Để sĩ tử không ‘đuối sức’ trước kỳ thi

Học và thi thử quá nhiều dễ khiến các sĩ tử bội thực và bão hòa với sự tiếp nhận kiến thức.

“Còn hơn một tháng rưỡi nữa kỳ thi THPT quốc gia mới bắt đầu nhưng thời gian gần đây, phòng khám của tôi có nhiều phụ huynh đưa con đến để khám tâm lý. Các em đến trong tình trạng căng thẳng, đến nỗi các em không biết học để làm gì và quên hết những gì đã học” - chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết.

Càng giỏi càng lo

Mặc dù không có ý định đăng ký xét tuyển vào ĐH nhưng em NTV, học sinh (HS) lớp 12 của Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, vẫn phải căng mình học và luyện thi cho bốn môn đã đăng ký. Đó là các môn văn, toán, tiếng Anh và hóa, chủ yếu để tốt nghiệp vì sau đó em sẽ đi du học. V. phải học ôn với lịch dày đặc cùng các bạn.

“Có những dạng đề tụi em phải ôn đi ôn lại nhiều lần, đề thi ĐH và các đề mẫu trên mạng chắc không còn cái nào tụi em chưa được làm qua. Bạn nào cũng học giỏi nhưng vẫn sợ, vì nếu không ôn thì sẽ quên mất nên phải học nhiều cho yên tâm” - V. chia sẻ.

Rất nhiều HS khối 12 của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) thời điểm này cũng đang phải trải qua thời gian ôn tập gấp rút. Phần lớn các em đều chọn hướng xét tuyển ở khối A, A1, B và D nên số môn dự thi trung bình 4-5 môn.

Một HS của trường cho biết mặc dù kỳ kiểm tra học kỳ II vừa xong từ tháng 4 nhưng thật ra khối 12 đã được dồn lịch ôn tập từ đầu học kỳ II. Kiểm tra xong chủ yếu giờ là ôn tập, giải các đề do giáo viên đưa ra để làm quen với nhiều dạng bài khác nhau, nhất là các môn ở khối tự nhiên như toán, lý và hóa.

Để sĩ tử không ‘đuối sức’ trước kỳ thi - 1

Thí sinh trước kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tại TP.HCM. Ảnh: HTD

“Nhiều bạn đã học cả ngày ở trường còn phải luyện thi ở trung tâm ngay cổng trường vào buổi tối, ít cũng phải 8-9 giờ tối mới về nhà. Nói là ôn tập nhưng cũng chỉ quanh quẩn giải đề, hệ thống lại kiến thức nhưng không giải thì lo ra đề khó quá sẽ ảnh hưởng đến việc xét điểm ĐH sau này” - HS này nói.

Có con học ở trường này, anh Đức Minh cho biết mặc dù việc đăng ký ôn ở trường là tự nguyện, ai có nhu cầu thì học nhưng thời gian này ai cũng lo nên có lớp ôn nào là cho con ôn lớp đó, kể cả ở trung tâm, riêng Chủ nhật con anh mới có thời gian rảnh. Thậm chí anh còn thuê gia sư kèm tiếng Anh cho con thêm ở nhà tối thứ Hai và thứ Sáu vì môn này con anh chưa tốt lắm.

Căng thẳng hơn trường chuyên, lớp chọn là các trung tâm GDTX khi tổ chức ôn luyện cho các em lớp 12. Vì lực học của HS ở đây không cao nên áp lực không chỉ với HS mà cả với thầy cô khi ôn tập cho các em. Thời gian này, tại các trung tâm GDTX cũng đã bước vào nước rút ôn tập để làm sao các em phải nắm được kiến thức đi thi, phải ưu tiên trước hết cho xét tốt nghiệp THPT trước. Những em nào khá giỏi mới dồn sức để ôn với mong muốn xét tuyển ĐH.

Đừng khiến con bị ám ảnh về kỳ thi

Nhiều phụ huynh mà chúng tôi gặp cũng hốt hoảng vì kỳ thi sắp đến gần. Họ muốn con tập trung cho việc học, không được ra ngoài, đi chơi, mà chỉ đi học ở trường và học thêm. Điều này khiến các em rất áp lực, áp lực từ việc học và thi, từ những kỳ vọng của gia đình.

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Công ty Tâm lý trẻ (TP.HCM), cho biết thực ra áp lực trong kỳ thi cũng có mặt tích cực của nó. Nó khích lệ các em dồn tâm trí, thời gian và sức khỏe của mình để ưu tiên cho việc học và để kết quả kỳ thi tốt hơn. Tuy nhiên, áp lực này sẽ có mặt trái nếu như các em không vững vàng.

Kết quả thi đánh giá kết quả học tập của người học. Nhưng không phải vì những điều này mà chúng ta biến việc thi cử thành nỗi ám ảnh cho con. Thậm chí nhiều gia đình đã ưu tiên việc thi cử của con tới mức ngưng trệ những hoạt động khác. Để rồi người học cảm thấy sợ học, người thân cảm thấy không hài lòng với kết quả kỳ thi vì họ đã bỏ ra quá nhiều công sức.

“Việc học hành, thi cử quan trọng nhưng nếu ta để nó trở thành nỗi sợ hãi thì sẽ biến việc “được học” trở thành “bị học”. Và sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của người học, chất lượng của cuộc sống. Học là việc sẽ theo ta suốt cuộc đời bởi thế nên học phải là sự thích thú, say mê và trở thành nhu cầu được học” - bà Huệ nói.

Theo bà Minh Huệ, các bậc cha mẹ cần giữ cho con thái độ bình tĩnh và vui vẻ, lạc quan; giữ những hoạt động về thể chất và tinh thần cho con... Số thời gian học không quan trọng bằng chất lượng thời gian dành cho việc học. Khi con có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt thì kết quả học sẽ tốt hơn.

 

Không nên tổ chức thi thử quá nhiều

Tôi nghĩ là không nên tổ chức quá nhiều cuộc thi thử. Chúng ta cần tạo cho học sinh sự hứng thú như học nhóm, ôn tập với những hoạt động sôi nổi. Cha mẹ có thể động viên, khuyến khích con cố gắng bổ sung những kiến thức thiếu hụt, nhưng không quá lo lắng và nhắc tới trách nhiệm của con quá nhiều. Thái độ của cha mẹ rất quan trọng đối với con lúc này: Bình tĩnh, vui vẻ, lạc quan, tin tưởng sẽ giúp cho các con hoàn thành tốt kỳ thi của mình.

Tốt nhất, trong quá trình ôn thi, phụ huynh nên tạo trạng thái thăng bằng cho các em, cần tạo không khí thư giãn, động viên và chia sẻ, không áp lực với con. Các em chỉ tập trung việc học ở trường, ôn tập ở nhà một cách thoải mái và có hệ thống chứ đừng dồn ép quá để con tự tin bước vào kỳ thi một cách tốt nhất.

Chuyên gia tâm lý VÕ THỊ MINH HUỆ,Công ty Tâm lý trẻ, TP.HCM

Ngoài việc bảo đảm ăn ngủ tốt, các em còn phải có kế hoạch học và nghỉ ngơi, vận động hợp lý để thư giãn đầu óc như nghe nhạc, xem tivi. Nhưng tránh nhạc giật gân, phim bạo lực để không làm căng thẳng thêm. Cần ngủ trưa 30 phút đến một giờ. Ngủ đêm tối thiểu sáu tiếng (22 giờ - 5 giờ). Nên ngủ sớm dậy sớm theo chu kỳ sinh học (không nên ngày ngủ đêm học). Ngoài ra, các em cần tắm rửa sạch sẽ. Vì đang là mùa hè, tắm rửa sẽ còn có tác dụng kích thích thần kinh làm cho tỉnh táo, thoải mái, học sẽ hiệu quả hơn.

BS PHAN BÍCH NGA, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Pháp Luật TPHCM)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN