Dạy bơi trong trường học: Đề án 'đắp chiếu', giải pháp nửa vời

Đề án phòng chống đuối nước cho trẻ của Bộ GD&ĐT có từ năm 2010 với nhiều tham vọng đặt ra, Kế hoạch liên tịch phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2012 - 2015 của Bộ LĐTBXH đến nay dường như vẫn nằm trên giấy…

Dạy bơi trong trường học: Đề án 'đắp chiếu', giải pháp nửa vời - 1

Học sinh học bơi tại hồ bơi trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM chiều 20/4. Ảnh: Việt Văn.

Thiếu đủ thứ

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết năm học 2010-2011, Bộ GD&ĐT đã có đề án phổ cập bơi nhưng Sở mới chỉ tiến hành ở mức độ thí điểm vì có rất nhiều khó khăn. Do đặc thù của khí hậu phía Bắc, các tháng trong năm học đều thời tiết lạnh, muốn bơi phải vào hè, khó có thể triệu tập được học sinh. Toàn thành phố mới có huyện Thanh Trì thực hiện. Huyện đã sử dụng nguồn ngân sách xã hội hóa xây dựng được bể bơi cự ly 25m ở 15 trường tiểu học. Tuy nhiên, bơi cũng vẫn chỉ là môn tự chọn, chưa phải là môn bắt buộc. Huyện Thanh Trì đã phổ cập bơi được cho học sinh tiểu học. Nhưng không phải huyện nào của thành phố cũng làm được việc này.

Còn một số quận, huyện khác, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu phối hợp với các trung tâm thể dục thể thao có bể bơi đạt chuẩn, hoặc một số doanh nghiệp có bể bơi cho học sinh đến học, phụ huynh phải tự bỏ kinh phí. Theo ông Thống, may mắn nhất đối với giáo dục là gần đây, phụ huynh bắt đầu quan tâm đến dạy kỹ năng sống cho trẻ nói chung và kỹ năng chống đuối nước nói riêng.

“Ngày xưa, học sinh nông thôn biết bơi nhiều hơn thành phố. Nhưng hiện nay, hệ thống ao hồ, mương, sông ở nông thôn đều bị ô nhiễm nguồn nước nên học sinh ở đây không biết bơi nhiều như học sinh thành phố do không có điều kiện”.

Ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng giáo dục huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định

Đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng cho biết, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội lên kế hoạch dạy bơi cho học sinh. Trước mắt, ở  khu vực thành phố Hòa Bình, học sinh sẽ đến các trung tâm thể dục hoặc các bể bơi tư nhân để học. Ở các huyện cũng thế. Còn tại các trường, đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng thừa nhận hiện chưa có trường nào của tỉnh có bể bơi do liên quan đến vấn đề kinh phí.

Ông Phạm Mạnh Tuân, Trưởng phòng giáo dục huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng cho hay, ngành giáo dục hiện mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, khuyến khích phụ huynh đưa con đến bể bơi của huyện để học bơi. Điều này phụ thuộc vào khả năng tài chính cũng như nhận thức của phụ huynh. Huyện Ý Yên có 32 xã nhưng mới có hai bể bơi, một đặt tại xã Yên Tiến, một đặt tại thị trấn Lâm. 

“Ngày xưa, học sinh nông thôn biết bơi nhiều hơn thành phố. Nhưng hiện nay, hệ thống ao hồ, mương, sông ở nông thôn đều bị ô nhiễm nguồn nước nên học sinh ở đây không biết bơi nhiều như học sinh thành phố do không có điều kiện” - ông Tuân chia sẻ.

Loay hoay tìm giải pháp

Đà Nẵng là một trong những địa phương có kế hoạch dạy bơi cho học sinh sớm nhất cả nước. Kế hoạch của thành phố được triển khai từ năm 2007 khi Tổ chức Liên minh Vì sự an toàn của trẻ em Hoa Kỳ (gọi tắt là TASC) đã tài trợ cho Đà Nẵng 11 bể bơi đặt tại các trường tiểu học. Bể không chỉ phục vụ học sinh của 11 trường này mà phục vụ cả các trường lân cận. Không chỉ tài trợ bể bơi mà TASC còn hỗ trợ các chi phí bảo trì, vệ sinh, quản lý, giáo viên giảng dạy… Tuy nhiên đến năm học 2012-2013, chương trình tài trợ kết thúc, các trường được đặt bể bơi phải đối mặt với câu hỏi tiền đâu để duy trì, làm gì để tiếp tục dạy bơi nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh?

Trước thực tế này, hè năm học 2014-2015, UBND TP Đà Nẵng đã cấp ngân sách cho 11 bể bơi này với mức hỗ trợ là 96 triệu đồng/bể. Số tiền này chỉ đủ để dạy miễn phí cho học sinh trong 2 tháng hè. Hết mùa hè năm 2015, các trường lại đối mặt với bài toán kinh phí duy trì bể bơi. Để các bể bơi được hoạt động trở lại, các trường đã kêu gọi sự chung tay của phụ huynh học sinh. Mỗi học sinh theo học đóng 200 ngàn đồng/tháng. Riêng học sinh thuộc diện khó khăn được miễn học phí. Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ, Q.Thanh Khê cũng chỉ có 78 học sinh đăng ký học bơi, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, Q.Sơn Trà có 80 học sinh đăng ký. Số học phí khiêm tốn này không đủ để chi trả các khoản lương cho giáo viên, tiền điện, nước, hóa chất vệ sinh bể…

Hiện chính quyền Đà Nẵng đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác bể bơi tại 38 trường. Tuy nhiên, do chi phí ban đầu và chi phí vận hành bể bơi khá lớn trong khi lợi nhuận không cao nên các tổ chức, cá nhân còn rất e dè. Tính đến nay, mới chỉ có một doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng bể bơi tại Trường Tiểu học Núi Thành. Tuy nhiên, nhà trường không thể ký hợp đồng với doanh nghiệp vì vướng thủ tục pháp lý về đất đai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoa Ban- Đào Phan (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN