Dạy và học trực tuyến: Nhiều bất cập ở vùng sâu
Nhiều khu vực ở Tây Nguyên không có sóng di động, nơi có thì học sinh lại thiếu thiết bị, sách vở để học.
Cô Nguyễn Thị Chiên động viên học sinh học bài
Nhiều giáo viên phải vượt quãng đường hàng chục cây số dốc đá lởm chởm, bùn lầy trơn trượt để vận động phụ huynh học sinh tạo điều kiện cho con học tập trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thiếu thiết bị trầm trọng
Một buổi chiều đầu tháng 9 dưới cơn mưa phùn, phóng viên Tiền Phong cùng các giáo viên Trường Tiểu học Ea Đăh (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) vào thôn Giang Thanh, Giang Đông- nơi cư dân gần 100% là người dân tộc thiểu số từ miền Bắc vào lập nghiệp.
Bước trên những con đường ngoằn ngoèo, đá lởm chởm, bùn đất lầy lội, cô Nguyễn Thị Nam Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ea Đăh, dẫn chúng tôi vào gặp gia đình em Vừ Thị Hoa, học sinh lớp 2 (trú thôn Giang Đông) để thăm hỏi, động viên đến lớp. Hoa sống cùng ông bà nội và 3 người em. Bố mẹ em đi làm xa, vì dịch COVID-19 nay không về được. Ông bà của Hoa đều phải nhờ Hoa phiên dịch mới nói chuyện được với cô giáo. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có điều kiện học online. Bên cạnh đó, gia đình thuộc hộ nghèo nên mua sách vở cho em Hoa chưa đủ”, bà nội Hoa nói.
Cô Nguyễn Thị Chiên, giáo viên Trường Tiểu học Ea Đăh, nhanh chóng động viên, hướng dẫn Hoa học tập, nhắc nhở phòng chống dịch.“Nhiều gia đình nơi đây rất khó khăn. Chúng tôi cố gắng đến từng gia đình học sinh hướng dẫn, chia sẻ câu chuyện học trực tuyến hoặc cùng phối hợp để hỗ trợ các em tiếp cận kiến thức trong năm học 2021-2022. Ở đây, các hộ đều làm nương rẫy, vì thế chỉ có khoảng 10% gia đình có đủ điều kiện để con em học online”, cô Chiên cho hay.
Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nam Giang, trường đã lên phương án nếu dịch không giảm thì sẽ cho học trực tuyến, hoặc học qua truyền hình, hiện chủ yếu thầy cô giao bài trực tiếp. Theo đó, trong 3 ngày, giáo viên sẽ vượt gần 20km đến nhà học sinh giao bài tập, hướng dẫn để các em nắm phương pháp làm bài, ôn tập. Với học sinh lớp 1, giáo viên sẽ hướng dẫn các em tô màu theo hình vẽ, quen với việc học. Một thời gian sau, trường sẽ gửi bài tập để nhờ phụ huynh hướng dẫn, đồng thời giáo viên đến tận nhà chỉ dạy.
Không có sóng di động
Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng phòng Giáo dục huyện Krông Năng, cho biết, Phòng đã họp bàn các phương pháp dạy học trực tuyến, triển khai phương án ký kết hợp đồng với VNPT để có đường truyền ổn định. Tuy nhiên, ở một số vùng sâu vùng xa, đường truyền tín hiệu rất yếu.
Các giáo viên tại điểm trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thôn 4, xã Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk), nơi 100% học sinh là người dân tộc Mông,khẳng định, việc dạy học trực tuyến tại đây chắc chắn không thể thực hiện vì cả buôn chỉ có 2 nhà có tivi, sóng điện thoại lúc có lúc không và hoàn toàn chưa có mạng Internet. “Chúng tôi dạy ở điểm trường, muốn có sóng điện thoại để gọi về gia đình, phải ra cánh đồng và đứng ở vị trí cao dò sóng mới được. Tình hình như vậy rất khó kết nối với học trò để dạy học trực tuyến”, lãnh đạo Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng chia sẻ.
Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, trước thềm năm học mới, trường khảo sát 174 học sinh về việc học trực tuyến, và kết quả cho thấy chỉ khoảng 20% học sinh có thể mượn điện thoại thông minh của bố mẹ để học. Khoảng 95% học sinh là con em đồng bào dân thiểu số, gia đình đều làm nông, kinh tế eo hẹp.Do đó, việc học trực tuyến sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, tại các buôn làng, đường truyền Internet còn nhiều hạn chế, sóng điện thoại đôi lúc chập chờn.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk, phương án học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình được bậc THPT, THCS, giáo dục thường xuyên lựa chọn với tỷ lệ cao; còn ở bậc tiểu học, có 61,7% lựa chọn theo hình thức giao bài, phiếu học tập.Sau khi khảo sát, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường phân loại, xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp điều kiện của từng học sinh.
Theo Sở GD&ĐT Đắk Lắk, nếu học sinh có máy tính, điện thoại thông minh và có kết nối mạng, sẽ tổ chức dạy học trực tuyến qua các ứng dụng như K12 Online, GoEdu, Zoom, Google Meet… Nếu học sinh có tivi, nhà trường sẽ cung cấp nội dung, chuyển tài liệu học tập phù hợp với bài học được phát sóng trên truyền hình.Trường hợp học sinh không có máy tính, điện thoại, tivi, nhà trường chỉ đạo giáo viên biên soạn bài dạy, câu hỏi kiểm tra, hướng dẫn học tập để in sao, chuyển giao cho các em và có kế hoạch theo dõi, đánh giá, nắm bắt tình hình học tập để điều chỉnh kịp thời.
Nguồn: [Link nguồn]
Hiện nay, cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông, trong đó có trên 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành trong cả...