Dạy và học như thế nào với đề trắc nghiệm Toán?
Nếu đề tự luận chủ yếu tập trung vào giải toán thì đề trắc nghiệm còn chú ý đến kiến thức lý thuyết, các công thức.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có đề minh họa môn toán, các trường, trong đó có các tổ toán của các trường đã có những động thái thay đổi để chuẩn bị ôn tập cho học sinh. Qua bài viết này, tôi muốn trao đổi với bạn đọc về hai vấn đề: dạy và học như thế nào cùng cách xây dựng đề luyện tập môn Toán.
Nên dạy và học như thế nào?
Sẽ là sai lầm nếu nói rằng cách thi không ảnh hưởng gì đến cách học. Chắc chắn là với đề thi trắc nghiệm, khi số câu hỏi là rất nhiều và không còn những câu hỏi hóc búa thì nội dung học sẽ phải khác. Không cần phải đi vào những vấn đề chuyên sâu nhưng đồng thời phải học đều hơn toàn bộ chương trình. Cần chú ý đến cả những chủ đề vốn không được đề cập đến trong đề tự luận như tiệm cận, mặt tròn xoay, tính chất của hàm số mũ, logarit, biểu diễn số phức, tập hợp điểm, cầu-trụ-nón …
Nếu đề tự luận chủ yếu tập trung vào giải toán thì đề trắc nghiệm còn chú ý đến kiến thức lý thuyết, các công thức. Cần nắm chắc lý thuyết để giải nhanh các câu hỏi này và không bị nhầm lẫn vì thông thường, trong các câu hỏi lý thuyết, các phương án trả lời sẽ từa tựa nhau và đều “dường như là có lý”.
Như vậy đổi cách thi thì ta cũng phải thay đổi cách học. Tuy nhiên sẽ là rất sai lầm nếu chúng ta trắc nghiệm hóa mọi hoạt động dạy và học, cũng như kiểm tra và thi thử. Ở đây cần lưu ý là trong quá trình hình thành kiến thức ta cần có những bài giảng kỹ càng và học sinh cũng học ở mức hiểu và ghi nhớ. Vì thế, trong quá trình học kiến thức mới, không nên lạm dụng hình thức trắc nghiệm để kiểm tra, mà nên dùng hình thức vấn đáp và tự luận. Các hình thức này mới giúp chúng ta nắm được học sinh có thực sự hiểu vấn đề không.
Một điều rất muốn lưu ý các thầy cô: Việc xây dựng các đề thi trắc nghiệm là không đơn giản. Nếu chúng ta làm đề không đúng cách, sa đà vào những định hướng xây dựng mang tính chủ quan, sẽ làm rối học sinh và dẫn chúng đi không đúng hướng. Theo ý của chúng tôi, có 2 giải pháp cho việc xây dựng đề ôn luyện cho học sinh: một là tham khảo ở các nguồn đáng tin cậy, hai là tổ chức xây dựng tập thể, có phản biện cẩn thận. Trong phần sau tôi sẽ tiếp tục chia sẻ một số nguyên tắc và kinh nghiệm xây dựng đề trắc nghiệm.
Cuối cùng trong phần này, chúng tôi xin chia sẻ quan điểm của chúng tôi về việc sử dụng máy tính cầm tay. Theo chúng tôi, trong việc sử dụng máy tính cầm tay, cần có một cách tiếp cận tỉnh táo. Trong mọi trường hợp, máy tính cầm tay chắc chắn sẽ giúp ích trong việc nâng cao tốc độ tính toán nếu ta nắm được các thao tác cơ bản. Tuy nhiên đừng lạm dụng máy tính cầm tay và đừng tuyệt đối hóa năng lực của nó. Chú ý là máy tính cầm tay sẽ khó làm việc với tham số và không giải quyết được các bài toán định tính (ví dụ câu 50, dù cho đủ các dữ kiện nhưng máy tính không có ích gì ở đây).
Thầy và trò đang gấp rút chạy đua để ứng phó với phương án thi mới. Ảnh: PA
Xây dựng đề trắc nghiệm thế nào?
Chú ý đầu tiên là năm nay nội dung thi nằm hoàn toàn trong chương trình 12. Cụ thể, theo đề thi minh họa thì cấu trúc đề thi như sau: Có 11 câu thuộc chủ đề Ứng dụng của đạo hàm và giới hạn trong khảo sát hàm số, 10 câu thuộc chủ đề Hàm số mũ và logarit, 7 câu thuộc chủ đề Tích phân và ứng dụng, 6 câu Số phức, 8 câu thuộc 2 chương của Hình học không gian là Khối đa diện và thể tích và Mặt cầu, mặt trụ, mặt nón và 8 câu thuộc chủ đề Hình giải tích trong không gian. Các câu hỏi có mức độ khó dễ khác nhau mà theo thang phâng loại tương đối có 4 mức độ: Nhận biết, Hiểu, Vận dụng thấp và Vận dụng cao. Dựa vào đề thi minh họa, chúng tôi tạm chia một cách tương đối ma trận đề như sau:
Khi xây dựng đề thi, ngoài việc cố gắng tuân thủ một cách tương đối ma trận đề thi (chúng tôi nói tương đối vì việc đánh giá mức độ đề thi luôn là chủ quan) cần chú ý đến một số vấn đề sau:Mức độ nhận biết là những câu hỏi có thể làm trong 1 nốt nhạc (ví dụ các câu 3, 5, 12, 13, 14, 15, 16, 22, 23, 29, 30, 44). Các câu ở mức độ hiểu và vận dụng thấp là đa số các câu còn lại. Các câu vận dụng cao chỉ chiếm rất ít, thường ở cuối mỗi chủ đề và thường liên quan đến ứng dụng của toán học.
1) Đưa vào một tỷ lệ tương đối các câu hỏi lý thuyết, các câu hỏi định tính khi mà câu trả lời không phải là số hay công thức.
2) Sử dụng các hình thức truyền tải thông tin khác nhau: dùng công thức, dùng lời văn, dùng bảng, dùng biểu đồ, sơ đồ, đồ thị.
3) Mỗi chủ đề cố gắng xây dựng một câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, các ví dụ ứng dụng thực tiễn. Phần này có thể lấy các bài toán cực trị, các bài toán tài chính (lãi suất ngân hàng, cho vay, trả góp …), các bài toán vật lý (chuyển động của chất điểm) …
4) Khi xây dựng các phương án nhiễu, cần dự đoán xem học sinh có thể có những sai lầm, nhầm lẫn nào, tránh ra những phương án nhiễu quá hiển nhiên sai.
5) Trong các bài toán tính toán, trong một tỷ lệ nào đó, nên đưa một tham số vào, tránh học sinh có thể giải nhanh bằng máy tính cầm tay.
TS. Trần Nam Dũng (ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM)