Đề thi Ngữ văn bị trùng với đề thi thử ở một số địa phương: Bộ GD-ĐT nói gì?
Trường hợp đề thi gần giống với đề thi ở một số địa phương, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, ngữ liệu thì trùng nhưng phần hỏi thì hoàn toàn khác nhau. Điều này hoàn toàn nằm trong quy định.
Chiều tối 29/6, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo nhanh sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
Trước câu hỏi liên quan đến đề thi Ngữ văn có câu nghị luận văn học gần như giống đề thi thử của tỉnh Nghệ An và đề thi vào lớp 10 của Hà Nội. Liệu có vấn đề gì trong việc xây dựng đề thi như vậy, PGS Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng ban đề thi cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đề thi năm nay cơ bản giữ như cấu trúc đề năm 2022.
Quang cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Bộ GD-ĐT).
Nội dung đề thi hầu hết nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào phần giảm tải. Mục tiêu đề ra là đề thi cần đảm bảo tính phân hóa tốt giữa phần thi tốt nghiệp THPT và phần để tuyển sinh cao đẳng, đại học.
Theo Trưởng ban đề thi, năm nay lần đầu tiên Bộ Giáo dục đưa vào quy trình kiểm soát những phần trùng lặp, những nội dung đã thi, kiểm soát cơ sở dữ liệu. Theo đó, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an kiểm soát khoảng 123GB dữ liệu đưa vào đề thi. Sau đó, Bộ sử dụng phần mềm có đối sánh, áp dụng với cả 15 năm. Cách thức đó đã giúp hạn chế được tối đa những phần trùng lặp.Tuy nhiên, chất lượng dữ liệu cần xem xét.
Trường hợp đề thi gần giống với đề thi ở một số địa phương, ông Hà cho rằng, ngữ liệu thì trùng nhưng phần hỏi thì hoàn toàn khác nhau. Điều này hoàn toàn nằm trong quy định.
Trưởng ban đề thi lý giải, trong chương trình có 17 tác phẩm thì chỉ ra đề được trong 15 tác phẩm. Việc sử dụng ngữ liệu trong 15 tác phẩm này trùng lặp cũng có thể dễ hiểu. Vì lệnh hỏi khác nhau nên không có gì gọi là trùng đề.
Với đề của Nghệ An là thiên về thể hiện cảm xúc, còn đề thi của Bộ là hướng tới sự cân bằng cảm xúc.
Nguồn: [Link nguồn]
Số thí sinh vi phạm quy chế thi là 41 thí sinh bị đình chỉ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 6 cán bộ coi thi bị dừng nhiệm vụ.