Dạy thêm: Chỗ siết, chỗ buông

Về cơ bản, học thêm, dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh học sinh muốn con mình giỏi hơn. Dĩ nhiên, đã có cầu ắt sẽ có cung.

Ngày 7/4, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Nghệ An phát hiện cô giáo Bùi Thị Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Trung Đô (TP Vinh), dạy thêm cho học sinh tiểu học tại nhà riêng. Tại thời điểm kiểm tra, cô Hiền dạy thêm cho 41 học sinh lớp 5. Lớp học diễn ra từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút cùng ngày.

Thà để dạy thêm còn hơn chạy xe ôm...

Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết cô Hiền vi phạm quy định dạy thêm, học thêm tại Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT và Quyết định 01 ngày 11/1/2013 của UBND tỉnh Nghệ An. Cô An bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục 10 triệu đồng.

Đây là trường hợp giáo viên bị xử phạt hành chính về việc dạy thêm đầu tiên ở Nghệ An. Sự kiện này thổi bùng cuộc tranh luận có nên cấm dạy thêm một cách triệt để, trong khi nhu cầu học thêm của học sinh là có thật hay cần có những quy định mềm hơn, thực tế hơn để quản lý?

Kết thúc giờ học buổi chiều lúc 16 giờ 30 phút, Lý Thế Vĩnh (học sinh lớp 4 một trường tiểu học ở quận Tân Bình, TP HCM) được cha chở đến một trung tâm bồi dưỡng văn hóa đặt tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) để học thêm toán và tiếng Việt. Lớp học thêm ở đây hoạt động từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút, Vĩnh không có thời gian quay về nhà nghỉ ngơi, ăn nhẹ nên phải tranh thủ ăn trên xe, lúc được cha chở đi.

Chị Nguyễn Thị Lương, mẹ của Vĩnh, cho biết con chị học thêm ở trung tâm này 3 buổi/tuần và đã được một năm. “Dù vất vả đưa đón nhưng việc cho con đi học thêm là tốt nhất, giúp nó tiến bộ hơn trong học tập” - chị cho biết.

Lê Văn Hiếu (học lớp 9 Trường THCS Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM) cũng 3 buổi/tuần được mẹ chở đi học thêm ở nhà thầy cô. Chị Hiền, mẹ Hiếu, cho biết học lực của Hiếu không thật sự tốt, năm nay vào lớp 10 nhưng với sức học này sẽ rất khó đỗ vào trường công lập trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở quận Thủ Đức. Cho Hiếu đi học thêm, gia đình yên tâm hơn là để cậu tự học ở nhà.

Dạy thêm: Chỗ siết, chỗ buông - 1

Học sinh học thêm tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM) chiều 11/4. Ảnh: Tấn Thạnh

Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng quy định quản lý dạy thêm học thêm tại TP HCM do Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua, ở góc độ nhà giáo, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho rằng áp lực lớn nhất của học sinh chính là thi cử. Nếu các em tự học thì kết quả trong các kỳ thi thường không cao.

“Ngay như con tôi, khi lên lớp 9, tôi phải cho đi học thêm vì sợ sẽ rớt lớp 10 Trường THPT Gia Định. Đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, đề thi trắc nghiệm thường bao trọn kiến thức THPT nên bắt buộc học sinh phải đi học thêm thì mới làm được. Chỉ những học sinh thật sự giỏi và được học với giáo viên có kinh nghiệm thì không đi học thêm mà vẫn đậu ĐH” - bà Cúc nhìn nhận.

Khẳng định dạy thêm còn là nhu cầu của giáo viên muốn học sinh của mình học giỏi và nhiều khi chuyện này không hề liên quan đến tiền bạc, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho biết nhiều giáo viên tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu sau giờ học mà không lấy tiền. Thậm chí, có giáo viên còn đem học sinh về nhà tắm gội và cho ăn, sau đó chờ phụ huynh tới rước mà không lấy đồng nào.

“Khi đã chọn nghề giáo, không thầy cô nào có tham vọng mình sẽ có một cuộc sống giàu sang nhưng cũng chẳng ai chỉ uống nước lã mà có thể sống được” - bà Dương Thị Trúc Bạch, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), tâm sự.

Từ thực tế, bà Điệp thừa nhận: “Tôi không cấm giáo viên dạy thêm bởi không thể nào bảo đảm đời sống cho các thầy cô. Tôi chỉ nói với họ là nếu để xảy ra phản ánh của phụ huynh thì giáo viên không những không được dạy thêm mà còn không được đứng lớp nữa”.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng bản thân học sinh vì muốn hơn bạn bè nên mới đi học thêm. “Với vai trò là nhà quản lý, tôi thà để giáo viên dạy thêm còn hơn là làm nghề khác như buôn bán, chạy xe ôm” - ông Chương chia sẻ.

Chưa thể xử phạt

Dù việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu và phụ huynh muốn con mình học giỏi hơn bạn bè nhưng nhiều ý kiến ở TP HCM cho rằng ngoài giờ học trên lớp, việc học thêm sẽ làm cho trẻ mất đi khả năng tự học, tư duy.

Ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, cho biết phụ huynh ở TP HCM đặt yêu cầu rất cao đối với con em mình, trong khi khả năng thực sự của nhiều em không tới. Để thực hiện ước muốn con mình phải giỏi hơn con người khác, nhiều phụ huynh đưa trẻ đi học hết ở nhóm lớp này đến trung tâm khác mà không biết chúng tiếp thu được gì.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Phòng GD-ĐT quận 3, nếu cho học trước khi vào lớp 1, học sinh sẽ có tình trạng vì biết rồi, học rồi nên lơ là, bỏ qua, không chú ý. Đó là chưa kể nhiều phụ huynh thuê gia sư bát nháo, dạy trẻ không đúng phương pháp nên khi học sinh vào lớp 1 sẽ rất khó thích nghi với cách dạy ở trường.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho rằng bác sĩ sau giờ làm việc có quyền làm thêm ở phòng mạch thì giáo viên sau khi hết thời gian ở trường cũng phải có quyền dạy thêm, kiếm thêm bằng chính sức lao động của mình. Nếu muốn hạn chế tiêu cực của dạy thêm, chỉ còn cách đổi mới đồng bộ việc thi cử, sách giáo khoa.

Ông Nguyễn Hoài Chương đánh giá việc học sinh bị ép học thêm nhiều quá làm giảm khả năng sáng tạo. Thực tế cho thấy nhiều thí sinh đỗ thủ khoa vào những trường ĐH lớn đều ở các vùng quê khó khăn, không có điều kiện học thêm.

Khi Thông tư 17 ra đời, Sở GD-ĐT TP HCM đã có hướng dẫn thực hiện nhưng lãnh đạo Thành ủy TP cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của giáo viên các cấp. Vì vậy, sở phải lấy ý kiến các sở - ngành liên quan và lãnh đạo 24 quận - huyện..., sau đó tập hợp lại và xin ý kiến một lần nữa. Sau khi hoàn thiện quy định, sở mới trình UBND TP để ban hành quyết định.

Sở GD-ĐT TP HCM đã lấy ý kiến các nhà giáo, chuyên gia và đã chuyển qua Sở Tư pháp thẩm định, sau đó mới trình UBND TP. Đại diện Sở GD-ĐT cho biết một số nội dung bất cập trong Thông tư 17 về quản lý dạy thêm được TP HCM điều chỉnh để phù hợp với tình hình của TP. Ví dụ, giáo viên mở nhóm dạy ở nhà mà không dạy cho học sinh của mình thì chỉ cần có ý kiến đồng ý của hiệu trưởng và báo cho UBND cấp phường về địa điểm là được, không cần phải giám đốc Sở GD-ĐT ban hành quyết định.

Hiện TP HCM chưa có quy định về xử lý giáo viên dạy thêm sai quy định nên chưa thể xử phạt được.

Nghệ An vẫn mạnh tay

Ông Trần Hữu Hy, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết sở đã thành lập các đoàn kiểm tra và xử lý tình trạng dạy thêm trên toàn tỉnh.

Liên quan đến việc tổ chức dạy thêm tại TP Vinh, Phòng GD-ĐT đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở giáo viên các trường không được làm trái quy định. Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm vẫn diễn ra ở khá nhiều nơi. Phòng GD-ĐT đã xử lý một số trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm trái quy định với các hình thức phê bình, nhắc nhở.

“Thời gian tới, giáo viên nào vi phạm thì ngoài việc phê bình, kiểm điểm, sở sẽ áp dụng hình thức kỷ luật luân chuyển đến đơn vị xa, khó khăn, ít có nhu cầu học thêm hơn” - ông Thái Khắc Tân, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Vinh, khẳng định.

Đ.Ngọc

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

TP Hà Nội tỏ ra rất kiên quyết trong việc dạy thêm, học thêm. Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường yêu cầu giáo viên ký cam kết không vi phạm quy định về dạy thêm, nếu cố tình vi phạm sẽ phải chịu kỷ luật nghiêm khắc. Sở GD-ĐT còn tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra đột xuất các trường học nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trái quy định.

Theo ông Hoàng Cơ Chính, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT TP Hà Nội, việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra vừa giúp cơ quan quản lý nắm bắt tình hình thực tế vừa có tác dụng ngăn ngừa những tồn tại trong quản lý dạy thêm và tình trạng lạm thu tiền trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dạy thêm vẫn diễn ra bởi nhu cầu học thêm là có thật.

Không chỉ học sinh THCS và THPT, cả học sinh tiểu học cũng có nhu cầu học thêm dù Bộ GD-ĐT đã cấm dạy thêm ở cấp này. Tại Hà Nội, rất nhiều phụ huynh phản ánh không có điều kiện về đúng giờ để đón con sau khi kết thúc buổi học, vì thế muốn gửi lại con ở trường. Nhiều trường tiểu học do cơ sở vật chất chật hẹp nên chỉ dạy 1 buổi/ngày, buổi còn lại cha mẹ phải nhờ giáo viên trông giúp. Chính Sở GD-ĐT cũng nhận thấy nhu cầu có thật này nên đã phải ban hành hướng dẫn quản lý, tổ chức trông giữ ngoài giờ đối với học sinh tiểu học.

Trả lời những băn khoăn của cử tri mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho hay đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương chống dạy thêm, học thêm. Chính Bộ GD-ĐT cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra một số địa phương để kịp thời xử lý, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng này, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình, tập trung đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, công tác thi theo hướng gắn với thực tiễn, không yêu cầu học sinh “học vẹt”, ghi nhớ máy móc. Tăng cường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để học sinh được tăng thời lượng tự học có hướng dẫn.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị bài và giảng dạy của giáo viên trong giờ chính khóa và dạy thêm, kiên quyết xử lý giáo viên vi phạm quy định.

Yến Anh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lân - Đặng Trinh (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN