Dạy con lớp 4 làm bài tập 3 tiếng đồng hồ không xong, người mẹ nghiên cứu sinh tiến sĩ bật khóc nức nở
"Có vài cái chữ mà từ sáng sớm đến bây giờ, làm suốt ba tiếng đồng hồ. Em không muốn làm mẹ nó nữa. Em cũng có muốn mắng nó đâu", người mẹ nói trong tiếng khóc nức nở.
Mạng xã hội Trung Quốc mới đây lan truyền đoạn video một người mẹ ở Giang Tô (Trung Quốc) dạy con gái lớp 4 học tại nhà. Từ đoạn video, có thể thấy cô bé vừa khóc vừa làm bài tập trong tiếng khóc than của người mẹ.
"Có vài cái chữ mà từ sáng sớm đến bây giờ, làm suốt ba tiếng đồng hồ. Em không muốn làm mẹ nó nữa. Em cũng có muốn mắng nó đâu", người mẹ nói trong tiếng khóc nức nở.
Con gái làm mãi không xong bài tập, mẹ bật khóc bất lực
Được biết, đoạn video do chính bố của cô bé đăng lên mạng xã hội. Theo lời kể của ông bố, vợ anh là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại một trường đại học thuộc 985, dự án phát triển 39 trường đại học hàng đầu Trung Quốc từ tháng 5/1998.
Ngay sau khi được đăng tải không lâu, đoạn video đã thu hút sự quan tâm của không ít cư dân mạng. Nhiều người tỏ ra hết sức cảm thông với bà mẹ vì việc dạy con học ở nhà vốn không hề đơn giản.
Trước đấy, một người mẹ ở Hồ Bắc cũng đã phải nhập viện khi dạy con học bài. Cô Wang, 36 tuổi, đã nổi giận vì hướng dẫn làm một bài toán nhiều lần, cậu con trai học lớp 3 vẫn không hiểu.
"Tôi tức đến phát nổ. Đột nhiên trái tim tôi đập nhanh và tôi không thể thở bình thường", Wang nói. Cô đã phải gọi ngay cho chồng chở đến viện.
Người mẹ tức giận đến nhập viện khi dạy con học. Ảnh: Screengrab / Weibo.
Bác sĩ chẩn đoán cô bị nhồi máu cơ tim hoặc đau tim. Wang cho hay, mình vẫn giúp con trai làm bài tập ở nhà mỗi tối và hay mất bình tĩnh khi con không hiểu bài. Cô không thể ngờ, việc đó có hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Cách giúp cha mẹ kiềm chế cảm xúc khi dạy con
Nhà tâm lý học Florence Huang ở Hong Kong cho hay, căng thẳng là điều không thể tránh khỏi, vì vậy, cha mẹ nên học cách quản lý cảm xúc của mình. Cảm xúc tiêu cực như căng thẳng và giận giữ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của cha mẹ, mà còn ảnh hưởng xấu đến trẻ em.
"Nếu tình trạng cha mẹ giận giữ, hung hăng ở nhà kéo dài, lòng tự trọng của trẻ có thể bị ảnh hưởng. Trẻ sẽ tự trách mình, xấu hổ, nhục nhã và bất lực", nhà tâm lý học nói.
Ảnh minh hoạ
Nhấn nút tạm dừng cảm xúc
Khi cảm thấy mất bình tĩnh, hãy cố gắng rút lui khỏi tình huống hiện tại, đưa ra gợi ý tâm lý cho bản thân và tự hỏi tại sao mình lại mất bình tĩnh? Có cách nào tốt hơn để giải quyết vấn đề hiện tại hơn là tức giận hay không?
Điều đó có nghĩa là, khi cha mẹ sắp mất bình tĩnh, hãy đợi vài giây trước khi đưa ra quyết định và đừng thốt ra những lời lẽ quá đáng mà không nghĩ đến hậu quả. Nếu thực sự không thể nhịn được thì giữ khoảng cách với con là cách an toàn nhất. Sau một thời gian bình tĩnh, cơn giận sẽ tự nhiên tiêu tan.
Cha mẹ có thể nói thẳng với con: Mẹ đang giận quá, cần bình tĩnh lại và nói chuyện vơi con sau. Khi cảm xúc ổn định, lý trí có thể tường minh hơn và trẻ có thể nhận được hỗ trợ mang tính xây dựng từ cha mẹ.
Thể hiện cảm xúc
Hãy mô tả chi tiết những việc làm, hành động của con khiến bạn cảm thấy khó chịu bằng lời lẽ dịu dàng, ân cần và chân thành. Nói ra những điều cha mẹ thực sự mong muốn và kì vọng ở con. Những lời nói dịu dàng không chỉ mang tính xây dựng mà còn có tác dụng xoa dịu tâm hồn con trẻ rất lớn.
Xem lại cảm xúc
Nếu bạn hành động bốc đồng và mất bình tĩnh với con theo cách không nên làm, đừng tự trách mình quá nhiều. Bạn có thể suy nghĩ xem tại sao mình lại mất bình tĩnh, tìm ra nguyên nhân, điều chỉnh bản thân, khiến bản thân trở nên tốt hơn và tránh mắc lại sai lầm tương tự vào lần sau.
Nói chuyện với con bạn về trạng thái cảm xúc của mình, và chân thành cho chúng biết lý do tại sao lúc đó bạn tức giận và việc tức giận là sai, đồng thời bạn hy vọng rằng con sẽ đưa ra tín hiệu mỗi khi cảm xúc của bạn đang vượt ngưỡng.
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, những điều họ làm là tốt cho con cái nhưng thực chất lại là điều khiến con cảm thấy khó chịu và thực sự không tốt cho trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]