Đề thi Văn mở được lòng sĩ tử
Liên tiếp những đề thi Văn theo hướng mở gần đây khiến cho thí sinh thích thú và có nhiều cảm hứng làm bài.
“Bấn loạn” vì đề mở
Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, câu hỏi về tấm gương “xả thân cứu người” của học sinh Nguyễn Văn Nam gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến nhận định rằng, đây là một đề thi hay. Các thí sinh cũng dành nhiều phản hồi tích cực với đề thi này.
Vào ngày 10/7, trong đề thi Ngữ văn khối C, D với hai câu hỏi nghị luận xã hội theo hướng mở về lối sống của người Việt khiến cho nhiều bạn thích thú. Thế Hoan, thí sinh thi trường ĐH KHXH&NV cảm nhận: “Em thấy những đề thi Văn thời gian gần đây rất hay và ý nghĩa. Nó đề cập đến những vấn đề gần gũi với đời sống hằng ngày của chúng ta. Em thi khối C, vừa rồi trong đề thi có câu hỏi nghị luận xã hội khá thú vị mặc dù nó đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn trong cách làm bài”.
Riêng câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi Văn khối D đã tạo nên một cơn sốt nhỏ trong cộng đồng các bạn học sinh. Sau khi kết thúc môn thi này, nhiều bạn không ngừng bàn tán về cách nhìn nhận vấn đề của mỗi người. Ai cũng rôm rả thể hiện quan điểm của mình. Xuất phát từ thiện cảm dành cho đề thi, không ít sĩ tử đã lên mạng để truy lùng tung tích của chàng Việt kiều Trần Hùng John, tác giả của đoạn văn được trích dẫn làm đề thi. Trên trang cá nhân của anh chàng này, chúng ta có thể dễ dàng thấy được rất nhiều ý kiến, chia sẻ thể hiện sự thích thú và hứng khởi với câu hỏi mở trong đề thi Văn.
Đề thi mở sẽ giúp học sinh hứng thú hơn trong việc làm học tập và thi cử
Bạn Tấn Minh (trường THPT Gia Định TP.HCM) chia sẻ: “Điểm môn Văn của em qua các học kỳ không được cao lắm. Nói thật là em rất ngán môn Văn vì lười học thuộc tất cả những gì thầy cô giảng và viết lại giống y như thế trong bài kiểm tra hoặc bài thi của mình. Nhưng khi đề thi xuất hiện những câu hỏi mở thì lại khác. Nó tạo cho em rất nhiều cảm hứng để làm bài thi hoặc tìm hiểu kỹ về một vấn đề nào đó. Em cảm thấy không bị gò bó về tư duy, có thể thoải mái viết ra những suy nghĩ của chính mình, không phải vay mượn từ lời lẽ của sách văn mẫu hoặc câu chữ trong những bài giảng của thầy cô nữa”.
Để đề thi mở ngày càng “thăng hoa”
Như vậy, nếu đề Văn mở được áp dụng một cách phổ biến sẽ giúp học sinh thấy hào hứng hơn với môn học này. Thầy Nguyễn Văn Tường (giáo viên Văn, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pinăng Tắc, Bác Ái, Ninh Thuận) phân tích: “Đề mở bỏ đi những giới hạn về phạm vi tư liệu như ở đề cũ, nhờ đó người viết có điều kiện phát huy cao độ những hiểu biết phong phú của mình để minh họa cho luận điểm. Qua đó phát triển tính chủ động về lựa chọn thông tin, kiến thức của học sinh. Hơn nữa, đề mở thường hướng đến những vấn đề mới mẻ, gần gũi và thời sự, nhờ đó tạo hứng thú làm bài cho học sinh, giúp các em có thể bày tỏ quan điểm và tranh luận để bảo vệ ý kiến của mình. Đây cũng là dịp giúp các em nhận thức về cuộc sống, thử trải nghiệm để rút ra bài học cho bản thân”.
Mặc dù, đề thi mở được dư luận hoan nghênh nhưng xung quanh cách ra đề thi mở vẫn còn vài điều khiến không ít người phân vân. Điều đầu tiên phải nói đến đó chính là vai trò của người học. Mặc dù, đề mở giúp cho nhiều học sinh có khả năng phát triển tư duy của mình, không bị nhàm chán trong lúc học nhưng nó cũng đòi hỏi ở các bạn nhiều kỹ năng hơn. Đã có không ít bài làm của học sinh trở thành “thảm họa” vì nói lan man, đi lệch chủ đề và mang tính chất “chém gió” quá nhiều. Thầy Tường cho biết, để học sinh làm tốt đề văn mở, thầy cô giáo phải đổi mới cách dạy, và học sinh cũng phải biết cách “học mở”, phải biết tự học từ nhiều nguồn, phải tích cực chủ động trong giờ học Văn.
Bên cạnh đó, giới hạn về việc ra đề thi cũng được nhiều người quan tâm. “Mở cái gì? Mở đến đâu?” là câu hỏi được đem ra bàn luận nhiều nhất. Nói về vấn đề này, thầy Tường chia sẻ: “Theo tôi, khi thực hiện đề mở, phải dựa vào nhiều cơ sở. Thứ nhất, đề mở phải phù hợp với đối tượng học sinh cần kiểm tra đánh giá. Đề phải gần gũi với lứa tuổi, phải thực từ cuộc sống, phải mới mẻ và “có vấn đề” để tạo sự hứng thú và phát huy sáng tạo của học sinh. Thứ hai, mục đích và loại bài kiểm tra đánh giá cũng cần được lưu ý. Với bài kiểm tra 15 phút hay 1 tiết, có thể tính mở rộng hơn, nhưng với những kì thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT hay ĐH - CĐ, đề bài cần mở có giới hạn và định hướng. Cuối cùng, phải đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng”.
Việc đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới cách ra đề Văn là hết sức cần thiết, song cần phải thống nhất cho giáo viên có quan niệm đúng đắn về đề mở, tránh ra đề mở theo kiểu tùy tiện, dễ dãi, thiếu giới hạn, gây sốc… Điều này thuộc về trách nhiệm của những người làm chuyên môn. Thầy Tường cho biết: “Một ví dụ tiêu biểu như trong kì thi tuyển vào lớp 10 của tỉnh H đã có đề bài “Trái tim có điều kì diệu”, đề này là quá sức so với học sinh lớp 9 bởi “độ mở” của đề quá lớn, thiếu định hướng cả phương pháp, phạm vi tư liệu, lĩnh vực kiến thức, dung lượng bài viết”.
Phần nghị luận xã hội, cần mở về phương pháp, thao tác làm bài, phạm vi tư liệu, quan điểm… nhưng giới hạn về dung lượng (quy định số trang, dòng, chứ không nên quy định số từ như nhiều nơi hay thực hiện). Với phần Nghị luận văn học đề mở phải gắn với kiến thức văn học trong chương trình, chứ không thể thoát ly tùy tiện, phải dùng kiến thức văn học, lí luận để giải quyết yêu cầu của đề bài. Đề mở chỉ là một khâu của quá trình đổi mới kiểm tra đánh giá. Nó phải đi liền với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy… đặc biệt là cách xây dựng đáp án và cách chấm. Thầy Tường phát biểu: “Đề Văn mở đòi hỏi đáp án phải mở (đề mở mức độ nào, khía cạnh nào thì đáp án mở mức độ và khía cạnh ấy). Cách chấm cũng phải linh hoạt, dân chủ, tôn trọng. Người thầy, qua chấm bài, vừa đánh giá kiến thức kỹ năng của học sinh, vừa lắng nghe, chia sẻ và uốn nắn những tình cảm, quan điểm, của các em. Có như vậy, môn Ngữ văn mới thực sự trở thành môn học yêu thích và đề thi mở sẽ trở nên gần gũi, hiệu quả hơn trong công tác đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ”. Thầy Nguyễn Văn Tường, Giáo viên Văn, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Pinăng Tắc, Bác Ái, Ninh Thuận |