Dạy học nhưng lơ là dạy kỹ năng sống

Chương trình học nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, không trọng dạy kỹ năng sống cho học sinh… là những ý kiến của học sinh trong buổi đối thoại “Tiếng nói của học sinh phổ thông TPHCM” diễn ra ngày 21/3.

Khô khan và nhàm chán

Em Võ Lê Tiểu My (lớp 12, trường THPT Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM) đặt câu hỏi: “Tại sao môn giáo dục công dân (GDCD) lại bắt học sinh học cả kiến thức về triết, trong khi đó, việc dạy học môn GDCD rất mơ hồ khiến chúng em khó tiếp thu? Bản chất của GDCD là giáo dục đạo đức, lối sống, vậy tại sao chúng ta không đưa về giáo dục con người mà lại đưa ra những kiến thức lý thuyết nặng nề và quy về điểm số, khiến học sinh học thuộc bài nhiều hơn là hiểu?”.

Đưa ra dẫn chứng, My nói: “Tại huyện em, có rất nhiều bạn chỉ mới lớp 10 đã phải nghỉ học lấy chồng, sinh con, rồi học sinh đánh nhau… Vậy tác dụng của môn GDCD đến đâu? Ở các trường quốc tế, người ta dạy kỹ năng sống rất nhiều còn trường em thì dạy cho biết, không đọng lại gì; môn nào cũng quy ra điểm số, đạt chỉ tiêu, nên đâm ra nhàm chán?”.

Dạy học nhưng lơ là dạy kỹ năng sống - 1

Em Võ Lê Tiểu My đặt câu hỏi với Sở GD-ĐT TPHCM

Còn bạn Nguyễn Kim Loan (lớp 11A2, Trường THPT Phú Nhuận) cho rằng: “Nội dung môn tin học hiện nay khá chậm so với sự phát triển của khoa học công nghệ. Cụ thể, trong tin học 11 bọn em được học Passcal trong khi phần mềm phổ biến để lập trình hiện nay là C+. Vậy em xin hỏi, việc dạy và học như vậy thì khi áp dụng thực tiễn nó sẽ như thế nào? Kính mong thầy cô xem lại chương trình dạy để phù hợp với thực tế hơn”.

Trong khi đó, em Thái Anh cho rằng, môn Lịch sử hiện nay khá khô khan nhưng lại chưa đầy đủ, đặc biệt là một số sự kiện sau năm 1975.

Để thu hút môn Sử, em Lý Nhật Hoàng (học sinh trường TTGDTX quận 12) góp ý: “Tại sao chúng ta không lồng ghép kiến thức lịch sử Việt Nam trong môn Anh văn, chẳng hạn như dịch các bài lịch sử Việt Nam thay vì dịch các vấn đề của thế giới, nhất là theo quy chế mới về thi tốt nghiệp, môn lịch sử đang dần bị các bạn học sinh bỏ quên. Làm như thế vừa đảm bảo học tốt môn Anh văn vừa biết thêm Lịch sử”.

Trả lời các vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương, PGĐ Sở GD- ĐT TPHCM nói: “Nếu chương trình học nặng nề, khô khan thì trường nên chủ động giảm tải sao cho hợp lý chứ không nhất thiết phải học hết các nội dung trong sách. Về môn tin học, chúng tôi tiếp thu và ủng hộ theo ý kiến của học sinh”.

“Nếu là học sinh, tôi cũng chọn như vậy”

Việc thi tốt nghiệp phổ thông có sự thay đổi khi học sinh chỉ phải thi 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn cũng là điểm nóng được các em học sinh đưa ra trước Sở GD- ĐT TPHCM, đặc biệt khi việc thay đổi này chỉ còn cách ngày thi tốt nghiệp chưa đầy ba tháng.

Em Lưu Yến Bình (THPT Trường Chinh) nói: “Việc thi tốt nghiệp còn 4 môn so với trước đây 6 môn và nhiều quy chế mới trong tuyển sinh liệu có làm khó học sinh trong khi kỳ thi quan trọng gần đến?”. Còn bạn Nguyễn Huỳnh Duy (THPT Nguyễn Văn Linh) cho rằng, khó tránh khỏi tình trạng học lệch trong thi cử. Theo Linh: “Việc quá nhiều bạn chọn môn thi tốt nghiệp trùng với môn thi đại học, nhất là các môn của thi khối A, A1 trong khi các khối C, D giảm đi có ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề xã hội sau này”.

“Nếu tôi là học sinh tôi cũng chọn như vậy. Tuy nhiên với những môn không chọn để thi thì các em cũng nên học nghiêm túc thay vì chỉ đối phó” .

Ông Nguyễn Hoài Chương
PGĐ Sở GD- ĐT TPHCM

Trả lời về việc thay đổi quy chế thi, ông Nguyễn Tiến Đạt, PGĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: “Việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp lẽ ra phải thực hiện ngay từ đầu năm học để học sinh, thầy cô kịp chuẩn bị. Do thời điểm thay đổi cận kề thi cử khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ, giáo viên lúng túng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nên mong học sinh thầy cô cố gắng thích nghi”.

Riêng về việc lo học lệch, ông Nguyễn Hoài Chương cho rằng, việc giảm môn thi tốt nghiệp chắc chắn sẽ thuận lợi hơn, giúp giảm bớt áp lực cho học sinh. Và chuyện học sinh chỉ tập trung chọn môn thi tốt nghiệp trùng môn thi đại học cũng là điều dễ hiểu. Ông nói: “Nếu tôi là học sinh tôi cũng chọn như vậy.

Tuy nhiên với những môn không chọn để thi thì các em cũng nên học nghiêm túc thay vì chỉ đối phó. Như môn Địa lý, Lịch sử có nhiều kiến thức thiết thực với đời sống, nếu không học những môn này thì ra đời sẽ gặp khó. Bản thân tôi chuyên ngành Toán nhưng ra đời vẫn sử dụng những kiến thức phụ này là chủ yếu”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN