ĐBQH: Phụ huynh không muốn con em là 'chuột bạch'
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng nhiều phụ huynh học sinh thắc mắc tại sao đưa con em họ ra làm “chuột bạch” để thí điểm.
Chiều 11-6, các ĐBQH tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Góp ý về dự thảo luật trên, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng Điều 29 quy định chương trình giáo dục phổ thông phải được thực nghiệm trước khi ban hành, điều này mới nghe qua rất nhân văn. Nhưng theo vị ĐB, quy định này cần nhưng chưa đủ.
ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Lấy ví dụ vừa qua có mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), dù chưa được QH hay Ủy ban Thường vụ QH thông qua (văn bản cao nhất là công văn của Thủ tướng Chính phủ) nhưng lại triển khai đại trà ở 51 tỉnh, TP với 5.200 trường học. Mô hình này khiến một số phụ huynh đang rất dị ứng với việc thực nghiệm, thí điểm.
Dù chưa có đánh giá kết quả nhưng thực tế nhiều địa phương phụ huynh không muốn đưa con em mình đi học mô hình này. Thậm chí có địa phương 100% phụ huynh không đồng tình cho con đi học mô hình này.
"Họ thắc mắc tại sao đưa con em họ ra làm “chuột bạch” để thí điểm. Sau phản ánh của địa phương, Bộ GD&ĐT thừa nhận mô hình này chưa phù hợp với một số địa phương, việc triển khai nóng vội gây băn khoăn trong dư luận… Để khắc phục, Bộ GD&ĐT đã có công văn khắc phục.
Tuy nhiên, đối với học sinh không có chuyện học thử mà chỉ có học thật. Nếu thử nghiệm như vậy làm ảnh hưởng cả một thế hệ vì học sinh không có cơ hội học lại, nên cần đưa ra mức trần thí điểm và cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm….” - vị ĐB nhấn mạnh.
Cũng góp ý cho luật này, một số ĐB cho rằng cần giao cho các trường phổ thông tự chủ học thuật, chương trình, nhân sự... và Nhà nước chỉ điều tiết…
Liên quan đến VNEN, trước đó Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận việc áp dụng mô hình VNEN chưa thực sự phù hợp điều kiện của nhiều địa phương nên đã gặp nhiều khó khăn. Một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc. Cạnh đó, việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông... dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận. |
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành năm 2018. Theo đó, mỗi ngành chỉ có...