Đề thi văn phải tăng chất đời

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đề thi văn được xem là sự thụt lùi. Ban ra đề thi năm tới cần có sự thay đổi.

Cấu trúc đề thi môn văn THPT quốc gia 2017 thật sự chưa hợp lý khi xem nhẹ phần nghị luận xã hội. Đề thi chỉ yêu cầu viết một đoạn văn ngắn 200 chữ - vừa không đúng tầm của một kỳ thi quốc gia vừa làm cho người dạy và người học chuyển sang xem nhẹ nghị luận xã hội. Trong khi đó, nghị luận xã hội vốn rất cần trong đời sống.

Phá vỡ sự cân đối của cấu trúc đề

Sự thay đổi trong đề thi tốt nghiệp và ĐH của môn văn là cả một chặng đường dài. Đề thi từ chỗ chỉ có nghị luận xã hội về đạo đức, lối sống đến có thể chọn một trong hai: nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học. Những năm 1980-1990, đề thi văn lại thiên lệch, chỉ có nghị luận văn học. Thời gian gần đây, đề thi bước đến sự hoàn thiện, cân đối hơn: vừa có đọc hiểu vừa có nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Văn học bồi đắp tâm hồn, rèn luyện cho học sinh khả năng cảm thụ và nhiều điều khác là vấn đề không cần bàn cãi. Nhưng nếu học sinh chỉ rèn luyện viết về nghị luận văn học, xem ra môn văn không đáp ứng được thực tế cuộc sống khi các em ra trường. Chính vì vậy, chúng ta đã phải đi một chặng đường rất dài, cả gần nửa thế kỷ, mới có một cấu trúc đề thi tương đối hoàn chỉnh - 2 điểm đọc hiểu, 3 điểm nghị luận xã hội và 5 điểm nghị luận văn học.

Đề thi văn phải tăng chất đời - 1

Thí sinh xem lại đề văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 (Ảnh: Hoàng Triều)

Tuy nhiên, đề văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 chuyển từ bài nghị luận xã hội sang đoạn văn là sự hạ thấp trình độ học sinh. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn văn ở TP HCM thời gian chỉ 120 phút nhưng cấu trúc 1 câu đọc hiểu 3 điểm, 1 câu nghị luận xã hội 3 điểm và 1 câu nghị luận văn học 4 điểm. Đó là một cấu trúc hợp lý hơn rất nhiều so với đề thi THPT quốc gia 2017.

Thêm thời sự, kỹ năng sống

Tại sao phải tăng cường dạy văn nghị luận xã hội trong nhà trường? Bởi lẽ, văn nghị luận xã hội giúp rèn luyện đạo đức cho học sinh, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử - vấn đề chưa được chú trọng nhiều trong nhà trường hiện nay; đề cập những vấn đề thời sự đang xảy ra buộc học sinh phải quan tâm.

Hơn nữa, cấu trúc có yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội là bước tiến đánh dấu sự đổi mới tiến bộ của đề thi môn văn hướng đến thực tế trong những năm gần đây. Nay, chúng ta hạ thấp yêu cầu - chỉ còn là đoạn văn - chẳng phải đi thụt lùi hay sao?

Dạng văn nghị luận xã hội là loại văn bản được sử dụng nhiều nhất trong cuộc sống: phát biểu trong hội nghị, thảo luận, bài tập nghiên cứu nhỏ, trình bày ý kiến... Trong khi đó, nghị luận văn học rất ít sử dụng, chỉ dành cho các em đi những ngành liên quan đến môn văn. Ít ai phải ngồi viết lại một bài văn phân tích tác phẩm. Còn dạng nghị luận xã hội thì lại phải viết thường xuyên dù mức độ có khác đi đôi chút. Vì vậy, dạy học gắn với thực tế sẽ có hiệu quả hơn.

Trong chương trình lớp 10 và 11 trước đây, bài kiểm tra về nghị luận xã hội yêu cầu viết một bài văn, còn bây giờ ngay lập tức bị chuyển đổi qua dạng đọc hiểu và chỉ yêu cầu viết một đoạn văn. Rõ ràng, cách dạy đang chuyển mình phục vụ theo cách ra đề, đồng nghĩa với việc đi xuống về mặt trình độ, năng lực học sinh.

Hơn nữa, chính việc rèn luyện văn nghị luận xã hội nhiều sẽ tăng sự hiểu biết của học sinh về đời sống, giúp các em quan tâm đến thực tế xã hội nhiều hơn. Một đề văn nên là một bài học về đạo lý làm người, để các em nhìn nhận cách sống của mình, cách sống của người xung quanh. 

Tăng sự hứng thú

Song song với đề văn nghị luận xã hội thì cũng nên thay đổi cách ra đề nghị luận văn học. Đề văn càng đi sâu vào vấn đề chi tiết càng khó làm. Vấn đề càng khái quát, cơ bản thì càng dễ làm hơn. Thầy cô ra đề thường cảm thấy đề nào cũng cũ, cũng quen nhưng với học trò thì đề nào cũng mới, cũng lạ. Hãy ra đề làm sao để học trò thích học môn văn, đừng quá đi sâu chi tiết khiến các em mất đi sự hứng thú.

Xôn xao đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi Văn quốc gia

Đề thi Ngữ văn chọn học sinh giỏi tham dự kỳ thi quốc gia của Sở GD&ĐT Bắc Giang nhận được tranh luận khi nhiều ý kiến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thị Thu Hiền (Người lao động)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN