Dạy con kiểu "Hiệu ứng đuổi rắn" không chỉ làm hại con mà còn làm tổn thương chính mình

Sự kiện: Dạy con

Chuyên gia tâm lý học Lý Mai Cẩn của Đại học Cảnh sát Trung Quốc cho rằng có những cha mẹ cả cuộc đời chỉ "lang thang bên ngoài cánh cửa trái tim trẻ".

Một chuyên gia tâm lý mới đây kể: "Nửa đêm, người bạn thân nhất gọi điện cho tôi và nói: Tôi thực sự tức giận với cái đầu ngu ngốc của đứa trẻ trong gia đình mình. Tôi đã dạy con một phương trình đơn giản trong ba tiếng đồng hồ mà nó vẫn không thể học được.

Tôi tức giận đến mức xé 4 cuốn vở, huyết áp tăng vọt lên 170, nhưng nóvẫn không hiểu. Tôi phạt nó không được xem chương trình giải trí buổi tối và không cho ngủ, nó còn lật bàn và đe dọa tôi: Mẹ muốn làm gì thì làm, dù sao con cũng không học nữa''.

Những lời phàn nàn và giận dữ không ngớt của người bạn chợt khiến tôi nhớ đến "hiệu ứng đuổi rắn" trong tâm lý học".

Chuyện kể về một người nông dân bị rắn độc cắn khi đang cắt cỏ trên đồng, người nông dân rất tức giận. Anh ta nhặt chiếc liềm và dùng hết sức đuổi theo con rắn, kết quả là trong quá trình rượt đuổi, vết thương không được xử lý kịp thời, nọc độc lan khắp cơ thể, cuối cùng người nông dân bị đầu độc mà chết, còn con rắn đã không được tìm thấy ở đâu cả.

Trong cuộc sống, nếu coi những vấn đề khác nhau của trẻ như rắn độc thì nhiều bậc cha mẹ cũng hành xử giống như người nông dân trong câu chuyện.

Chúng ta vật lộn với những vấn đề bằng mọi giá và thử mọi cách có thể để chứng minh cho con cái thấy rằng cha mẹ đúng. Nhưng cuối cùng, chúng ta kiệt sức và đẩy mối quan hệ hai bên đến bờ vực tan vỡ.

Khi cạnh tranh với một đứa trẻ, điều đó không chỉ làm tổn thương trái tim con mà còn tổn thương chính bạn. Ảnh minh họa

Khi cạnh tranh với một đứa trẻ, điều đó không chỉ làm tổn thương trái tim con mà còn tổn thương chính bạn. Ảnh minh họa

Nếu bạn nghĩ kỹ, người bạn thân nổi giận với đứa trẻ chỉ vì một câu hỏi cũng rất giống với người nông dân đuổi theo con rắn bất chấp vết thương chỉ để thỏa mãn lòng căm thù. Người nông dân đã mất mạng vì vật lộn với con rắn. Còn người bạn, khi cạnh tranh với một đứa trẻ, điều đó không chỉ làm tổn thương trái tim con mà còn tổn thương chính bạn".

Chuyên gia tâm lý học Lý Mai Cẩn của Đại học Cảnh sát Trung Quốc cho rằng có những cha mẹ cả cuộc đời chỉ "lang thang bên ngoài cánh cửa trái tim trẻ". Họ thường trấn áp con bằng quyền uy để rồi buộc những đứa trẻ "xù lông nhím" để chống cự nhằm bảo vệ mình.

"Sự cứng rắn hay áp đặt của phụ huynh sẽ tạo ra sự phản kháng ở trẻ. Kết quả là mâu thuẫn không những không được giải quyết mà khiến cả hai bên đều mệt mỏi", chuyên gia nói.

Theo bà Lý, phụ huynh không thể đổ lỗi rằng trẻ khiến mình nóng giận mà nên nhận ra nóng giận là lỗi của bản thân vì đã không kiểm soát được cảm xúc và chưa hiểu con.

Thạc sĩ tâm lý Đại học sư phạm Bắc Kinh Doãn Kiện Lý từng nói: "Khi trẻ gặp vấn đề, việc tranh cãi với con sẽ không giải quyết được gì, chỉ khiến mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn. Tốt hơn hết hãy dành cho chúng sự chấp nhận và thấu hiểu, đồng thời tác động đến trẻ bằng tình yêu thương và thu phục bằng sức mạnh êm dịu như nước".

Nữ thạc sĩ kể câu chuyện về một khách hàng của mình. Một cặp mẹ con xung khắc với nhau rất trầm trọng. Bất kể mẹ làm gì, người con trai luôn ở trạng thái chống đối.

Một lần cậu con trai bị gãy chân. Để giúp con nhanh khỏe, người mẹ nấu mọi loại canh ngon nhằm bổ sung dinh dưỡng. Nhưng con trai luôn chê bai, lúc nói canh đắng, lúc lại phàn nàn vì có nhiều hạt tiêu. Xung đột của cả hai vì thế liên tục leo thang.

Khi người mẹ tới gặp thạc sĩ Doãn Kiện Lý, bà khuyên người mẹ nên thay đổi bản thân mình bằng tình yêu thương thay vì những lời gắt gỏng. Từ lúc đó, thay vì tức giận vì con trai chê canh mình nấu, bà lặng lẽ vào bếp nấu một nồi khác, liên tục trong nhiều ngày. Trước sự nhẫn nại của mẹ, cậu con trai cũng dần thay đổi. Từ đó cả hai mẹ con biết cách để chung sống hòa thuận với nhau.

"Ăn miếng trả miếng với trẻ sẽ chỉ làm tổn thương cả hai bên", bà Doãn Kiện Lý nói. Theo nữ chuyên gia, gia đình không phải là nơi để tìm ra kẻ thắng người thua. Tốt hơn hết nên dành cho trẻ sự tôn trọng, thấu hiểu, chấp nhận và mềm mỏng để chúng có thể phát triển mạnh mẽ với sự đồng hành và hướng dẫn của cha mẹ.

Vậy làm thế nào để cha mẹ và con cái đồng hành cùng nhau?

Nên dành cho trẻ sự tôn trọng, thấu hiểu, chấp nhận và mềm mỏng để chúng có thể phát triển mạnh mẽ với sự đồng hành và hướng dẫn của cha mẹ. Ảnh minh họa

Nên dành cho trẻ sự tôn trọng, thấu hiểu, chấp nhận và mềm mỏng để chúng có thể phát triển mạnh mẽ với sự đồng hành và hướng dẫn của cha mẹ. Ảnh minh họa

Nuôi dạy con cái một cách tôn trọng

Nuôi dạy con một cách tôn trọng, đôi khi được gọi là "nuôi dạy con khôn ngoan", theo bà Margot Machol Bisnow (nhà văn, chuyên gia nuôi dạy con cái người Mỹ), bao gồm việc đặt ra các tiêu chuẩn và quy tắc nghiêm ngặt (Ví dụ: chỉ tiêu số tiền có được) đồng thời tôn trọng lựa chọn của trẻ (Ví dụ: để chúng tự lựa chọn các hoạt động sau giờ học).

Nữ nhà văn cho biết: "Khi tôi nói với mọi người về lợi ích của việc nuôi dạy con cái một cách tôn trọng, họ thấy điều đó thật đáng ngạc nhiên và đi ngược lẽ thường. Tại sao cha mẹ lại để con trẻ tự lựa chọn? Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn can thiệp trước khi con làm điều gì đó không phù hợp. Nhưng có những bậc cha mẹ tôn trọng tính cá nhân và không cố gắng ra lệnh cho con khi chúng tò mò về điều gì hoặc cách chúng thể hiện bản thân".

Các phong cách nuôi dạy con phổ biến như dễ dãi, chiều chuộng trẻ quá mức hay độc đoán là kiểu giao tiếp là một chiều mà ít quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của trẻ. Ngược lại, nuôi dạy con tôn trọng là coi trẻ là những sinh vật độc lập, lý trí.

Trong cuốn sách "Grit", nhà tâm lý học nổi tiếng Angela Duckworth đồng ý rằng đây là cách tốt nhất để nuôi dạy trẻ: "Cha mẹ biết tôn trọng là người nắm bắt chính xác nhu cầu tâm lý của trẻ. Họ đánh giá cao rằng trẻ em cần tình yêu, giới hạn và sự tự do để phát huy hết tiềm năng của mình. Quyền lực của họ dựa trên kiến thức và trí tuệ, chứ không phải quyền lực".

