Đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn gây tranh cãi: Hệ lụy từ việc lấy ngữ liệu ngoài SGK
Không sử dụng ngữ liệu từ sách giáo khoa (SGK) trong đề kiểm tra, đề thi để hạn chế tình trạng học văn mẫu, nhưng đề thi dễ rơi vào tình trạng ngữ liệu gây tranh cãi.
Thoát ly văn mẫu
Hướng dẫn năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không sử dụng ngữ liệu trong SGK để kiểm tra định kì. Trước đó, Bộ có công văn quy định cụ thể hóa định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018, trong đó có quy định không dùng ngữ liệu đã học trong SGK để đánh giá kĩ năng đọc, viết của học sinh trong các kì thi cuối kì, cuối năm, cuối cấp. Những quy định này đã tạo ra thực tế mới ở nhà trường, là cơ sở cho việc đổi mới kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Đề thi/kiểm tra môn Ngữ văn luôn gây tranh cãi trong dư luận Ảnh: NHƯ Ý
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên điều phối viên chính, Ban Phát triển CTGDPT 2018, Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Tiếng Việt - Ngữ văn, nhìn nhận, do tình trạng dạy học theo “văn mẫu” từ lâu đã khá trầm trọng và kéo dài, nên quy định tránh dùng ngữ liệu đã học trong SGK để kiểm tra, đánh giá định kì của Bộ GD&ĐT có thể coi là một giải pháp kĩ thuật, phù hợp với tình hình hiện nay.
Các đề kiểm tra, đề thi giữa kì, cuối học kì ở các địa phương đã được thiết kế theo định hướng mới để đánh giá năng lực của học sinh, từng bước loại bỏ khả năng trả lời câu hỏi chỉ dựa vào ghi nhớ và sao chép. “Trong thời gian qua, đổi mới kiểm tra, đánh giá đã thúc đẩy giáo viên tự thay đổi. Nhiều thầy cô siêng đọc sách hơn, năng động trong việc tìm kiếm tư liệu, văn bản, nhất là tác phẩm văn học và tự nâng cao trình độ thẩm định văn bản”, ông Hùng nói.
Do ngữ liệu chưa chuẩn
Gần đây, đề kiểm tra môn Ngữ văn giữa học kì I lớp 10 của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TPHCM gây tranh cãi khi yêu cầu học sinh viết bài văn nghị luận bàn về lối sống “phông bạt” của giới trẻ hiện nay. Cuối năm 2023, dư luận “nhặt sạn” trong đề thi, đáp án lớp 12 môn Ngữ văn về Dạ cổ hoài lang của tỉnh An Giang. Đề Ngữ văn chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 của Bộ GD&ĐT cũng nhận được nhiều bình luận trái chiều ở câu hỏi nghị luận xã hội khi đưa đoạn trích trong tác phẩm Bản mệnh của lí thuyết: Văn chương và cảm nghĩ thông thường của Antoine Compagnon.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng, những đề thi gặp tranh luận trái chiều thường không đi theo đúng chuẩn văn bản mà học sinh được học. Vì vậy, khi sử dụng ngữ liệu ngoài SGK, người ra đề nên dùng các văn bản tương đương chương trình học sinh đã được học.
Việc dùng ngữ liệu không tiêu biểu cho đặc trưng thể loại văn bản sẽ dễ gặp rủi ro. “Tác giả khi viết tác phẩm không ý thức về thể loại. Khi đưa vào đề thi, người ra đề phải lấy ngữ liệu đảm bảo đặc trưng của thể loại, chuẩn về thông tin khoa học”, bà Thủy lưu ý. Từng ra đề thi cho kì thi tốt nghiệp THPT hay kì thi THPT quốc gia trước đây, bà hay phản biện về việc văn bản không đảm bảo đúng thể loại.
Nhiều giáo viên cho rằng, đề thi/kiểm tra gây tranh cãi thường do không thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Chẳng hạn, đề kiểm tra của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi không đảm bảo quy định phải kiểm tra ít nhất 2 năng lực của học sinh là đọc hiểu và viết.
Đứng ở góc độ của người làm chương trình, PGS. Bùi Mạnh Hùng lo lắng đề thi chỉ dùng ngữ liệu ngoài SGK có thể dẫn tới tình trạng học sinh sẽ lơ là việc học tác phẩm trong SGK. “Có thể học sinh sẽ không coi trọng, không chú tâm học những văn bản trong SGK mà chỉ tập trung luyện thi theo mẫu đề của Bộ GD&ĐT tạo ra sự lệch lạc.
Nếu thế, học sinh không thể nắm vững tri thức ngữ văn và khó có thể phát triển kĩ năng vận dụng tri thức ngữ văn để đọc, viết, đáp ứng yêu cầu thi, kiểm tra đánh giá”, ông Hùng nhận định. Theo ông, cần phải thấy trước nguy cơ và có giải pháp phù hợp. Lâu nay, học sinh vẫn có thói quen thi gì học đó.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, Bộ GD&ĐT nên có quy định thống nhất về ngữ liệu, về những tác giả đã được thẩm định, về những tác phẩm đã được thời gian trả lời. Giáo viên cũng cân nhắc lựa chọn văn bản nào làm ngữ liệu để đánh giá, kiểm tra, phải phù hợp về mặt tư tưởng, giáo dục và tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh ở từng bậc học. |
Nguồn: [Link nguồn]
Đề kiểm tra giữa kỳ I môn ngữ văn được cho là của một trường THPT đang gâytranh cãi khi chỉ có một câu hỏi bàn về lối sống phông bạt.