Đề xuất mở trường THPT trong các trường đại học: Chuyên gia giáo dục nói gì?
Các chuyên gia cho rằng, mở rộng hệ THPT tại các trường đại học mang lại nhiều ưu điểm và lợi ích đáng kể.
Mới đây, ông Lê Dũng, một kỹ sư xây dựng tại Hà Nội, đưa ra để xuất về mở trường cấp 3 trong các trường đại học nội đô.
"Tôi nghĩ, trước mắt để giải quyết ngay lập tức nhu cầu nội đô trong sang năm, thành phố Hà Nội hãy làm việc với Bộ GD&ĐT để tiến tới cấp phép cho các trường đại học đóng trong nội đô được mở hệ THPT do họ quản lý, như đã mở cấp 3 chuyên ngữ, chuyên sư phạm, chuyên khoa học tự nhiên, hay như THPT Tạ Quang Bửu, hoặc loại hình khác do trường đại học chủ động đề xuất.
Đặc biệt về chính sách, không nên hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh một cách cứng nhắc và phi lí, nếu như mọi điều kiện đều đạt chuẩn.
Có ít nhất 12 trường đại học trong nội đô, thì có thể nhanh chóng có thêm 12 trường cấp 3. Nâng sức chịu tải nội đô lên khoảng 12.000 chỗ học, nếu mỗi trường đảm nhận 1.000 học sinh", ông Lê Dũng viết.
Ý kiến này ngay sau đó đã nhận được ý kiến của chuyên gia giáo dục bởi hiện nay trường THPT trong trường đại học đang nhận được quan tâm trong mùa tuyển sinh.
Phụ huynh chen chân nộp hồ sơ cho con vào lớp 10. (Ảnh: Tiền Phong).
Nhiều lựa chọn hơn cho thí sinh
Theo chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công, ngày nay, sự phát triển của giáo dục đang đối mặt với những thách thức vô cùng lớn. Để tạo ra một hệ thống giáo dục hiệu quả và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của học sinh, việc mở rộng hệ trung học phổ thông (THPT) tại các trường đại học đã trở thành một ý tưởng không còn xa lạ. Thực tế đã chứng minh rằng mô hình này đã thành công tại một số trường đại học danh tiếng như Đại học Quốc gia, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Sư phạm, Đại học Vinh, Đại học Hùng Vương, cùng với hệ phân luồng 9+ của các trường cao đẳng nghề trong những năm qua.
Mở rộng hệ THPT tại các trường đại học mang lại nhiều ưu điểm và lợi ích đáng kể. Trước hết, sự sử dụng tối đa quỹ đất, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất có sẵn trong các trường đại học giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm áp lực về hạ tầng giáo dục. Đồng thời, việc học sinh tiếp xúc với đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu của các trường đại học mang lại chất lượng giáo dục cao hơn và môi trường học tập chuyên sâu. Điều này cũng mở ra nhiều lựa chọn hơn cho học sinh, giúp họ khám phá và phát triển tiềm năng cá nhân theo các lĩnh vực đặc biệt hoặc sự quan tâm riêng của mình.
Theo TS. Vũ Việt Anh, mở trường THPT ở các trường đại học mở ra nhiều lựa chọn hơn cho học sinh.
Ngoài ra, việc mở rộng hệ THPT tại các trường đại học cũng tạo ra sự liên kết mạch lạc giữa bậc trung học và đại học, giúp học sinh hiểu rõ hơn về yêu cầu và chuẩn mực đại học, chuẩn bị tốt hơn cho sự chuyển tiếp sang đại học.
Tuy nhiên, cũng theo TS Vũ Việt Anh, việc mở rộng hệ THPT tại các trường đại học cũng đối diện với một số rào cản và hệ lụy. Mở hệ THPT tại các trường đại học có thể tạo ra sự cạnh tranh lớn trong việc tuyển sinh và chất lượng giáo dục. Các trường đại học có tiềm năng thu hút học sinh giỏi có thể tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, trong khi các trường khác có thể gặp khó khăn trong việc thu hút học sinh và duy trì chất lượng.
Ngoài ra, còn có áp lực về hạ tầng và tài chính bởi việc mở rộng hệ THPT tại các trường đại học đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng và tài chính. Điều này có thể gây áp lực lên nguồn lực của các trường đại học, đặc biệt là những trường có quỹ đất và nguồn nhân lực hạn chế.
Bên cạnh đó, mở hệ THPT tại các trường đại học có thể gây ra một số rào cản về sự công bằng và đa dạng. Có thể có những học sinh không có điều kiện hoặc không có sự quan tâm đến việc học tại các trường đại học, điều này có thể dẫn đến sự chênh lệch và thiếu đa dạng trong hệ thống giáo dục.
Đặc biệt, mở rộng hệ THPT tại các trường đại học yêu cầu sự thay đổi cơ chế quản lý và chính sách giáo dục. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và sự thay đổi trong quy định, thủ tục và quy trình.
Không phải trường ĐH nào mở hệ THPT cũng phù hợp
Trong khi đó, chuyên gia giáo dục TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đề xuất này cũng có ưu điểm và nhược điểm.
TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích, mở rộng hệ THPT tại các trường đại học có thể là một bước đi trong lĩnh vực giáo dục, có thể giải quyết mong muốn, nhu cầu của nhiều học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, để đảm bảo sự thành công và tận dụng tối đa tiềm năng của ý tưởng này, cần thiết phải có những nghiên cứu rất cụ thể.
“Không phải trường đại học nào mở cũng phù hợp, nếu có giáo viên dạy các môn THPT tốt còn giáo viên đại học thường dạy các môn cơ bản vì thế họ sẽ rất khó dạy các môn trong chương trình THPT. Như vậy, để mở hệ THPT trong trường đại học phải chuẩn bị giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý. Làm gì cũng phải có cơ sở khoa học chứ không phải muốn là được ngay. Vì điều kiện để mở trường THPT tương đối nhiều nên không phải trường đại học nào cũng đáp ứng được?”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo viên dạy chương trình phổ thông đều được đào tạo riêng, khác với giáo viên dạy đại học.
Trước câu hỏi, nếu mở rộng hệ THPT trong các trường đại học có nên mở lớp chuyên không hay không chuyên, TS Nguyễn Tùng Lâm nói: Không nên đặt chuyên hay không chuyên mà nên gắn với giáo dục nghề nghiệp để các em định hướng nghề nghiệp để phát triển tốt hơn để đóng góp cho xã hội.
Còn theo TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi, đề xuất này cũng là một giải pháp nhanh nhất để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp bậc THPT.
“Các trường này sẽ tận dụng được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hệ thống các phòng thí nghiệm thực hành có sẵn ở trong trường đại học. Tuy nhiên đây cũng là một bài toán cần cân nhắc. Chúng ta sẽ phát triển theo mô hình trường gì? Công, tư hay bán công vì mỗi mô hình có hình thức hoạt động khác nhau. Mô hình trường cấp 3 cũng khác với đại học vì các em cần phải học đủ số giờ, số buổi. Không phải trường nào cũng đáp ứng được”, TS. Trần Khắc Thạc nói.
Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024.
Nguồn: [Link nguồn]