Đề thi minh họa môn Toán: Cần tăng số câu hỏi khó để phân loại học sinh

Nhận định về đề thi minh họa Toán THPT quốc gia, thầy Lê Thảo, giáo viên môn Toán của trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, về cấu trúc đề môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ không thay đổi nhiều so với đề minh họa, nhưng số câu hỏi để phân loại học sinh giỏi sẽ tăng mức độ khó để phân loại được học sinh top đầu.

Đề thi minh họa môn Toán: Cần tăng số câu hỏi khó để phân loại học sinh - 1

Theo thầy Lê Thảo, đây chỉ là đề minh hoạ, Bộ GD&ĐT đưa ra để giáo viên và học sinh định hướng được ma trận đề thi, chuẩn kiến thức và cách ra đề của bộ, qua dư luận và phản hồi của thầy cô giáo Bộ sẽ điều chỉnh và ra đề chính thức một cách hợp lý để đề chính thức đạt được các mức yêu cầu cần thiết của việc xét tốt nghiệp và đại học

“Đề minh họa Toán mà Bộ vừa công bố mức phân hoá chưa cao ở phần điểm 8,9,10. Học sinh học khá và giỏi mức điểm sẽ không lệch nhau nhiều. Số lượng câu hỏi quá khó không nhiều nên nhiều khi các em học sinh không làm được sẽ đánh bừa và nếu gặp may điểm các em sẽ cao hơn các bạn học giỏi”- Thầy Thảo nhận xét.

Cũng theo thầy Thảo, đề minh hoạ đáp ứng tốt điều kiện để xét tốt nghiệp, học sinh nắm vững kiến thức cơ bản sẽ dễ dàng làm được mức 5,6. 

“Theo nhận định của mình về cấu trúc đề sẽ không thay đổi nhiều so với đề minh hoạ, nhưng số câu hỏi để phân loại học sinh giỏi sẽ tăng mức độ khó để phân loại được học sinh top đầu”- Thầy Thảo nhận định. 

Không nên học tủ, luyện tập nhiều đề thi thử 

Thầy Lê Thảo cũng cho rằng, với 1,8 phút cho một câu hỏi ở đề Toán nên đều đòi hỏi tốc độ cao của học sinh khi làm bài.

Thầy Thảo chỉ ra, muốn làm bài trắc nghiệm môn Toán, trước tiên học sinh cần nắm vững hệ thống kiến thức trong sách giáo khoa.

“Do đó, các em cần ghi chú lại các vấn đề quan trong mà thầy cô đưa ra trên lớp, nên tóm tắt lý thuyết và các công thức toán học trong chương trình, không nên học tủ vì kiến thức trong đề thi sẽ trải rộng từ khắp nội dụng sách giáo khoa lớp 12”- Thầy Thảo nói.

Cũng theo thầy Thảo, học sinh đang quen với cách trình bày của bài thi tự luận, nên khi chuyển sang thi trắc nghiệm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó học sinh phải thay đổi cách học và cách làm bài.

“Các em nên biết rút gọn các bước làm, chỉ ghi các kết quả của các bước chính theo sơ đồ ( việc này quan trọng khi ta kiểm tra lại bài), luyện tập nhiều các đề thi thử, để rút ra kinh nghiệm làm bài nhanh, kinh nghiệm loại đáp án sai. 

Một vấn đề quan trọng nữa là làm nhiều sẽ giúp các em định hướng tốt cho việc phân loại các dạng bài tập cơ bản và khó, qua đó phân bố thời gian làm bài một cách hợp lý”- Thầy Thảo cho biết thêm.

Thầy Thảo nhấn mạnh, việc sử dụng tốt máy tính cầm tay sẽ giúp các tính nhanh kết quả và chọn đáp án cho nhiều câu hỏi. Nên học sinh cần phải biết cách sử dụng máy tính cầm tay một cách thành thạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN