Đề thi hay về lối sống thực dụng

“Hãy phân tích những điều kiện kinh tế - xã hội khiến đa số thí sinh chọn thi vào khối ngành kinh tế, quản trị trong khi lại rất ít thí sinh chọn thi vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ”.

Đó là nội dung đề thi giữa kỳ môn nhập môn xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM mới đây.

Trong 90 bài thi của sinh viên khoa luật kinh tế, hầu hết bạn trẻ lý giải việc chuộng kinh tế là vì dễ đậu (nhiều trường tuyển sinh), dễ xin việc, đa dạng việc làm, theo trào lưu của bạn bè, “sĩ diện” của gia đình và ảnh hưởng lối sống thực dụng, coi trọng vật chất. Ngược lại, nhiều bạn “chê” ngành xã hội bởi cho rằng không có tương lai, thu nhập thấp, khó tiến thân và mơ hồ về cơ hội việc làm.

Sức ép thực dụng

Nhiều sinh viên đã đưa ra nguyên nhân khiến giới trẻ lao vào khối ngành kinh tế là do ảnh hưởng từ lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền. Bạn Minh Tâm viết: “Khi chọn ngành, chúng tôi thường bị sức ép đầy tính thực dụng từ xã hội, gia đình và cả bản thân. Trong khi đó ngành kinh tế dễ học, dễ xin việc làm khi ra trường và cơ hội thăng tiến cao. Mục tiêu trong tương lai của nhiều bạn trẻ là có cuộc sống dư dả, thoải mái. Để đạt được mục tiêu ấy, đơn giản nhất là lựa chọn cho mình một ngành nghề có thể “hái” ra tiền trong tương lai”.

Tương tự, bạn Hoàng Diễm My dẫn ra thực tế lối sống vật chất, xa hoa đập vào mắt giới trẻ hằng ngày đã ảnh hưởng đến cách chọn ngành của các bạn. “Một bên tổ chức đám cưới cho con hàng chục tỉ đồng, giới showbiz dùng hàng hiệu, đi “xế hộp” bạc tỉ. Trong khi đó nhiều cụ già vẫn phải còng lưng đi ăn xin, nhiều gia đình con bệnh thiếu vài trăm ngàn đồng cũng phải bó tay chờ chết. Điều này thôi thúc giới trẻ ham muốn có nhiều tiền để đáp ứng điều kiện cho bản thân và gia đình. Ngành kinh tế nằm trong tầm ngắm này” - Diễm My viết.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Minh Trí đưa ra nguyên nhân khác như nhiều doanh nghiệp, ngân hàng mở ra nên nhu cầu tuyển dụng nhiều, lương cao, thưởng hậu hĩ... “Tâm lý này đánh thẳng vào học sinh nên không có lý do gì các bạn không nghiêng về kinh tế. Như một phản ứng dây chuyền, hết năm này đến năm khác thí sinh đều chọn ngành kinh tế như một giải pháp an toàn mà bỏ qua đam mê, sở thích thật sự của mình” - Trí kết luận.

Đề thi hay về lối sống thực dụng - 1

Thạc sĩ Lâm Tường Thoại (ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho thí sinh quan tâm đến nhóm ngành kinh tế năm 2012

“Quay lưng” với ngành xã hội - nhân văn

Điểm đáng chú ý là trong nhiều bài thi, sinh viên đã nêu ra nguyên do khiến giới trẻ “quay lưng” với ngành khoa học xã hội và nhân văn là bởi ấn tượng xấu từ bậc phổ thông. Một bạn viết: “Có sự phân biệt ngầm giữa môn học chính, phụ ở các trường phổ thông. Các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ luôn được thầy cô dạy rất kỹ. Ngược lại các môn văn, sử, địa dường như chỉ được dạy cho hết sách mà không quan tâm học sinh có tiếp thu được hay không. Chương trình học nặng nề khiến học sinh càng thêm sợ môn xã hội. Do đó, sẽ khó có học sinh tiếp tục chọn học các môn này khi lên đại học”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn xem ngành xã hội là “hạng hai” bởi khó tìm việc làm, lương thấp. Một sinh viên viết: “Ngành khoa học xã hội và nhân văn chỉ làm trong các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, phải nghiên cứu sâu lý thuyết và làm việc theo khuôn khổ máy móc chứ không sáng tạo. Học ngành này phải đi vùng sâu vùng xa và khó có cơ hội thăng tiến. Ngành xã hội chỉ được hư danh mà không có tiền tài, trong khi xã hội hiện nay xem kinh tế, tiền tài là chủ chốt”.

Một sinh viên khác lại cảm nhận đa số người dân vẫn còn “miệt thị” khối ngành xã hội, nhân văn. Vì vậy các ông bố, bà mẹ dù biết sức con mình không đủ nhưng cũng ép con thi vào khối ngành kinh tế. Bởi các thí sinh thi vào khối ngành kinh tế thường được mọi người đề cao, nể phục, trong khi khối ngành xã hội có những ngành học sinh chưa được nghe tới ở phổ thông như tâm lý học, Đông Nam Á học... Ngoài ra, bạn trẻ dẫn thêm nhiều nguyên nhân khác khiến ngành xã hội ngày càng bị lãng quên như quy mô đào tạo các ngành văn học, lịch sử, địa lý, triết học, nhân học ngày càng thu hẹp dần, sự phân bổ tiền lương không hợp lý giữa các nhóm ngành...

Không phải lỗi của các em

Thạc sĩ Lê Minh Tiến - người ra đề thi - nói: “Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn đã được cảnh báo từ lâu về thiếu người học. Tôi muốn nghe chính sinh viên - người trong cuộc - suy nghĩ thế nào về vấn đề này. Qua thể hiện trong bài thi, tôi nhận thấy các em đều nói xu thế chọn ngành nghề của giới trẻ hiện bị ảnh hưởng bởi trào lưu xã hội đề cao yếu tố kinh tế. Phần lớn các em lựa chọn theo đám đông. Sự lựa chọn như vậy tạo ra tâm lý an toàn hơn là dấn thân theo sở thích, đam mê, sở trường. Đáng lưu ý là các em nhận rõ những điểm yếu của ngành xã hội và nhân văn chưa được đầu tư, ưu đãi tốt. Các em cũng phê bình lối đào tạo nặng về sách vở của các môn xã hội ở bậc phổ thông. Chính ấn tượng xấu ở bậc phổ thông làm tăng thêm nỗi sợ hãi của các em về ngành xã hội và nhân văn.

Ngoài ra, sự vận hành của xã hội quá chú trọng về kinh tế, người mạnh là người có tiền đã tác động thẳng vào các em theo kiểu “có tiền mua tiên cũng được”, “kẻ giàu là kẻ mạnh”, “có tiền là có công lý” chứ không phải người có tri thức, có văn hóa mới là kẻ mạnh. Việc chậm đổi mới về phương pháp giảng dạy, nội dung giảng dạy các môn xã hội và nhân văn ở bậc phổ thông và cách xã hội vận hành nặng về đề cao giá trị vật chất đang tác động mạnh đến xu thế chọn ngành của giới trẻ. Đây không phải là lỗi của các em”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Bình ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN