Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT: Nâng độ khó, thầy trò vất vả hơn
Theo nhiều giáo viên, đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vừa được Bộ GD&ĐT công bố có sự “lột xác” nâng độ khó lên nhiều lần so với trước. Với độ phân hóa đó, học sinh rất khó để đạt điểm cao và thầy cô phải vất vả chạy đua với đổi mới dạy học.
Choáng ngợp ngữ liệu
Thầy Nguyễn Xuân Hảo, giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông (Hà Nội), nói rằng, đề minh họa vẫn giữ cấu trúc, không mới, lạ nhưng độ khó nâng lên đáng kể khiến học sinh bối rối. Ngay sau khi có đề, thầy đã cho học sinh lớp 12 năm nay làm thử và nhiều em sai, lạc đề, thậm chí không hiểu ngữ liệu để làm bài.
Ở phần đọc hiểu, Bộ GD&ĐT lấy văn bản trong tác phẩm “Một thân cây một tàng lá một bông hoa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường là văn bản thơ trữ tình, không thuộc bất cứ sách giáo khoa nào, đảm bảo yêu cầu không dùng ngữ liệu trong sách để ra đề. Tuy nhiên, các lệnh hỏi khó, có phần đánh đố học sinh. Chưa kể, ở phần viết câu 2 điểm, đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn nghị luận phân tích hình ảnh Hà Nội là chưa mang tính phổ quát, học sinh ở các vùng miền, tỉnh lẻ chưa có cơ hội đến Thủ đô sẽ khó hình dung, cảm nhận thực tế để viết.
Theo thầy Hảo, học sinh lớp 12 năm nay là lứa “chuột bạch” đầu tiên thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù ngay từ lớp 10, giáo viên đã thay đổi cách tiếp cận, phương pháp dạy học nhưng nhiều em vẫn bị “bám rễ” bởi văn mẫu, lệ thuộc sách giáo khoa, yếu kỹ năng đọc hiểu, thiếu kỹ năng phân tích, cảm nhận. Thầy cô bám theo chương trình, sách giáo khoa mới để dạy học sinh nhưng từ lý thuyết sang thực hành còn rất khó khăn. Các em choáng ngợp trước ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Khi tiếp cận một văn bản quá mới, học sinh không có nhiều thời gian để đọc hiểu, có em còn hiểu sai nên khó có thể phân tích hay.
Dù đề minh họa được công bố sớm hơn năm ngoái 5 tháng nhưng thầy Hảo cho rằng, thời gian tới thầy trò sẽ khó khăn trong dạy và học. Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán, cân nhắc về độ khó câu hỏi nếu không điểm sẽ rất thấp. “Sắp tới, thầy vẫn phải dạy chắc kiến thức nền, đặc trưng thể loại cho học sinh. Sau đó, cho các em luyện thật nhiều văn bản ngoài sách giáo khoa và thầy cô chữa, chốt lại vấn đề. Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ bám đề minh họa để xây dựng các bộ đề kiểm tra, đánh giá mới cho học sinh luyện một cách từ từ cho đến kỳ thi”, thầy Hảo nói.
Cô Nguyễn Thị Thanh, giáo viên dạy Ngữ văn tại Hà Nội, cho rằng, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh gặp nhiều khó khăn vì nhiều em lệ thuộc sách giáo khoa, kỹ năng đọc hiểu kém. Với một văn bản mới, nhiều em chỉ đạt 50% số điểm đọc hiểu, cao nhất chỉ ở mức 80%. “Không ít học sinh lệ thuộc văn mẫu nên khi gặp văn bản mới sẽ viết một cách ngô nghê, thiếu kiến thức thực tế và phân tích sai. Do đó, áp đề minh họa vào dạy học, từ nay đến kỳ thi cô trò sẽ vô cùng vất vả để trang bị kiến thức và kỹ năng làm bài”, cô Thanh nói.
Thầy trò vất vả hơn
Thầy Nguyễn Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa học tại Hà Nội, nhận định, đề minh họa trước kỳ thi đổi mới này có sự “lột xác”, nâng độ khó và đánh giá năng lực học sinh tốt hơn cả đề đánh giá năng lực. Tuy nhiên, với đề này áp cho năm đầu tiên đổi mới thi cử, thầy cô các trường sẽ rất vất vả để dạy học, nhất là các dạng câu hỏi khó mang tính thực tiễn.
Ở môn Toán, cô Phạm Thị Ngọc Huệ, giáo viên cốt cán của Trường THPT Đông Anh (Hà Nội), cho biết, nhiều người bất ngờ vì độ khó của đề được nâng lên. Trước đây, học sinh khá dễ lấy được điểm 8-9 nhưng với phương pháp tính điểm và độ phân hóa ở đề minh họa, nhiều em sẽ bị mất điểm. Ví dụ, ở dạng câu hỏi đúng sai với 4 ý, độ khó nâng dần lên, học sinh dễ mất điểm ở câu khó. Mỗi ý không trả lời được, học sinh mất 0,5 điểm. Cả 4 câu hỏi dạng này, học sinh trung bình rất khó để làm trọn vẹn nên điểm sụt rất nhiều. Riêng phần câu hỏi điền khuyết là những câu phân loại và mang tính thực tế nên học sinh khá giỏi mới làm được, tuy nhiên để đạt điểm cao tối đa là rất khó.
Với đề này, cả người dạy và người học xác định sẽ vất vả hơn trước mới có thể đạt mức điểm kỳ vọng bởi sự xuất hiện của các dạng câu hỏi mang tính thực tế nhiều hơn và dài hơn. Lâu nay, học sinh quen cách học, kiểm tra đề trắc nghiệm nên lối tư duy cũng bị ảnh hưởng. Trên thực tế, học sinh cũng đã có phần hoang mang, bối rối. Hiện nay, các trường ĐH có nhiều phương thức tuyển sinh như đánh giá năng lực, xét học bạ… Khi thi tốt nghiệp đề quá khó, quá thách thức, học sinh sẽ không dồn tất cả tâm sức vào cơ hội cuối mà sẽ tìm cách để chuyển sang phương án khác.
Bộ GD&ĐT dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 vào cuối tháng 6 tới. Năm nay là năm đầu tiên, học sinh thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với phương án thi mới gồm 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc Văn, Toán và 2 môn thí sinh tự lựa chọn. |
Phía thầy cô, từ khi áp dụng chương trình mới đã phải đổi mới dạy học, trong đó dạy đến đâu phải kiểm tra kiến thức, kỹ năng giải đề của học sinh đến đó. Với đề thi mới, đã chấm dứt hoàn toàn việc học sinh có thể tích bừa, chờ may rủi nên yêu cầu các em phải học tốt mới làm được hết đề. Đặc biệt, ở các câu hỏi phân loại, học sinh cần đến sự tính toán mới ra đáp án. Dạng đề và cách hỏi như hiện nay đánh giá học sinh cực kỳ tốt, các trường ĐH có thể tuyển chính xác trình độ, năng lực học sinh, tuy nhiên các em sẽ phải chịu áp lực hơn, học tập vất vả hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ GD&ĐT đã công bố hệ thống các đề thi tham khảo cho kì thi tốt nghiệp THPT 2025 dành cho các học sinh học theo chương trình mới. Theo nhiều giáo...