Dạy thêm và học thêm: Nhu cầu có thật, quản lý sao cho hiệu quả?
Nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng việc dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật. Quan trọng là cách tổ chức, quản lý sao để tránh tiêu cực xảy ra.
Dự thảo Thông tư về dạy thêm và học thêm đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến từ ngày 22-8 đến hết ngày 22-10.
Chỉ cần báo cáo hiệu trưởng
Hiện, các quy định về dạy thêm và học thêm thực hiện theo Thông tư 17 năm 2012. Theo đó, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình khi chưa được sự cho phép của hiệu trưởng.
Dạy thêm và học thêm là nhu cầu có thật nên không thể cấm, quan trọng là việc quản lý. Trong ảnh: học sinh tham gia một lớp học thêm ngoài giờ chính khoá. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trong khi đó, dự thảo nêu giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường. Giáo viên chỉ cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất cứ hình thức nào ép các em học thêm.
Thầy Nguyễn Thành Giáp, giáo viên trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Hưng Yên nói: “Đã 25 năm trong ngành giáo dục, tôi thấy nhu cầu dạy thêm và học thêm là có thật, cấm triệt để điều này rất khó để thực hiện, cũng rất khó để quản lý”.
Theo thầy Giáp, từ trước đến nay việc dạy thêm và học thêm vẫn luôn diễn ra, thậm chí tràn lan, khó kiểm soát. Một số nơi xảy ra tình trạng giáo viên ép học sinh của mình phải đi học thêm ngoài trường tại lớp mà cô đó mở dạy nhưng không phổ biến.
Ngoài ra, quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài trường với học sinh chính khoá nếu chưa được hiệu trưởng cho phép, đối với TP lớn, các em có nhiều lựa chọn. Còn ở vùng quê, rất ít học sinh, phụ huynh có nhu cầu học thêm lại lựa chọn giáo viên khác ngoài trường để dạy thêm.
“Nhu cầu học thêm với chính giáo viên của mình là nhu cầu có thật của học sinh” - thầy Giáp nói.
Trong dự thảo cũng nêu giáo viên nếu dạy phải báo cáo, lập danh sách học sinh gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
“Những quy định này cơ bản đã đầy đủ, hợp lý, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc và quy định rõ hơn về việc phát hiện, xử lý trường hợp giáo viên lôi kéo, ép buộc học sinh của mình đi học thêm tại lớp do mình mở".
Đồng quan điểm, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, TP.HCM cho biết việc cho phép giáo viên được dạy chính học sinh chính khoá phù hợp hơn so với Thông tư 17 đang có hiệu lực bởi ba lý do.
Thứ nhất, học sinh luôn có mong muốn được học thêm giáo viên dạy trên lớp bởi có chuyên môn tốt, hiểu rõ được năng lực.
Thứ hai, việc được dạy học sinh chính khoá sẽ giúp giáo viên nắm trình độ mỗi em, có phương pháp phù hợp. Mặt khác, đa phần các giáo viên đều dạy thêm từ hè. Trong khi vào năm học mới, họ mới được phân lớp chủ nhiệm. Vì vậy, đối với giáo viên giỏi sẽ xuất hiện tình trạng lớp mình dạy trong trường sẽ có những em đang theo học tại lớp học thêm, nếu chiếu theo Thông tư 17 sẽ sai quy định. Do đó, để tránh vi phạm không cho các em theo học cũng khó.
“Tôi thấy quy định này phù hợp. Dự thảo cũng nêu giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Mặt khác, trong thời gian tới nên tăng cường vai trò giám sát của học sinh, phụ huynh để việc dạy thêm hiệu quả, thực chất và thực sự tự nguyện” - ông Bảo nói.
Hiệu trưởng một trường học tại TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận điều này sát với thực tế: "Bởi Thông tư 17 dù cấm nhưng vẫn xảy ra tình trạng giáo viên dạy thêm ngoài trường với chính học sinh của mình. Do chưa có giải pháp giải quyết rốt ráo nên nó tồn tại như một nhu cầu tất yếu".
Mặt khác, chính việc thi cử hiện nay là lý do khiến phụ huynh phải cho con đi học thêm và mong muốn con được học chính giáo viên dạy trên trường. Do đó, việc cấm là vô lý, mặt khác không có quy định ràng buộc, không có chế tài nên rất khó quản lý.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng trong quá trình dạy và học không phải học sinh nào cũng đều tiếp thu bài vở như nhau. Có em tiếp thu bài tốt, có em không theo kịp, có em chểnh mảng. Phụ huynh mỗi người có mong muốn khác nhau về trình độ học vấn của con. Vì vậy, theo ông Điệp, việc học thêm là cần thiết.
Tuy nhiên, khi không được phép, giáo viên sẽ dạy học sinh trong điều kiện phòng học chật hẹp, thiếu ánh sáng, gây cản trở học sinh trong việc tiếp cận kiến thức.
"Do đó với quy định nới lỏng giáo viên được dạy học sinh trong chương trình chính khoá là chủ trương đúng đắn. Bởi giáo viên nắm rõ được trình độ học sinh của mình, được cho phép dạy thêm, giáo viên sẽ cá thể hoá từng em để dạy tốt hơn" - ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM nói.
Khâu kiểm tra, giám sát là quan trọng
Với dự thảo Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dạy thêm và học thêm, dự kiến giáo viên sẽ được dạy thêm ngoài trường đối với học sinh chính khoá của mình. Trong ảnh: một giờ học của cô trò Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM cho rằng không nhất thiết bắt buộc thầy cô lập danh sách học sinh đăng ký học. Chính thầy cô sẽ cam kết chịu trách nhiệm với nội dung, chất lượng giảng dạy, tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo.
“Tưởng tượng giáo dục như ngành y, nếu bác sĩ muốn mở phòng mạch thì phải có giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp. Giáo dục cũng thế, giáo viên muốn dạy thêm thì phải có giấy phép giảng dạy và giống như hộ kinh doanh cá thể. Nếu giáo viên vi phạm những quy định trong giấy phép giảng dạy thì bị "tuýt còi" thu hồi giấy phép” - thầy Huân nói.
Đồng quan điểm, một hiệu trưởng tại TP.HCM cho rằng: "Việc giáo viên lập danh sách báo cáo chỉ tăng thêm việc cho cán bộ quản lý, rất khó hạn chế tiêu cực.
Như vậy nhà trường sẽ có thêm một bộ hồ sơ quản lý về dạy thêm. Tuy nhiên nếu có tình huống tiêu cực xảy ra đối với giáo viên dạy thêm thì hiệu trưởng xử lý ra sao, trình tự thế nào chưa thấy nêu trong dự thảo. Do đó, điều chúng tôi cần là cách thức quản lý, ràng buộc pháp lý và những biện pháp chế tài để xử lý khi vi phạm “ - vị này nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh quan trọng nhất là cách tổ chức, quản lý. Đặc biệt giáo viên phải dạy đúng chương trình, không vì quyền lợi mà cắt xén, lôi kéo học sinh.
“Khâu này rất quan trọng, khi điều đó rõ ràng việc dạy học sẽ có tác dụng rất lớn, giúp nâng cao chất lượng. Ngược lại, nếu không chú trọng, tự ý làm sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực, làm phiền hà cho phụ huynh và học sinh.
Chúng ta không thể cấm dạy thêm và học thêm. Do đó, khâu tổ chức, quản lý phải rõ ràng, minh bạch, có công cụ giám sát. Trong đó, lương tâm, chức năng của người thầy cần phải đặt lên hàng đầu. Họ phải hiểu rõ nhiệm vụ của mình là bồi dưỡng học sinh yếu, phát triển học sinh giỏi” - ông Điệp nhấn mạnh.
Cần quy định cụ thể hơn Bộ GD&ĐT cần quy định rõ hơn một số vấn đề đảm bảo giáo viên không chắt lọc, để dành kiến thức hay cho học sinh ở lớp học thêm. Nếu chỉ nêu không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm thì còn khá chung chung. Do vậy, cần có yêu cầu cụ thể đối với chất lượng nội dung, thời lượng bài giảng chính khóa, các nội dung trên lớp cần đảm bảo đầy đủ, tinh gọn, kiến thức chắc, đáp ứng các yêu cầu. Mục đích quy định và yêu cầu trên là đảm bảo tuyệt đối không xảy ra tình trạng người thầy trên lớp ra một đề bài rất lạ, mới và chỉ những học sinh đi học thêm mới biết và giơ tay xung phong trả lời trong sự ngơ ngác của các bạn còn lại. (Cô NGUYỄN P.T, giáo viên trường THCS Giảng Võ, Hà Nội). |
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) nói rằng, khi xây dựng dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm điều quan trọng mà Bộ GD&ĐT hướng đến là cấm hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Nguồn: [Link nguồn]