Để có “người đỡ đầu” tốt khi du học

Khi đi du học, sự hỗ trợ tích cực từ một giảng viên, giáo sư… sẽ giúp du học sinh tự tin theo kịp chương trình học, đạt kết quả học tập tối ưu, thậm chí là thành công trong việc xét ở dài hạn.

Do ý thức tự giác, khả năng tự tin, tính chủ động của học sinh, sinh viên Việt Nam còn thiếu, cộng thêm khả năng tiếng Anh học thuật của nhiều du học sinh Việt Nam mới qua còn rất hạn chế nên họ đã co rụt lại bởi sợ nếu phát biểu sẽ khiến người khác xem thường. Hoặc có khi du học sinh cũng không theo kịp tài liệu, bài giảng… nên bị rớt lại phía sau. Đối với các trường hợp không theo kịp lớp học, nếu không tìm kiếm sự hỗ trợ từ giáo viên, bạn bè thì sẽ càng mất căn bản, dẫn đến chán nản và bỏ học.

Muốn học tốt phải có “người đỡ đầu”

Đa phần các học viên tại Mỹ đều có “người đỡ đầu” (người hướng dẫn, người cố vấn) đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn học tập và nghiên cứu. Những “người đỡ đầu” thường là các giáo sư, giảng viên trực tiếp giảng dạy. Một sinh viên chủ động và cầu tiến sẽ tìm đến sự hỗ trợ từ nhiều “người đỡ đầu” khác nhau, theo nhu cầu của chương trình học. Cũng có người chọn và thuyết phục được những “người đỡ đầu” hỗ trợ, tư vấn họ suốt quá trình nghiên cứu chuyên ngành. Thậm chí nếu làm việc tốt và có tiềm năng, có người còn được các giáo sư hỗ trợ nhiều, tạo điều kiện cho làm việc và còn có thù lao.

 

Để có “người đỡ đầu” tốt khi du học - 1

Một nghiên cứu mới nhất của chuyên gia kinh tế Sylvia Ann Hewlett công bố năm 2011 cho thấy những người có người hướng dẫn, cố vấn thì có khả năng đạt được hiệu quả công việc cao hơn.

Bên cạnh đó, việc có “người đỡ đầu” sẽ giúp du học sinh hiểu được “người dạy cần gì từ học viên”. Mỗi người dạy học sẽ có một cách tiếp cận khác nhau trong khoa học và thường đánh giá kết quả học viên bằng nhiều cách khác nhau. Nếu hiểu được nhu cầu của giảng viên, du học sinh có thể tập trung đạt các kết quả quan trọng và cốt yếu để có được hiệu quả học tập tối ưu.

Cách tìm được một “người đỡ đầu” tốt

Các du học sinh hệ cử nhân, cao học khi muốn học tại Nhật, Singapore hay Mỹ thường bắt buộc phải có giáo sư hướng dẫn. Có rất nhiều cách tìm “người đỡ đầu”, tùy thuộc vào hoàn cảnh cá nhân, năng lực, mối quan hệ và chuyên môn của du học sinh. Cụ thể:

- Xác định nhu cầu bản thân: Nguyên tắc chung các du học sinh cần nhớ là việc tìm kiếm người hướng dẫn phải dựa trên ngành học, chuyên môn cụ thể của mình phù hợp với người hướng dẫn yêu cầu. Cần xác định người hướng dẫn, cố vấn sẽ là người sát cánh với bạn trong suốt quá trình học tập lý thuyết lẫn thực hiện các dự án.

- Chủ động làm quen với “người đỡ đầu” trước khi sang du học thông qua các mối quan hệ có sẵn hoặc tạo mối quan hệ gián tiếp để tìm đến các giáo sư. Cụ thể, du học sinh nên chủ động tìm kiếm, thông qua các du học sinh hoặc cựu du học sinh người Việt (hoặc người bản xứ) của trường để nhờ họ tư vấn, giới thiệu thông tin, địa chỉ, cách thức, mẹo vặt… để tìm đến các giáo sư. Có nhiều website hỗ trợ du học sinh tìm kiếm người hướng dẫn, điển hình như trang http://researchmap.jp/search/ cung cấp thông tin các giáo sư tại Nhật để học viên tự liên hệ. Du học sinh cũng có thể truy cập website của trường đại học hoặc liên hệ trực tiếp đến trường đại học của mình để được cung cấp danh sách và địa chỉ liên hệ các giáo sư hay người hướng dẫn.

- Trả lời câu hỏi “Tại sao ngài nên chọn tôi?”: Sẽ có nhiều ứng viên có chuyên môn tìm đến một giáo sư để nhờ họ làm cố vấn. Thế nên những người cố vấn, đỡ đầu sẽ bị thu hút hơn bởi kỹ năng, kế hoạch học tập, đề xuất học tập, đam mê của du học sinh. Hãy đưa ra những lý do cho thấy bạn có nhiều tiềm năng để trở thành người chiến thắng trong lĩnh vực học tập mà bạn theo đuổi.

- Bắt đầu bằng những thắc mắc đơn giản và cho cố vấn biết bạn muốn gì, họ nên làm gì để giúp bạn: Hầu hết cố vấn cho rằng họ chấp nhận bỏ thời gian và tiền bạc để trở thành cố vấn cho một ai đó là vì họ đạt được sự hài lòng vô hình. Muốn thế, họ cần biết nhu cầu của bạn là gì, nghĩa là du học sinh nên bắt đầu thuyết phục cố vấn bằng việc trao đổi thắc mắc các vấn đề nhỏ, nêu ra những nhu cầu mà bạn cần từ người cố vấn.

- Làm mọi thứ vui vẻ: Đừng làm mọi thứ trở nên quá nghiêm trọng, căng thẳng. Biến không khí “công việc” thành không khí trao đổi quan điểm với nhiều tiếng cười; biến quan hệ lớn-nhỏ thành quan hệ “bạn bè”, gần gũi, dễ chia sẻ. Tự nhiên hóa mối quan hệ bằng cách tìm đến cố vấn thường xuyên bằng những câu chuyện thu hút được cố vấn.

- Làm điều gì đó cho cố vấn: Hãy tỏ lòng biết ơn của bạn. Làm cho mối quan hệ trở thành hai chiều bằng cách trở thành người hỗ trợ cho cố vấn: Cung cấp thông tin hữu ích cho các cố vấn; hỗ trợ các công việc trong khả năng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đại Thắng - Huyền Trần (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN