Đề án Ngoại ngữ 2020: Một số tỉnh sử dụng ngân sách lãng phí
Bộ GD-ĐT cho biết, khi thanh tra, kiểm tra việc triển khai đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, thấy ở một số địa phương phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục; sử dụng ngân sách lãng phí…
Bộ GD-ĐT vừa thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 ở một số địa phương trong tháng 3/2014.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Nguyễn Vinh Hiển cho biết, khi triển khai đề án, một số địa phương đã phối hợp với các trường đại học rà soát năng lực ngoại ngữ và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên dạy tiếng Anh. Kịp thời phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí được cấp để mua sắm, cung ứng thiết bị cho các cơ sở giáo dục, tập huấn cho giáo viên sử dụng thiết bị và bồi dưỡng giáo viên dạy ngoại ngữ.
Tuy nhiên, nhiều tỉnh vẫn chưa thành lập ban chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cấp tỉnh hoặc đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả; việc phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục; sử dụng ngân sách lãng phí.
Đặc biệt, khâu mua sắm thiết bị dạy học, mua sắm thiết bị mới mà không rà soát, kiểm kê thiết bị đã có, mua các thiết bị công nghệ thông tin chỉ có phần cứng, không có các phần mềm ứng dụng đi kèm nên không sử dụng được hoặc không khai thác hết được tính năng của thiết bị.
Lạm dụng việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo hình thức vừa học vừa làm; không giám sát chặt chẽ việc đánh giá kết quả bồi dưỡng, dẫn đến chất lượng bồi dưỡng giáo viên không đạt yêu cầu…
Theo đề án đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp (Ảnh Nguyễn Đức)
Do vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các tỉnh kiện toàn ban chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch, rà soát điều chỉnh kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương.
Căn cứ theo nhiệm vụ trọng tâm của Đề án để phân bổ nguồn kinh phí, đảm bảo cơ cấu phân bổ từ Trung ương, cân đối giữa các hạng mục chi (bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; mua sắm thiết bị, phần mềm, học liệu dạy và học ngoại ngữ) một cách hợp lý.
Chỉ đạo Sở GD-ĐT chấn chỉnh công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo hướng không tổ chức theo hình thức vừa học vừa làm. Chỉ tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện và việc đánh giá, nghiệm thu kết quả bồi dưỡng.
Hợp đồng với đơn vị đủ năng lực và trách nhiệm độc lập đánh giá kết quả bồi dưỡng; tổ chức rà soát về thực trạng thiết bị dạy học hiện có và các điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo việc mua sắm, khai thác, sử dụng thiết bị có hiệu quả.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Đề án tập trung vào việc đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo. Năm 2015, các tỉnh phải đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Đến năm 202, thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.