Trao quyền và tin tưởng

Hãy để trẻ tự đưa ra lựa chọn miễn không đi quá giới hạn. Hướng dẫn con cách mọi việc có thể được thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên bày tỏ sự tin tưởng con sẽ làm được mọi việc, ngay cả khi khó khăn.

Thomas Vu lớn lên với những quy tắc nghiêm ngặt và nhiều khuôn khổ, nhưng cha mẹ anh đã cho con hoàn toàn tự do để theo đuổi mục tiêu của mình.

"Tôi được kỳ vọng sẽ đạt điểm A. Điều đó không hề dễ dàng, nhưng miễn là tôi làm được, mẹ đã cho tôi chơi tất cả các trò chơi điện tử mà tôi muốn. Từ quan điểm của tôi, đó là một cuộc "mua bán" công bằng", Thomas Vu nói với bà Margot Machol Bisnow

Khi đang học chuyên ngành Kỹ thuật sinh học, Thomas Vũ có cơ hội thực tập tại Electronic Arts, một nhà sản xuất trò chơi điện tử hàng đầu. Cha mẹ anh không mấy vui mừng nhưng vẫn để con bỏ học giữa chừng và theo đuổi ước mơ tạo ra trò chơi điện tử. Sau đó, Thomas Vũ trở thành nhà sản xuất chính tại Riot Games cho Liên minh huyền thoại, hiện có 180 triệu người chơi.

Hỗ trợ

Hãy cho trẻ quyền nói lên quan điểm riêng của mình. Tôn trọng sự riêng tư của trẻ. Đừng liên tục sửa chữa hành động hoặc lời nói của con.

DA Wallach là một nhà đầu tư công nghệ thành công. Một trong những khoản đầu tư ban đầu của anh là Spotify. Khi Wallach lên 8 tuổi, thấy con bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư nên người mẹ đã cho một số tiền và mở một tài khoản cho con. DA Wallach đã dành hàng giờ để nghiên cứu các công ty. Người mẹ đưa ra ý kiến nhưng anh sẽ phải quyết định đầu tư vào đâu.

Wallach đã mất gần hết số tiền trong vòng sáu năm, nhưng mẹ nói với anh rằng thua lỗ là một phần của quá trình học hỏi.

Không phải ai cũng có điều kiện cho con mình tiền để học đầu tư. Nhưng mẹ của Wallach đã nuôi dưỡng tài năng của con theo những cách khác mà không tốn tiền: Phân tích, thảo luận và tranh luận về các lựa chọn, đối xử với con như một người trưởng thành và không tuyệt vọng trước thất bại.

Học cách xin lỗi trẻ khi bố mẹ nhận thấy đã làm sai

Về việc xin lỗi con, nhiều cha mẹ thường chung suy nghĩ "Nếu xin lỗi con mình, có thể sau này sẽ không kiểm soát được chúng".

Nhà văn nổi tiếng người Pháp Balzac từng nói: "Trẻ em rất nhạy cảm trước lỗi lầm của người kỷ luật chúng. Từ đó, chúng biết rõ liệu người đó yêu thương hay dung túng cho chính bản thân họ hay không".

Theo nhà văn, cha mẹ tôn trọng con cái thì con cái sẽ tôn trọng cha mẹ. Chỉ khi cha mẹ dám nhận lỗi khi bản thân phạm sai lầm thì mới thực sự thu phục được con cái.

Khi mâu thuẫn với con, hãy lắng nghe con trước

Như "Hawthorne Effect" nói: "Khi mọi người nhận ra rằng họ thực sự đang được chú ý, họ sẽ cố tình thay đổi một số hành vi của mình". Đằng sau hành vi xấu của mỗi đứa trẻ đều có mục đích.

Chỉ khi cha mẹ dừng lại và lắng nghe con mình, họ mới có thể tìm ra nguyên nhân đằng sau hành vi của con và giáo dục con một cách có mục tiêu. Mọi đứa trẻ đều mong muốn được cha mẹ quan tâm và thấu hiểu. Khi cha mẹ đáp ứng được nhu cầu tình cảm của con, trẻ sẽ có động lực phát triển theo mong đợi của cha mẹ.

Nguồn: [Link nguồn]

Cha mẹ luôn nghĩ rằng, việc la mắng con cái là cách để giáo dục một đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn. Thế nhưng, họ không ngờ rằng, hành động này có thể gây ra những tác động tiêu cực lâu dài tới một đứa trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN