Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo: Chỉ nên ưu tiên cho người khó!
Nhiều nhà giáo dục đề xuất nếu có ưu đãi nên dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hơn trong xã hội.
Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí từ mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Với đề xuất này, căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hằng năm là hơn 9.200 tỉ đồng.
Còn nhiều đối tượng khó khăn hơn
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đánh giá dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất miễn học phí cho con em nhà giáo từ bậc mầm non đến đại học là một đề xuất nhân văn và thể hiện sự quan tâm của xã hội đến nhà giáo. Tuy nhiên, dù là người trong cuộc, cá nhân ông không mong quy định này được áp dụng trong thực tế.
Ông cho rằng nghề giáo không nên có quyền lợi dị biệt mà hãy bình đẳng như các nghề khác. Nếu có thể, hãy quy định miễn học phí cho con nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. "Theo tôi, trước mắt ngân sách nhà nước nên dành để miễn giảm học phí cho con em các dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn, các trẻ em mồ côi, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật... Khi có điều kiện thì có thể mở rộng dần đối tượng miễn giảm học phí. Nếu toàn dân được đi học mà không phải đóng học phí hoặc được giảm học phí thì tôi rất mừng" - vị hiệu trưởng này đề xuất.
Với tư cách người trong cuộc, chị Nguyễn Hoàng Lam, giáo viên một trường THPT ở TP HCM, cho biết thu nhập của chị cũng không cao nhưng chị không đồng tình với đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo. Nhiều ngành nghề khác, số đông vẫn có thu nhập không ổn định. Phụ huynh học sinh vẫn còn nhiều người khó khăn, lương công nhân chỉ 6-8 triệu đồng/tháng, chi phí thuê nhà, sinh hoạt, tiền học cho con là hết. So với họ, đời sống giáo viên có thể không giàu nhưng ổn định hơn rất nhiều. Đề xuất ưu tiên không chỉ gây áp lực cho nhà giáo mà còn có thể tạo nên sự thiếu bình đẳng, phân biệt giữa các nghề nghiệp. "Tôi tin nhiều đồng nghiệp của tôi cũng có chung suy nghĩ này, không cần đến ưu tiên miễn học phí. Trước mắt, nếu ngân sách có tích lũy, hãy dành để tăng thêm phụ cấp giáo viên ở miền núi, hải đảo hay miễn giảm học phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn" - giáo viên này gợi ý.
Tương tự, thầy Phạm Kim Dũng, giáo viên Trường Tiểu học Thành Công B (TP Hà Nội), cho rằng đề xuất trong dự thảo Luật Nhà giáo là rất tốt. Tuy nhiên, trước mắt nên dành ưu tiên cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... cần thiết hơn.
Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất miễn học phí đối với con nhà giáoẢnh: HOÀNG TRIỀU
Nên miễn học phí ở các bậc học
Không ít chuyên gia giáo dục cho rằng cần tính toán kỹ trước đề xuất của Ban Soạn thảo Luật Nhà giáo. Một ý kiến cho rằng nhà giáo đã được nhận đủ lương như những cán bộ, công nhân viên thuộc các ngành nghề khác. Thậm chí lương của nhà giáo hiện nay cũng không thấp, việc miễn học phí như vậy là tạo ra sự không công bằng giữa các ngành nghề.
Luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (TP Hà Nội), cho rằng nghề giáo là một nghề cao quý nhưng sao chỉ con của nhà giáo mới được hưởng chính sách này? Những ngành nghề khác, ví dụ như đội ngũ y - bác sĩ, họ cũng cống hiến cho xã hội rất nhiều, tại sao lại không được hưởng. "Tôi tin sẽ có nhiều ý kiến cho rằng tại sao con nhà giáo và con của những người làm ngành nghề khác có sự khác biệt? Tại sao con nhà giáo được miễn học phí còn những ngành khác thì không? Đó là câu hỏi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phải trả lời vì nếu không sẽ sinh ra đặc quyền, đặc lợi trong ngành giáo dục" - luật sư Trịnh Đức Tiến nói.
Ông cũng cho rằng để bảo đảm công bằng, Bộ GD-ĐT nên tính đến phương án nếu ngân sách cho giáo dục tăng lên thì miễn giảm học phí cho học sinh THCS, THPT trên cả nước. Hiện nhà giáo đã được tăng lương, nếu tiếp tục miễn học phí cho con nhà giáo nữa thì lại thiệt thòi cho các học sinh khác.
Cũng chung quan điểm này, một giảng viên của ĐHQG Hà Nội đề xuất nên miễn học phí cho con những người nghèo chứ không chỉ miễn cho con nhà giáo. "Quan điểm cá nhân tôi là nên tiến dần tới miễn học phí cho các bậc học từ thấp đến cao. Tôi không nghĩ con mình cần miễn học phí, chính sách này nên dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hơn trong xã hội. Khi kinh tế phát triển, đất nước đủ điều kiện thì tiến tới miễn học phí cho học sinh toàn quốc" - giảng viên này bày tỏ ý kiến.
Khó khả thi TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng đây là một chính sách rất khó thực hiện. Ban soạn thảo liệu đã đánh giá tác động của chính sách này trên các bình diện chính trị, kinh tế, công bằng, bình đẳng với các nghề khác, với các nhóm đối tượng khác? "Tôi cũng băn khoăn những nhà giáo về hưu nay đi thỉnh giảng có thuộc diện ưu tiên không, hay con nhà giáo học liên thông suốt đời thì có được miễn phí hay không? Trường nghề tư, đại học tư học phí đến hàng chục triệu đồng, trăm triệu đồng/năm có được miễn học phí nếu là con nhà giáo?" - TS Hoàng Ngọc Vinh đặt vấn đề. |
Không nên quy định đặc quyền, đặc lợi Liên quan đến quy định tại điểm d điều 26 dự thảo Luật Nhà giáo quy định miễn phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian hoạt động, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định ông không đồng ý với đề xuất quá riêng biệt này. Theo ông Hòa, có nhiều lý do để ông không đồng ý. Con nhà giáo cũng giống như bao con em của những người công nhân, nông dân, lực lượng vũ trang... Có nghĩa, con em các ngành nghề phải được đối xử bình đẳng, không thể nào quy định đặc thù theo hướng "đặc quyền, đặc lợi" cho con nhà giáo. Bản thân nhà giáo cũng đang được đề xuất lương cơ bản xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương, chế độ phụ cấp nghề..., tức là đã có rất nhiều ưu đãi cho nghề nghiệp của thầy, cô giáo. Theo ông Hòa, với chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo từ mầm non đến đại học, căn cứ độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, Chính phủ cho biết hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.200 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn nhưng quan trọng hơn, đó là đề xuất này gây bất bình đẳng, bất hợp lý, gây tâm lý so bì giữa các ngành nghề. Khi thảo luận tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dẫn số liệu từ báo cáo của Chính phủ về số tiền trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng tương đối lớn. "Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để bố trí chi hằng năm. Các đồng chí phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác" - ông Trần Thanh Mẫn nói. Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, việc ban hành các chính sách có tính đặc thù cho nhà giáo là rất cần thiết, tuy nhiên cần rà soát, đánh giá tác động của các chính sách một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tính khả thi. Ưu tiên nhà giáo phải đặt trong tương quan chung với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác. Nhận định đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo là chính sách nhân văn nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng quy định này không thể áp dụng cho cơ sở giáo dục tư thục và thậm chí trong cả cơ sở giáo dục công lập. Do đó cần giao cho Chính phủ quy định chính sách theo hướng cho đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn cụ thể. "Tôi cho rằng không nên quy định nội dung này vào dự thảo luật. Ưu đãi, chính sách đặc thù thì được nhưng quy định "đặc quyền, đặc lợi" là không nên" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói. Văn Duẩn |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, từ mầm non đến đại học, chi phí dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.