Dạy bơi ở trường học: Để biết bơi, khó lắm!
Chính thức thực hiện phổ cập bơi lội cho học sinh (HS) từ năm 2010 nhưng đến cuối năm 2013, TP.HCM chỉ có trên dưới 100 trường học có hồ bơi đạt chuẩn, chiếm chưa đến 5% số trường học, khoảng 50% HS tiểu học được phổ cập bơi nhưng tỉ lệ biết bơi chỉ khoảng 15%.
Có hồ bơi chỉ để HS làm quen với nước
Chiều thứ Sáu hằng tuần, gần 40 HS lớp 3C của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận 7) lại đến Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ để học bơi trong 30 phút, có giáo viên chủ nhiệm đi theo giám sát.
Các em được khởi động và tập vài động tác bơi cơ bản trên bờ. Vì tính hiếu động, nhiều em vừa xuống nước liền xô đẩy, nghịch nước khiến huấn luyện viên phải nhắc nhở, giáo viên chủ nhiệm thì thấp thỏm lo âu. Sau khi được các huấn luyện viên chỉnh áo phao, hướng dẫn bơi theo đường, các em lần lượt xếp thành hai hàng ở khu vực có mực nước sâu chừng 1,8 m và lần lượt nhảy xuống bơi về phía bên kia hồ. Trong chốc lát tiết học kết thúc, các em lên bờ tập hợp, thay đồ để trở về trường.
Cô Ngọc Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp, chia sẻ: “Có từng đó HS mà hồ có đến sáu người phụ trách nên cũng yên tâm. Nhưng thời gian học ít quá, 30 phút chỉ đủ cho các em khởi động, làm quen nước và vài động tác thôi. Tâm lý các em lại thích đùa nghịch cho mát nhiều hơn là học nên để biết bơi thì khó lắm”.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) có hồ bơi trong trường. Tuy nhiên, với diện tích khoảng 30 m2, độ sâu 80 cm, trường chỉ có thể tổ chức cho HS lớp 2 làm quen nước với một tiết/tuần vào buổi chiều. Lên lớp 3, các em phải đến Trung tâm Thể dục thể thao Vân Đồn để học bơi. Đây cũng là nơi duy nhất của quận thực hiện phổ cập bơi cho HS lớp 3 trong toàn quận.
Một tiết học bơi của HS Trường Tiểu học Lê Quý Đôn tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Đây là một trong rất ít trường có hồ bơi đạt chuẩn, nhận phổ cập cho một số trường tiểu học trong quận và HS huyện Nhà Bè vào dịp hè. Ảnh: PA
Ông Nguyễn Văn Nam, Hiệu phó nhà trường, cho hay dù may mắn có hồ bơi nhưng vì không có đội ngũ dạy bơi bài bản nên chỉ để HS lớp 2 làm quen nước. Hiện trường hợp đồng với trung tâm thể thao để nhận một giáo viên phụ trách hồ bơi. Người này vừa là huấn luyện viên vừa quản lý và trực vệ sinh hồ. Trong mỗi tiết học, nhà trường sẽ cử thêm một giáo viên chủ nhiệm và giáo viên thể dục hỗ trợ giám sát.
Kinh doanh là chính
Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) là trường học hiếm hoi ở trung tâm TP có được hồ bơi với trang thiết bị phục vụ đầy đủ và có đến năm huấn luyện viên. Vì HS đông nên mỗi giờ học bơi trường phải gộp hai lớp vào học chung với khoảng 90 em. Theo lãnh đạo nhà trường, việc tuyển giáo viên giảng dạy bơi lội rất khó vì vừa cần chuyên môn vừa phải có kỹ năng sư phạm. “Nếu chiếu theo văn bản mà Sở GD&ĐT vừa ban hành rằng bắt đầu học bơi thì mỗi em phải có một giáo viên dạy kèm là quá khó, chờ tuyển đủ giáo viên thì biết đến bao giờ”.
Về vấn đề này, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HSSV Sở GD&ĐT TP, cũng thừa nhận: “Cái khó nhất hiện nay là các trường không có hồ bơi và nguồn nhân sự, lệ thuộc hoàn toàn vào công ty phối hợp nhưng họ chỉ chú ý kinh doanh là chính chứ không có nghiệp vụ sư phạm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm, rủi ro đáng tiếc như vừa qua. Vì vậy với học bơi hiện nay vẫn là khuyến khích các trường thực hiện và HS đăng ký, tùy theo điều kiện từng đơn vị”.
Trao đổi của PV với ông Chung Tấn Phong, Tổng Thư ký Liên đoàn thể thao dưới nước TPHCM, Giám đốc Trung tâm Thể thao dưới nước Yết Kiêu: Sau sự việc hi hữu xảy ra tại quận Tân Phú vừa qua khiến một HS bị đuối nước, ông nhìn nhận thế nào về cách tổ chức và quản lý học bơi? Qua theo dõi thông tin, tôi thấy ở đó đã vi phạm hàng loạt nguyên tắc an toàn dạy bơi. Cụ thể, hồ quá dốc, quá nguy hiểm, HS cả trăm em nhưng giáo viên phụ trách chỉ có hai người là không an toàn; cách đánh giá năng lực bơi ban đầu của các em bằng việc hỏi hoặc cho phụ huynh viết giấy (như trường hợp một HS lớp 1 ở quận Thủ Đức cũng bị đuối nước trong ngày thi bơi năm học trước) hoàn toàn không đúng. Các em không thể biết được thế nào là bơi chuẩn, bơi đủ an toàn cho mình…. Vậy những nguyên tắc an toàn bắt buộc trong dạy và học bơi lội cho HS là gì, thưa ông? Theo tôi, hồ phải đảm bảo an toàn. Đã phổ cập bơi chúng ta phải chấp nhận HS đông nhưng phải đảm bảo tỉ lệ 1:20. Khi đông phải có giám sát phụ trên bờ. Huấn luyện viên phải cho các em xuống nước trong vài buổi đầu để nhận biết năng lực mà chia nhóm. Các em không được chơi những trò chơi dìm đầu, đè ép nhau dưới nước, trước khi bơi phải khởi động kỹ…. Nói chung có rất nhiều nguyên tắc bắt buộc để đảm bảo an toàn nhưng thực hiện như thế nào là do con người. Việc phổ cập bơi lội như hiện nay có chất lượng, thưa ông? Với môn bơi, muốn học cho nhanh biết thì ít nhất cũng phải ba lần/tuần, sau đó lặp đi lặp lại mới tạo được kỹ năng. Còn hiện nay HS chỉ học có một học kỳ 24 tuần, tuần một buổi, chưa tính một số tuần ôn bài và thi học kỳ, giữa kỳ thì chỉ còn 15-20 buổi. Thông thường nếu làm tốt, sau một học kỳ trẻ bơi được khoảng 15 m nhưng qua học kỳ hai không học tiếp, ngưng vài tháng coi như bắt đầu lại từ đầu. Nếu được thêm học kỳ hai rồi lên các lớp cao hơn vẫn được học thì học sinh mới đảm bảo biết bơi chứ với thời gian như hiện nay là rất khó. |