Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường: Không thể dạy chay, học chay

Sự kiện: Giáo dục

Các chuyên gia giáo dục hoàn toàn ủng hộ đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam vì đây là một bước đi quan trọng, không chỉ giúp học sinh tiếp cận với những nguồn tài liệu quốc tế phong phú mà còn mở ra cơ hội cạnh tranh cao hơn trong môi trường học thuật và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hoá xã hội như hiện nay.

Mục tiêu thiết thực

Ông Nguyễn Nhật Hùng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tranh biện và Tư duy Phản biện SocioLogic cho rằng, việc đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là một mục tiêu rất thiết thực.

Ông Hùng ủng hộ đề xuất này bởi 2 lý do chính.

Thứ nhất, tiếng Anh sẽ được triển khai một cách bài bản trong hệ thống giáo dục. Các chương trình học, học liệu sẽ được xây dựng một cách bài bản, có tính toán kỹ càng.

Ông Nguyễn Nhật Hùng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tranh biện và Tư duy Phản biện SocioLogic

Ông Nguyễn Nhật Hùng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tranh biện và Tư duy Phản biện SocioLogic

Các giáo viên, đặc biệt là nguồn giáo viên trẻ, năng động sẽ có nhiều cơ hội tuyển dụng để thực hiện và tích hợp vào hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, giúp trẻ hóa nguồn lực và thúc đẩy sự thay đổi, tiếp cận ngôn ngữ của học sinh, nhất là về phương diện văn hóa khi nhiều giáo viên trẻ đã có thời gian công tác và làm việc tại các quốc gia nói tiếng Anh.

Điều này đảm bảo mọi học sinh, bất kể điều kiện kinh tế hay địa lý, đều có cơ hội học tập và thực hành tiếng Anh ngay từ những năm đầu tiên một cách bình đẳng.

Thứ hai, tiếng Anh sẽ không chỉ dừng lại ở một môn học mà các em học sinh cần học để đạt điểm và qua môn, mà sẽ trở thành một công cụ để tiếp cận với các bộ môn khác, các nguồn tài liệu, học liệu quốc tế. Khi việc tiếp xúc với tiếng Anh trở thành một điều tất yếu, cứ đi học là cần dùng tiếng Anh để hiểu bài giảng, học sinh sẽ dần xây dựng thói quen sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên nhất.

“Các em sẽ không còn gặp quá nhiều khó khăn trong việc cần dịch một từ hay một câu từ tiếng Việt qua tiếng Anh, mà sẽ hiểu ngôn ngữ một cách rất tự nhiên như một người bản xứ. Đây là một điểm mạnh mà chỉ có chính sách đưa tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai trong trường mới thúc đẩy được”- ông Hùng chia sẻ.

Bà Hoàng Hà Minh - nhà sáng lập và giám đốc điều hành Westminster Academy cũng cho rằng, đây là một bước đi quan trọng, không chỉ giúp học sinh tiếp cận với những nguồn tài liệu quốc tế phong phú, mà còn mở ra cơ hội cạnh tranh cao hơn trong môi trường học thuật và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hoá xã hội như hiện nay.

 Bà Hoàng Hà Minh - nhà sáng lập và giám đốc điều hành Westminster Academy

Bà Hoàng Hà Minh - nhà sáng lập và giám đốc điều hành Westminster Academy

Tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là cánh cửa dẫn đến kho tàng tri thức từ các tài liệu nghiên cứu, sách giáo khoa, và công trình học thuật quốc tế. Nếu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến trong nhà trường, học sinh Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với những tài liệu cập nhật nhất, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với bạn bè quốc tế. Việc này cũng giúp các em dễ dàng hội nhập vào các chương trình học thuật quốc tế, từ các cuộc thi học thuật đến các hội nghị và các khóa học trao đổi.

“Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là bước đi chiến lược cho tương lai của học sinh Việt Nam, giúp các em hội nhập sâu rộng hơn vào thế giới. Đây không chỉ là một chính sách mà còn là một hành trình đầu tư cho thế hệ trẻ, để các em có thể bước ra thế giới với sự tự tin và tri thức vững vàng”, bà Minh nhấn mạnh.

Vượt qua trở ngại

Theo bà Hoàng Hà Minh, một trong những trở ngại lớn khi triển khai chính sách này là sự khác biệt về điều kiện dạy và học tiếng Anh giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Tại nhiều vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất và khả năng tiếp cận tiếng Anh còn nhiều hạn chế.

Tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên tiếng Anh có chuyên môn cao và cơ sở vật chất giảng dạy hiện đại, nhất là ở các khu vực nông thôn cũng là một thách thức. Việc chuẩn bị cho học sinh học tiếng Anh không chỉ là thêm một môn học vào chương trình, mà cần có một chiến lược phát triển nhân lực bài bản.

Để giải quyết vấn đề này, bà Minh đề xuất cần có các chương trình hỗ trợ đặc biệt cho các trường học ở khu vực khó khăn, chẳng hạn như tổ chức các khóa học online, xây dựng thư viện tài liệu số miễn phí và triển khai các chương trình tình nguyện viên để thu hẹp khoảng cách tiếp cận.

Để có thể thực hiện mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, trả lời trên báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa vấn đề này vào quy định trong Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, phải có chính sách và chiến lược - không chỉ là đường hướng trong các văn bản mà phải được cụ thể hóa thành các đề án và phải có nguồn lực.

Cần ưu tiên đầu tiên là đề án đào tạo đội ngũ giáo viên. Bởi thực hiện dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai không chỉ đơn thuần là giáo viên dạy ngoại ngữ mà cần có giáo viên dạy song ngữ cho những môn khoa học cơ bản trong nhà trường.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, cần bắt đầu từ việc đầu tư cho các cơ sở đào tạo giáo viên, không chỉ là các trường sư phạm, mà phải mở ra cả các khoa ở các trường đào tạo ngành cơ bản. Sinh viên khi tốt nghiệp có những kiến thức về các môn khoa học cơ bản và sẽ học thêm ngoại ngữ để trở thành giáo viên dạy song ngữ trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, cần có những đề án liên quan tới cơ sở vật chất, hạ tầng. Việc đưa ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường không thể “dạy chay”, “học chay” mà phải có những phòng học bộ môn, phương tiện, phải đưa công nghệ vào hỗ trợ.

Ưu tiên thứ ba là phải có được những chương trình thiết thực. Hiện nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần sự tính toán; không thể thực hiện dạy song ngữ đồng loạt, ồ ạt ở tất cả các môn bởi sẽ không thể đủ về điều kiện con người, cơ sở vật chất.

GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhận định, không thể dàn hàng ngang để cùng tiến lên trong giáo dục. Cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội. Chương trình, sách giáo khoa, thi cử môn tiếng Anh đối với các trường ở thành phố lớn, các tỉnh có điều kiện sẽ thuận lợi hơn, có thể được nâng cao hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở miền núi, có đồng bào dân tộc.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học được đề cập tại Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành Giáo dục.

Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng chương trình tiếng Anh (không chuyên) ở trường không đủ để nâng cao trình độ cũng không đủ hấp dẫn nên dễ chán nản,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN