Đề án SGK điện tử tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng, có nên?

Nếu được đưa vào thí điểm, đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử dành cho các lớp 1, 2 và 3 sẽ tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng.

Chiều 18/8, Sở GD&ĐT TPHCM cùng các ban ngành đã tổ chức hội thảo “Thí điểm đổi mới giáo dục tiểu học theo chương trình sách giáo khoa điện tử dành cho các lớp 1,2 và 3”. Tuy nhiên, nhiều băn khoăn về đề án vẫn chưa được làm rõ.

Đề án ngàn tỷ…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, nêu, đề án thí điểm đưa (SGK) điện tử và máy tính bảng vào trường tiểu học công lập tại TPHCM đang chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt, bước đầu dành cho học sinh lớp 1,2 và 3.

Việc sử dụng máy tính bảng có cài đặt bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 3 sẽ được số hóa bằng công nghệ 3D và các phần mềm dạy và học khác, giúp đổi mới phương pháp quản lý giáo dục tiểu học; nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng kích thích tính năng động, sáng tạo và tư duy của học sinh”, ông Nam nói.

Theo đề án, TPHCM sẽ có 10.398 giáo viên; 6.874 phòng học; 327.127 học sinh tham gia thí điểm. Trong đó, có 5.334 học sinh thuộc đối tượng chính sách.

Mỗi phòng học sẽ được đầu tư 262 triệu đồng bao gồm bộ thiết bị (gồm bảng white board; máy chiếu vật thể, bộ trả lời trắc nghiệm; máy tính xách tay...) trị giá 181 triệu đồng; phần mềm sách giáo khoa điện tử 3D; phần mềm tiếng Anh tăng cường; camera quan sát lớp học; hệ thống âm thanh, tủ sạc máy tính bảng…

Đối với giáo viên tham gia đề án, thành phố sẽ trang bị cho mỗi người một máy tính bảng từ nguồn ngân sách; hỗ trợ 5.334 em học sinh thuộc đối tượng chính sách mỗi em một máy tính bảng.

Riêng các học sinh còn lại, phụ huynh tự bỏ kinh phí mua sắm. Cũng theo đề án, các nhà cung cấp đã giới thiệu hàng loạt các loại máy tính bảng giá từ 3- 5 triệu đồng để lựa chọn.

Đề án SGK điện tử tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng, có nên? - 1

 Các giáo viên và đại biểu đang trải nghiệm về đề án sách giáo khoa điện tử.

Nhiều băn khoăn

Sau khi tham quan phòng học thông minh theo đề án, bà Võ Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) nói: “Nội dung đề án đưa ra là tốt, tuy nhiên, bản thân tôi thấy băn khoăn”. 

Theo bà Điệp, cần làm rõ các khoản tiền trang bị cho lớp học như hệ thống âm thanh, bảng viết... 

“Ngoài ra, với máy tính bảng, khi trang bị cho con, phụ huynh nào cũng muốn mua máy tốt nhưng kinh phí quá cao, vì thế cần có chế độ hỗ trợ như trả góp cho phụ huynh…” bà Điệp kiến nghị.

Bà Đinh Kim Phượng, hiệu trưởng trường tiểu học Chính Nghĩa, quận 5 cho rằng, việc đưa phòng học thông minh vào sử dụng sẽ có hiệu quả tốt, tuy nhiên, nhiều phụ huynh sẽ băn khoăn việc giảng dạy này có ảnh hưởng đến sức khỏe, giáo dục không gian sống cho các em học sinh hay không(?)

Bà Mai Thị Ngọc Lan, hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng lại cho rằng, đề án cần nhận được sự ủng hộ, thái độ tự nguyện từ phụ huynh. Ngoài ra, việc lựa chọn mô hình, thiết bị nào cho phòng học nên để nhà trường tự tính toán nhằm phù hợp với kinh phí của trường.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Hữu Phúc, vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại phía Nam cho rằng: Có thể khẳng định đề án là đúng đắn nhưng cần làm rõ nhiều nội dung bởi đây là một đề án lớn, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng.

Theo ông Phúc, cần làm rõ tính cần thiết phải thực hiện đề án, tại sao phải áp dụng cho bậc tiểu học mà không áp dụng cho các bậc học khác, đồng thời phải đánh giá được tác động cả chiều thuận lẫn chiều nghịch…

Nếu lấy trung bình một máy tính bảng có giá 4 triệu đồng thì tổng số tiền tiêu tốn cho khoản này là hơn 1.350 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố phải bỏ ra là hơn 62,9 tỷ đồng và phụ huynh là hơn 1.287 tỷ đồng; khoản tiền đầu tư cho phòng học tham gia đề án là hơn 1.800 tỷ đồng…

Để nhận ngay Điểm chuẩn ĐH – CĐ 2014, soạn tin:

DC MãTrường gửi 8502

VD: Để tra cứu điểm chuẩn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, soạn tin:

DC SPH gửi 8502 

 (Ghi chú: Điểm chuẩn sẽ được gửi tới bạn ngay khi có, xem chi tiết Bấm đây)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN