Đề xuất "Tiếq Việt kiểu mới" "Luật záo zụk": Lãng phí tri thức và tiền bạc

“Cân nhắc giữa mặt lợi và mặt không có lợi của việc cải tiến chữ quốc ngữ theo đề xuất của PGS. Bùi Hiền, tôi cho rằng, hậu quả bất lợi nhiều hơn”, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn nói.

Dư luận đang xôn xao về đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội về việc cải tiến tiếng Việt.

PGS.TS. Bùi Hiền cho rằng, trải qua gần 1 thế kỷ đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư. Theo đó, cách viết tiếng Việt: "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...

Đề xuất "Tiếq Việt kiểu mới" "Luật záo zụk": Lãng phí tri thức và tiền bạc - 1

Đoạn văn bản sau khi Tiếng Việt được cải cách theo đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền.

Không khả khi

Trao đổi với PV xung quanh đề xuất này, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Đại học KHXH &NV – ĐHQG Hà Nội cho rằng, đề xuất này không khả thi.

Đề xuất "Tiếq Việt kiểu mới" "Luật záo zụk": Lãng phí tri thức và tiền bạc - 2

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn phân tích, mặc dù chữ viết là phương tiện ghi âm của ngôn ngữ nhưng một khi đã hình thành và phát triển thì nó không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa chữ và âm nữa mà còn liên quan đến tâm lý, cảm thức văn hoá, thói quen của người bản ngữ được định hình trong quá trình sử dụng. Cải tiến chữ viết theo cách của PGS. Bùi Hiền hầu như thay đổi về cơ bản hệ thống chữ quốc ngữ hiện hành, vì vậy khó có thể được mọi người chấp nhận.

Ngoài ra, ngay cả khi bằng một mệnh lệnh hành chính nào đó để cải tiến chữ quốc ngữ theo cách mà PGS Bùi Hiền đề nghị thì việc thay đổi cả một hệ thống chữ viết như vậy ở phạm vi toàn xã hội thật khó mà không xảy ra tình trạng lộn xộn về chính tả vì sự xung đột giữa thói quen viết lối cũ với cách viết theo lối mới được đưa vào sử dụng nhưng chưa quen thuộc.

“Tình trạng không thống nhất cách viết i/y trong xã hội cũng như trong các văn bản tiếng Việt hiện nay chính là hệ quả của những đề xuất được quy định vội vàng”, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn nói.

Bên cạnh đó, nếu đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ này được áp dụng thì hàng loạt hệ luỵ khác sẽ kéo theo: Những người đã học hệ thống chữ viết cũ phải học lại hệ thống chữ viết mới, sách giáo khoa, các tài liệu tham khảo quan trọng, các văn bản pháp lý…  sẽ phải biên soạn lại bằng kiểu chữ mới.

Tất cả các bảng hiệu quảng cáo, tên cơ quan, đường phố…hiện hành cũng phải trình bày lại bằng kiểu chữ mới...Như vậy, việc cải tiến chữ quốc ngữ giúp tiết kiệm đâu chưa thấy, nhưng những lãng phí về thời gian và tiền bạc mà nó mang lại chắc chắn nhiều vô kể.

Cũng theo PGS.TS.Nguyễn Hồng Cổn, khi hệ thống chữ viết cải cách này được áp dụng thì toàn bộ kho sách tiếng Việt được viết và in theo chữ quốc ngữ hiện hành sẽ trở nên khó đọc và khó hiểu đối với các thế hệ sau và dần dần sẽ không còn ai muốn đọc nữa, ngoài các nhà nghiên cứu (như các văn bản Hán, Nôm cổ hiện nay).

“Đấy là một sự lãng phí không hề nhỏ về tri thức và tiền bạc. Cân nhắc giữa mặt lợi và mặt không có lợi của việc cải tiến chữ quốc ngữ theo đề xuẩt của PGS. Bùi Hiền, tôi cho rằng, hậu quả bất lợi nhiều hơn. Nếu có thay đổi thì có lẽ chỉ thay đổi dần dần một vài ký tự (như thống nhất d, gi thành z) nhưng cũng phải cân nhắc hết sức thận trọng”, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam chia sẻ.

Một điều nữa được PGS.TS.Nguyễn Hồng Cổn phân tích đó là, cứ giả định rằng hệ thống chữ viết cải cách đáp ứng được yêu cầu thống nhất âm – chữ (một chữ chỉ ghi 1 âm vị và ngược lại) như tác giả mong muốn nhưng do sự phát triển của ngôn ngữ đến một lúc nào đó lại nảy sinh sự không tương ứng giữa âm và chữ (vì cách phát âm có thể thay đổi tự nhiên qua thời gian còn chữ viết thì ổn định), phải chăng lúc đó lại phải cải tiến chữ viết?

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Ngọc Lệ, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP HCM cũng cho biết, tại hội thảo tổ chức hồi tháng 9/2017, ông đã nghe qua đề xuất này. Tại đây, nhiều đại biểu tham dự cũng nghe nhưng cũng khẳng định ngay lúc đó là điều không thể.

Không phải đề xuất mới

PGS.TS.Nguyễn Hồng Cổn cho biết, PGS.TS Bùi Hiển không phải là người đầu tiên đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ mà chỉ là người gợi lại vấn đề và đưa ra một đề xuất mới với nhiều thay đổi gây tranh cãi.

“Đây chỉ là một báo cáo khoa học của cá nhân chứ không phải là đề xuất của một tổ chức khoa học hay cơ quan nhà nước nào nên mọi người cũng không nên quan trọng hoá vấn đề. Ít ra đây cũng là dịp để mọi người hiểu biết hơn về chữ quốc ngữ và cách ứng xử với nó”, PGS.TS.Nguyễn Hồng Cổn nói.

Theo chuyên gia ngôn ngữ Nguyễn Hồng Cổn, hệ thống chữ viết không chỉ liên quan đến mối quan hệ âm – chữ mà còn liên quan đến các nhân tố tâm lý, cảm thức văn hoá, thói quen… nên không thể lấy tiêu chí đúng/sai, tiết kiệm/không tiết kiệm làm cơ sở duy nhất để cải tiến. Hơn nữa,việc thay đổi chữ viết nhiều có thể đưa lại những hệ luỵ không mong muốn.

Mặc dù chưa thực sự chặt chẽ và tiết kiệm về mặt hệ thống, nhưng chữ quốc ngữ hiện nay được sử dụng bình thường và thống nhất trong cả nước, những hạn chế của nó không đến mức làm cản trở quá trình viết, đọc, hiểu tiếng Việt.

Cũng theo PGS.TS.Nguyễn Hồng Cổn, chưa cần đặt vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ, theo nghĩa là thay đổi hệ thống chữ cái hiện hành. Vấn đề quan trọng hơn là nên có những quy định thống nhất về cách viết hoa tên riêng tiếng Việt, cách phiên âm, chuyển từ ngữ nước ngoài vay mượn vào tiếng Việt…

Đề xuất viết 'giáo dục' là 'záo zụk’: Xin đừng “mạt sát” nhà nghiên cứu

“Dù PGS.TS Bùi Hiền có đưa ra công trình nghiên cứu nào thì tôi nghĩ việc mạt sát ông là không nên!", nhà văn Nguyễn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN