Dạy kỹ năng sống bị thả nổi?

Sự kiện: Giáo dục

Từ vụ tai nạn khiến 3 trẻ mầm non ở Hà Nam bị bỏng nặng khi học kỹ năng kêu cứu và chạy thoát hiểm, nhiều người đặt câu hỏi kỹ năng sống đang được dạy trong nhà trường như thế nào?

Liên quan đến sự việc 3 trẻ bị bỏng khi đang học kỹ năng tại nhóm lớp trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ (xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam báo cáo vụ việc.

Không khuyến khích cách dạy thiếu an toàn

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam kiểm tra, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm các cá nhân gây ra vụ việc. Vấn đề quan trọng cần làm rõ là Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam có chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục kỹ năng thoát hiểm cho trẻ như trong vụ việc này hay không?

Theo ông Minh, tất cả nội dung trong chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành đều được thẩm định kỹ lưỡng, nhiều chuyên gia phản biện, góp ý. Bộ GD-ĐT không chỉ đạo thực hiện những nội dung giáo dục kỹ năng sống chưa qua thẩm định; cũng không khuyến khích hoạt động giáo dục kỹ năng sống mà không bảo đảm an toàn cho trẻ như ở nhóm trẻ mầm non tư thục Tuổi Thơ.

Trên thực tế, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn triển khai giáo dục kỹ năng sống trong các trường học từ mầm non đến bậc phổ thông từ nhiều năm nay. Theo đó, nội dung giáo dục kỹ năng sống trang bị cho người học những kỹ năng cơ bản, cần thiết, hướng tới hình thành những thói quen tốt giúp người học thành công.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công tác chính trị và học sinh sinh viên - Bộ GD-ĐT, thông tin với trẻ mầm non, nội dung giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp trẻ nhận thức về bản thân như sự tự tin, tự lực, thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản. Dạy cho trẻ biết thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì, vượt khó; hình thành một số kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường. Đối với học sinh tiểu học, tập trung hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp; kiên trì trong học tập; đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, đồng cảm... Đối với học sinh trung học, giáo dục những kỹ năng sống cốt lõi như ra quyết định và giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và sáng tạo, giao tiếp và hợp tác, tự nhận thức và cảm thông, quản lý cảm xúc và đương đầu với áp lực...

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay việc giáo dục kỹ năng sống được thực hiện thông qua việc tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáo dục. Khuyến khích các trường chủ động tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng hoặc liên kết với các đơn vị để tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng.

Học sinh rất cần dạy kỹ năng sống từ nhà trường Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh rất cần dạy kỹ năng sống từ nhà trường Ảnh: TẤN THẠNH

Chưa rõ hiệu quả tới đâu

Mới đây, tại hội nghị triển khai năm học mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn cho rằng việc dạy kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Bộ GD-ĐT, giáo dục kỹ năng sống được tích hợp trong môn học chủ yếu là phần kiến thức, trong khi cần sự rèn luyện, thể hiện qua hành vi, thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm, câu lạc bộ, tập luyện. Trong khi đó, cơ sở vật chất tại các trường học để tổ chức hoạt động câu lạc bộ cho học sinh, sinh viên còn thiếu, chưa kể giáo viên cũng thiếu kinh nghiệm. Về vụ việc 3 trẻ bị bỏng lúc học kỹ năng sống ở Hà Nam, ông Nguyễn Bá Minh nhận định: "Tác nghiệp của giáo viên có vấn đề!".

Bà Bùi Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Cường (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), cho rằng: "Kỹ năng sống nếu chỉ dạy lý thuyết thì không đạt hiệu quả như mong muốn vì kỹ năng chỉ được xử lý tốt nhất khi học sinh tiếp cận, va chạm trong cuộc sống. Thực tế phát sinh nhiều vấn đề nên các bài giảng cũng không theo kịp, do đó giáo dục kỹ năng sống rất khó. Năm học 2018-2019, chúng tôi đã liên kết với một số đơn vị dạy kỹ năng sống, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng chưa thấy hiệu quả trực tiếp vì còn cần thời gian" - bà Huế chia sẻ.

Theo chuyên gia giáo dục - TS Nguyễn Việt Anh, kỹ năng sống đầu tiên phải dạy từ gia đình, từ những việc rất nhỏ như sắp xếp đồ vật, rửa bát, xếp sách vở, vứt rác... sao cho gọn gàng, cẩn thận nhất. Những kỹ năng liên quan đến an toàn tính mạng nhất định phải do các chuyên gia hướng dẫn, giáo viên không thể kiêm nhiệm do họ quá bận công tác chuyên môn và bản thân chưa chắc đã được tập huấn và có kỹ năng thuần thục. Trường học đã quá tải với việc dạy kiến thức, một giáo viên dạy 50-60 học sinh thì không thể dạy thêm kỹ năng cho học sinh. Cô giáo không thể "nhìn" được từng học sinh và dạy các con cách cư xử.

Phải có vai trò của bố mẹ

TS Nguyễn Việt Anh cũng cho rằng việc nhà trường liên kết với các trung tâm dạy kỹ năng sống cho học sinh chỉ đạt hiệu quả khi có những "người truyền lửa". "Cách thức truyền tải thông tin đến trẻ phải gần gũi, sinh động, thiết thực thì mới làm cho trẻ hứng thú, quan tâm, thấy được tầm quan trọng của kỹ năng để có ý thức tìm hiểu, trau dồi, nâng cao... Trẻ em bây giờ rất dị ứng với cụm từ "kỹ năng sống" là do cách dạy khô cứng, nghèo nàn, không hấp dẫn. Ngoài ra, nếu bố mẹ không dạy con những việc thường ngày, 100% có người giúp việc làm giúp thì dù có đưa con đến các khóa học kỹ năng sống cũng không giải quyết được vấn đề" - TS Nguyễn Việt Anh khẳng định.

7 kỹ năng trẻ phải học từ khi còn bé, nhiều phụ huynh Việt vẫn quên dạy con

Có những kỹ năng trẻ cần được học từ khi còn nhỏ để lớn lên có thể trở thành người thích nghi được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN