiên, cách viết đó người lớn không chịu được, nhưng đành phải thừa nhận thực tế là việc kí âm tiếng nói bằng chữ viết có thể sẽ thay đổi theo thời gian.
“Dù PGS.TS Bùi Hiền có đưa ra công trình nghiên cứu nào thì tôi nghĩ việc mạt sát ông là không nên!", nhà văn Nguyễn Một cho hay.
Một phần trong đề xuất cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền
Trước đó, đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt từ 38 kí tự xuống còn 31 kí tự của PGS.TS Bùi Hiền đang gây phản ứng gay gắt. Theo đề xuất này, kí tự tiếng Việt sẽ trở nên lạ lẫm như "tiếng Việt" thành "tiếq Việt", "Luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ".
Cũng liên quan đến vấn đề trên, cô Trịnh Thu Tuyết – giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho hay: “Thật ra, đúng là Tiếng Việt của mình có rất nhiều điều bất hợp lý cả trăm năm nay. Tuy nhiên, những bất hợp lý được hợp lý hoá bằng những ước lệ mang tính mặc định trong cộng đồng sử dụng Ngôn ngữ Việt, ví dụ các chữ cái c/k/q, gi/r/d, ng/ngh...
Những mặc định đó tồn tại lâu dần thành thói quen, từ thói quen thành chuẩn mực chính tả phổ thông và mọi người quá quen thuộc nên không thấy bất tiện...
Tuy nhiên, khi người nước ngoài học tiếng Việt, khi không có cơ sở khoa học để giải thích thì họ đành chấp nhận như một qui ước mặc định! Ví dụ nhiều học viên thắc mắc về cách viết và cách đọc chữ "gì"...
Tôi nghĩ rằng đề xuất cải tiến tiếng Việt hiện nay cực kỳ khó thực hiện. Bởi lẽ, các văn bản hàng trăm năm nay sẽ phả xử lý sao? Rồi thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức chúng ta giờ thay đổi mọi người sẽ khó tiếp nhận. Đặc biệt là nó làm phương hại khá nhiều tính thẩm mỹ của chính tả tiếng Việt
Mọi người phản ứng với phương án do PGS Bùi Hiền đề xuất cũng là điều dễ hiểu vì đề xuất này chưa thuyết phục được mọi người”.
Việc cải tiến tiếng Việt, cải tiến chữ quốc ngữ như đề xuất của một nhà giáo mới đây là điều không thể.