Đề xuất tăng mức vay vốn cho sinh viên
Tổng số tiền giải ngân hàng năm cao nhưng việc thu hồi nợ lại rất khó khăn, hiện nhiều địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội đang thiếu vốn để học sinh, sinh viên vay ưu đãi…
Chiều 15/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức toạ đàm trực tuyến “Để sinh viên nghèo có tiền theo học”.
Đề xuất tăng mức vay lên 1,5 triệu đồng/tháng
Thông tin từ Ban tín dụng Học sinh, sinh viên, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết: Từ năm 2007 nguồn vốn cho vay đã được nâng lên rất nhiều từ mức 300.000 đồng/ tháng (2007) đã lên đến 1 triệu đồng/ tháng (2011) tuy nhiên, mức này vẫn không thể đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên tại các thành phố lớn.
Nguyễn Thanh Phương (sinh viên ĐH Kinh doanh Công nghệ – Hà Nội) đã vay vốn theo chương trình này được 2 năm nhẩm tính: Tiền nhà trọ mỗi tháng 800.000 đồng, tiền học phí 60.000 đồng, tiền điện 3.500 đồng/ số, tiền nước 50.000 đồng/ tháng, tiền ăn 1.200.000 đồng… không kể tiền mua sách vở… mỗi tháng sinh hoạt tiết kiệm chi phí cũng lên tới gần 3 triệu đồng. “Số tiền vay được từ quỹ HS, SV chỉ đủ trang trải tiền ăn hàng tháng” Phương nói.
Ông Nguyễn Duy Hải (Tĩnh Gia – Thanh Hoá) có 4 người con học ĐH đều đã và đang vay vốn HS, SV, ông cho biết: “Với số tiền vay như hiện tại, gia đình vẫn gặp khó khăn rất lớn trong việc bổ sung trang trải sinh hoạt cho các cháu học ở thành phố, bản thân các con cũng đều phải đi làm thêm mới đủ tiền do giá cả ngày một leo thang”. Ông Hải đề xuất nên tăng mức cho vay tối đa là 1.5 triệu đồng/ tháng để hộ nghèo bớt khó khăn khi cho con đi học.
Bên cạnh nguồn vay thấp, nhiều HS, SV và các hộ gia đình còn phản ánh việc tiếp cận với ngồn vốn vay tại địa phương rất khó khăn. Bạn đọc tại địa chỉ email det...@wru.vn phản ánh: “Em đã xin giấy xác nhận của trường mang về địa phương nhưng xã lại nói giấy xác nhận không đúng mẫu, quay lại trường thì trường bảo vẫn cấp theo mẫu cũ. Em không biết làm thế nào, hiện nay đã gần hết học kỳ 1 rồi mà vẫn chưa vay được tiền. Gia đình em gặp rất nhiều khó khăn”.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cũng thừa nhận, thời điểm này đa số tân sinh viên đều đã nhập học nhưng tại nhiều địa phương học sinh sinh viên vẫn chưa được vay vốn theo chương trình của chính phủ. Lý do một phần do vướng mắc trong thủ tục thay đổi mẫu xác nhận mới, địa phương và các trường đã không cập nhật. “Hiện, liên Bộ đã thống nhất việc tiếp tục cho trường và địa phương sử dụng mẫu giấy xác nhận cũ đến hết tháng 6/2013 để tạo điều kiện cho các em sớm tiếp cận nguồn vốn”.
Về biện pháp giúp gia đình tân sinh viên nghèo giảm bớt áp lực về tài chính khi nhập trường, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết “Chúng tôi đã chỉ đạo các trường có chính sách giãn thu cho các em. Các em thuộc diện cho vay sẽ được đóng tiền sau. Chúng tôi đã đề nghị các trường cùng chia sẻ khó khăn với nhà nước, không bắt các em phải nộp ngay. Các em nào diện gia đình nghèo, chưa có điều kiện đóng thì cho các em đóng sau. Các em bị trường thúc ép thì hãy phản ánh với Bộ Giáo dục và Đào tạo” ông Quý nói.
Lo thiếu vốn vay kỳ II năm học 2012-2013
Ông Lò Văn Đức, Giám đốc Ban tín dụng HS, SV, Ngân hàng Chính sách Việt Nam nêu thực trạng: Trong 5 năm triển khai chính sách tín dụng đã có hơn 35.000 tỷ đồng được giải ngân, nhưng số thu hồi nợ hàng năm không đủ để đáp ứng nguồn vốn tiếp tục cho sinh viên vay.
Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính: để cân đối cho sinh viên vay vốn này theo chu kỳ tối đa 5 năm, nguồn vốn quay vòng phải đảm bảo từ 45 – 50.000 tỷ đồng. Trong đó, 1/3 ngân sách do Chính phủ cấp và 2/3 được Ngân hàng chính sách huy động từ các nguồn xã hội hoá. Việc huy động phụ thuộc rất lớn vào thị trường tài chính. “Vừa qua, Bộ Tài chính đã phải ký quyết định dành 2.500 tủ đồng từ nguồn vốn giảm nghèo của ngân hàng thế giới để có nguồn cho HS, SV vay trong kỳ I năm học 2012 – 2013 này, còn kỳ II cũng chưa biết huy động từ đâu?” – ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó vụ trưởng Vụ tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết.
Ông Ngọc Anh cũng cho hay, để tăng mức vay lên 1,5 triệu đồng/ tháng là hết sức khó khăn đối với việc huy động vốn và thu hồi nợ. “ Với mức vay hiện tại một gia đình có 2 con đi học, sau khi ra trường số dư nợ đã lên đến 100 triệu đồng, đây là con số khổng lồ đối với hộ nghèo. Trong khi đó, khả năng trả nợ chỉ phụ thuộc vào việc…con cái ra trường có công ăn việc làm” ông Anh nói.
Ông Nguyễn Tiến Trứ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá - địa phương có số dư nợ cao nhất cả nước cho biết: “Tổng số dư nợ của Thanh Hoá hiện tại là 2.352 tỷ đồng, năm 2012 mới thu được 215 tỷ. Việc thu nợ rất khó khăn do nhận thức của người dân. Hiện, người dân vay vốn với tâm lý: vay để con trả, và khi nào con có việc mới phải trả. Chúng tôi đã phải đến tận nhà… động viên và giải thích rõ trách nhiệm trả nợ ngân hàng phải là của cả gia đình, từ nguồn thu của gia đình chứ không chỉ trông chờ vào con”.
Đề nghị gia hạn trả vốn vay Theo quy định trong vòng 12 tháng sau khi ra trường, người vay phải có trách nhiệm bắt đầu trả nợ vốn vay nhưng nếu gia đình thực sự khó khăn thì có thể làm thủ tục gia hạn trả nợ theo quy định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cũng đã kiến nghị về tình huống sinh viên ra trường lâu nhưng vẫn không thể kiếm được việc làm và kiến nghị xin tiếp tục được gia hạn. Về vấn đề này Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu trình Chính phủ xem xét cho gia hạn thêm đối với những trường hợp sinh viên ra trường khó tím việc. |