Đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Thêm dạng câu hỏi mới, thí sinh ‘đánh bừa’ sẽ mất điểm

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên sẽ giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm ở môn Toán, 2,35 điểm môn Lý, Hóa, Sinh trong định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Chiều 11/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi từ năm 2025 sẽ bám sát nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn tiếp tục theo dạng tự luận, các môn còn lại theo hình thức trắc nghiệm (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).

Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025, trong đó có tính kế thừa khi giữ một lượng câu hỏi theo kiểu cũ đó là các câu hỏi trắc nghiệm quen thuộc với 4 đáp án và thí sinh chọn phương án đúng.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ có điểm mới, tính phát triển đó là có thêm các dạng câu hỏi mới gồm: câu hỏi dạng trả lời đúng/sai và dạng thí sinh phải trả lời câu ngắn. Điều này hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đồng thời thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo chương trình GDPT 2018.

“Xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên sẽ giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm ở môn Toán, 2,35 điểm môn Lý, Hóa, Sinh”, theo ông Hà.

Ở dạng câu hỏi đúng - sai, câu hỏi được thiết kế giúp kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi, kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân loại rất cao. Ở dạng trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận.

Cũng theo ông Hà, một vấn đề quan trọng thời gian qua là khi tiến hành thực nghiệm đề ở 5 địa phương với hơn 5.000 học sinh, đề thi đã được in gọn trên một tờ A3. Cấu trúc mới vẫn giữ nguyên 40 lệnh hỏi ở hầu hết các môn nhưng giảm được số tờ giấy thi. Từ đó, giảm bớt được khối lượng công việc, giảm rủi ro in ấn, ghép tờ đề thi.

Định hướng ngân hàng câu hỏi mở

Cũng theo đại diện Bộ GD&ĐT, việc xây dựng ngân hàng đề thi tốt nghiệp thời gian tới sẽ có “tính mở”. Lâu nay, quy trình làm đề hoàn toàn đóng kín, từ khâu soạn thảo đến mời chuyên gia, biên soạn câu hỏi đến khi đưa vào ngân hàng đề đều được bảo mật, có camera giám sát.

Tuy nhiên, dù quá trình “kín” thế nào vẫn là do con người nên có những năm đề thi đâu đó vẫn có vẻ giống đề bên ngoài. Thực tế, khi xây dựng đề với quy trình đóng kín, người làm khó tiếp cận nguồn internet để kiểm tra nên vẫn có những câu giống để khảo sát của các địa phương.

Xây dựng ngân hàng về với tính mở, thư viện câu hỏi sẽ được lựa chọn từ đề khảo sát của các Sở GD&ĐT, các trường THPT. Các đơn vị sẽ gửi câu hỏi hay kèm kết quả chấm thi để cơ quan chuyên môn của Bộ phân tích, từ đó xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa. Đương nhiên, các câu hỏi hay sau khi được đưa vào ngân hàng đề sẽ có những điều chỉnh để những em ghi nhớ một cách máy móc không thể làm được.

Năm 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh học chương trình GDPT 2018 thi tốt nghiệp THPT với phương thức mới, nội dung kiến thức mới.

Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức 5 bài thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ và Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Với phương án thi mới, thí sinh sẽ chỉ thực hiện 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn. Tuy nhiên, theo Bộ GD&ĐT, 4 môn thi này sẽ tạo thành 36 tổ hợp, thuận lợi cho các trường ĐH trong việc tuyển sinh.

Nguồn: [Link nguồn]

Thí sinh có một trong các chứng chỉ này sẽ được miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN