Đây là cách để giáo sư, phó giáo sư được công nhận, bổ nhiệm

Sự kiện: Giáo dục

Các ứng viên phải qua các bước: đăng ký và nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn tại Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở; ngành, liên ngành và cuối cùng là Hội đồng nhà nước.

Đây là cách để giáo sư, phó giáo sư được công nhận, bổ nhiệm - 1

Quy trình công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư được quy định theo văn bản hiện hành gồm: Hồ sơ của các nhà giáo được thẩm định, xét công nhận tại Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở; ngành, liên ngành; và nhà nước. Sau khi đủ tiêu chuẩn, các giáo sư, phó giáo sư phải được một trường ĐH nào đó bổ nhiệm thì mới được hưởng mức lương như quy định của nhà nước.

Quyết định số 20 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 về việc sửa, bổ sung một số điều của quyết định số 174 năm 2008 "Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư" có quy định quy trình cụ thể đối với việc công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Theo đó các ứng viên phải qua các bước: đăng ký và nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xét công nhận đạt tiêu chuẩn tại Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở; ngành, liên ngành và cuối cùng là Hội đồng nhà nước.

Về việc đăng ký và nộp hồ sơ, nhà giáo thuộc biên chế của các cơ sở giáo dục đại học, nơi có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, đăng ký và nộp hồ sơ tại Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở đó. Nhà giáo thuộc các đơn vị, nơi không có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở thì đăng ký tại Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Sau khi hồ sơ được gửi, Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở thẩm định để xác nhận mỗi hồ sơ đăng ký đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư hoặc phó giáo sư cùng ngành chuyên môn với người đăng ký thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản. Mỗi hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư phải được ít nhất 3 giáo sư cùng ngành chuyên môn thẩm định, đánh giá, nhận xét bằng văn bản.

Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở sẽ trao đổi công khai về các ý kiến của những người thẩm định, đánh giá và kết luận đối với từng hồ sơ; nghe từng người đăng ký xét chức danh trình bày bản báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và báo cáo kết quả đào tạo; xác định trình độ ngoại ngữ của từng người.

Sau khi thảo luận và thông qua danh sách người đăng ký đủ điều kiện đưa vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm, Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở sẽ biểu quyết bằng phiếu kín.

Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, lấy xác nhận của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học nơi có Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, gửi kết quả xét và toàn bộ hồ sơ của các ứng viên lên Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đồng thời thông báo đến cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo.

Sau khi nhận được toàn bộ hồ sơ, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước sẽ phân loại và chuyển cho các Hội đồng chức danh giáo sư ngành, liên ngành. Quy trình thẩm định hồ sơ và xét công nhận tiêu chuẩn chức danh tại Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành cũng giống như ở cấp cơ sở. Sau đó, Hội đồng ngành, liên ngành sẽ báo cáo kết quả và chuyển lại toàn bộ hồ sơ cho Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước.

Khi qua đầy đủ các bước trên, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước tổ chức thẩm định kết quả xem xét của các Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành, quyết nghị bằng phiếu kín công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo.

Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước căn cứ nghị quyết của hội đồng để ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các nhà giáo.

Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, các nhà giáo phải được bổ nhiệm tại các trường ĐH thì mới được hưởng bậc lương theo quy định

Đầu tiên, cơ sở giáo dục ĐH thông báo công khai số lượng giáo sư, phó giáo sư ở các ngành mà đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm theo cơ cấu đội ngũ giảng viên trong cơ sở do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định. Nhà giáo có nguyện vọng được bổ nhiệm chức danh giáo sư hoặc chức danh phó giáo sư nộp hồ sơ tại cơ sở giáo dục ĐH.

Sau đó, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH căn cứ vào nhu cầu bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở, ra quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư cho các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, rồi báo cáo lên thủ trưởng cơ quan chủ quản cơ sở đào tạo và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các giáo sư, phó giáo sư đã được bổ nhiệm. Định kỳ 3 năm một lần, thủ trưởng rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các giáo sư, phó giáo sư để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo.

Theo quyết định 20 của Thủ tướng, nhà giáo được bổ nhiệm chức danh giáo sư thì được bổ nhiệm vào ngạch giáo sư – giảng viên cao cấp (mã ngạch 15.109) và được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng; Trường hợp đã được hưởng lương ở ngạch giáo sư – giảng viên cao cấp được xếp lên một bậc lương liền kề.

Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư thì được bổ nhiệm vào ngạch phó giáo sư – giảng viên chính (mã ngạch 15.110) và được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ sống lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng; Trường hợp đã hưởng lương ở ngạch phó giáo sư – giảng viên chính thì được xếp lên một bậc lương liền kề.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm giáo sư, phó giáo sư mới nhất

Dự thảo mới nhất về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm GS, PGS đã...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN