Đề xuất cho học sinh lớp 7-12 ở Hà Nội đi học trở lại: Ai đồng thuận?
Hà Nội dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ đề xuất phương án cho học sinh từ lớp 7-12 đi học trở lại 100%. Nhiều phụ huynh, nhà quản lý giáo dục ủng hộ phương án này.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết tình hình dịch COVID-19 tại Thủ đô vẫn còn phức tạp, Sở đang xây dựng lộ trình, kế hoạch và phương án để báo cáo TP nếu đảm bảo an toàn. Dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch tiếp tục đề xuất với UBND thành phố cho học sinh từ khối 7 đến 12 đi học lại 100% ở tất cả 30 quận/huyện/thị xã.
Chị Nguyễn Thanh Nga có con học lớp 8, Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, con chị hiện đã tiêm 2 mũi nên gia đình rất mong ngày trường học mở cửa để đi học. Trước khi tiêm, chị hạn chế cho con ra ngoài vì lo bị lây nhiễm nhưng sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin, con ra ngoài gặp bạn bè, đi thể dục, mua sắm với bố mẹ. “Những hoạt động khác mình vẫn cho con tham gia, không có lý do gì lại không cho đi học”, chị Nga nói.
Học sinh lớp 12 Hà Nội đi học trực tiếp đầu tháng 12/2021. Ảnh: Quỳnh Anh
Chị Nga cũng như nhiều phụ huynh khác chia sẻ nỗi lo lắng con sẽ bị bệnh tâm lý khi ở nhà quá lâu, không được giao lưu, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô giáo.
Anh Nguyễn Văn Ngọc có 2 con theo học ở bậc THCS và THPT ở quận Hai Bà Trưng, cho rằng, khi dạy học trực tiếp, để không gây xáo trộn cho các nhà trường, Hà Nội cần thay đổi việc “tô màu” các quận, huyện, thị xã theo số ca nhiễm COVID-19 mới.
Nên thay đổi cách đánh giá mức độ dịch
Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân, bà Phạm Thị Xuân Oanh cho biết học sinh từ lớp 7-9 của trường hiện đạt tỉ lệ tiêm gần 100%. Sau một thời gian dài ở nhà học trực tuyến, tỉ lệ tiêm cao như vậy, nếu cơ quan y tế đánh giá tình hình dịch an toàn nên cho học sinh đến trường. Học sinh lớp 9 chuẩn bị đối mặt với kỳ thi vượt cấp khó khăn, phụ huynh, giáo viên rất sốt ruột. Còn các khối lớp khác, chất lượng học tập chỉ là một phần, vấn đề cần quan tâm là tâm sinh lý lứa tuổi.
“Đóng toàn bộ trường học ở quận vùng cam, bất kể trường đó không có học sinh nhiễm bệnh và tiêm đủ 2 mũi là vô lý. Thay vào đó, địa phương phải thay đổi cách đếm số ca nhiễm để phân cấp độ dịch”.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
“Hiện nay, cơ sở vật chất trường học đã sẵn sàng. Trước đó, Hà Nội đã có hướng dẫn liên ngành về phòng, chống dịch COVID-19 trước, trong và sau khi học sinh đi học do đó nhà trường có thể tổ chức dạy học trực tiếp bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, việc triển khai từng bước vẫn chờ văn bản chung của TP”, bà Oanh nói.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh cho biết, theo thống kê của cơ quan y tế, học sinh có độ tuổi từ 12 đến 14, mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 94,8%. Mê Linh là một trong 18 quận huyện cho học sinh lớp 9 đi học trực tiếp từ đầu tháng 11 đến nay. Theo đánh giá, sau 2,5 tháng dạy học trực tiếp 100% đối với khối lớp 9, các trường đều có phương án phòng dịch COVID-19 chặt chẽ, không có học sinh mắc bệnh trong trường học. Do đó, nếu tình hình dịch ổn định, tỉ lệ tiêm đạt mức cao như hiện nay, ngành giáo dục đề xuất cho học sinh đi học trở lại là cần thiết.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tây Hồ nói rằng, từ việc cho học sinh lớp 12 đi học 50% trực tiếp, 50% trực tuyến như hiện nay khiến giáo viên, nhà trường rất vất vả trong sắp xếp thời khoá biểu, bố trí giáo viên đứng lớp. Do đó, cần đánh giá mức độ an toàn để nếu cho học sinh đi học phải 100% học sinh học trực tiếp.
“Nếu phát hiện F0 ở lớp học nào chỉ nên chuyển đổi phương thức dạy học ở lớp đó. Ngoài ra, Hà Nội nên thay đổi cách đánh giá mức độ dịch, tránh chuyện tuần này trường được dạy trực tiếp, tuần sau lại đóng cửa gây xáo trộn lớn cho nhà trường, học sinh”, vị hiệu trưởng nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi nhiều địa phương có tình hình dịch COVID-19 phức tạp, nhiều trường học hiện đã tổ chức dạy học trực tiếp...