Đề xuất tăng lương, miễn học phí: Vì sao bị bác bỏ?

Sự kiện: Giáo dục

Hai đề xuất quan trọng của Bộ GD&ĐT gồm tăng lương cho nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS đã không nhận được ý kiến đồng tình, ủng hộ của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.

Đề xuất tăng lương, miễn học phí: Vì sao bị bác bỏ? - 1

Hai đề xuất lớn của Bộ GD&ĐT không được sự đồng tình của các bộ, liệu có trở thành hiện thực?

Trong khi đó, GS.VS Đào Trọng Thi nguyên Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng: “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn chúng ta có thể lùi lại một thời gian còn chấp nhận được. Còn nếu bãi bỏ, không đồng tình đề xuất tăng lương là đáng tiếc và hai bộ liên quan lý giải chưa thỏa đáng”. 

Giáo viên đã được ưu tiên ?

Tháng 11/2017, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó có hai vấn đề nổi bật là: Đề nghị xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp và miễn giảm học phí tới cấp THCS. Hai nội dung này thu hút sự quan tâm, kỳ vọng lớn của đội ngũ giáo viên cũng như xã hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thì 2 nội dung đề xuất liên quan đến tăng lương giáo viên và miễn học phí học sinh THCS không nhận được sự đồng tình của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.

Cụ thể, liên quan đến đề xuất tăng lương giáo viên, Bộ Nội vụ cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và đã ban hành một số văn bản về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo. Đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo.

Hơn nữa, cũng theo Bộ Nội vụ, thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề. Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo như Dự án Luật đưa ra. “Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước”, ý kiến của Bộ Nội vụ góp ý.

Liên quan đến đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS, văn bản góp ý của Bộ Nội vụ cho rằng, “Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí” là chưa phù hợp với quy định tại các Nghị quyết của Đảng và làm tăng chi ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước khó khăn.

Bộ Tài chính cũng góp ý, quy định học sinh THCS không phải đóng học phí là chưa phù hợp. Vì Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu: Đối với giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Vì vậy, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi. Đề nghị Bộ GD&ĐT không đưa nội dung này vào dự thảo Luật, đồng thời chỉ xem xét quy định học sinh THCS không phải đóng học phí từ sau năm 2020 khi bắt đầu triển khai giáo dục bắt buộc theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

GS.VS Đào Trọng Thi: Bác bỏ là chưa thỏa đáng!

Theo GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, ông cảm thấy rất đáng tiếc khi đề xuất trong Dự thảo Luật không nhận được sự đồng tình của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính. “Nếu trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn chúng ta có thể lùi lại một thời gian còn chấp nhận được. Còn nếu bãi bỏ, không đồng tình đề xuất tăng lương tôi thấy rất đáng tiếc. Lý giải của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ tôi thấy chưa thỏa đáng”, ông Thi nói.

Cũng theo GS Thi, các đơn vị liên quan cần có cái nhìn nhất quán để thấy, vấn đề chăm lo cho đời sống giáo viên là chủ trương của Đảng, nhất thiết phải được thể chế hóa thành luật để thực hiện. Dù biết rằng, đội ngũ giáo viên hiện nay quá đông, bất kể thay đổi nào dù rất nhỏ liên quan đến chính sách tiền lương đều phát sinh thêm một con số rất lớn. Tuy nhiên, khi xác định được như vậy, các đơn vị liên quan phải có sự chuẩn bị các điều kiện để thực hiện.

GS Thi cho rằng, nếu cùng lúc hai đề xuất gồm tăng lương cho giáo viên và bỏ thu học phí học sinh THCS được thực hiện sẽ là một bước đột phá trong giáo dục nước ta. Tuy nhiên, cả hai đề xuất đều cần nguồn lực lớn, vì vậy nếu có thể hãy ưu tiên tăng lương cho giáo viên. Vì nếu không nâng cao đời sống đội ngũ nhà giáo thì khó mà đòi hỏi đến chất lượng giáo dục.

Bộ GD&ĐT cho rằng, chế độ thu học phí hiện nay đã bộc lộ hạn chế như: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước. Tuy nhiên, đến nay nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục trung học cơ sở vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, phần lớn học sinh mầm non, THCS, THPT sống ở vùng nông thôn, miền núi, thu nhập gia đình tương đối thấp, vì vậy học phí không cao nhưng cũng là gánh nặng của các gia đình nghèo, cận nghèo.

Tăng lương, giáo viên sẽ không “dấm dúi” dạy thêm?

Tại Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi một số điều Luật Giáo dục, đã có sự tham gia của 15 đại diện các Sở GDĐT...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN