Đầu vào sư phạm thấp: Thấy gì từ cách đào tạo giáo viên tại Anh quốc?
Những ngày qua câu chuyện về điểm đầu vào ngành sư phạm vẫn chưa hề khiến dư luận "hạ nhiệt" nhất là có những trường chỉ lấy đầu vào 3 – 4 điểm/môn. Điều đó khiến nhiều người hoài nghi về chất lượng giáo viên trong tương lai.
Vậy ở các nước có nền giáo dục phát triển họ tuyển đầu vào và đào tạo giáo viên thế nào? Liên quan đến vấn đề này PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Hạ Ni - Nghiên cứu sinh tại Khoa Giáo dục Đại học Leeds (Vương Quốc Anh).
Chị Nguyễn Thị Hạ Ni - Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục, Đại học Leeds (Vương quốc Anh)
Chị Nguyễn Hạ Ni cho hay: “Khi nói về chất lượng đào tạo giáo viên, người ta có thể xem xét tiến trình từ đầu vào, quá trình đào tạo đến đầu ra.
Ở Việt Nam con đường phổ biến nhất để trở thành giáo viên là học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học dự tuyển vào các trường đại học sư phạm hoặc các trường đại học có khoa sư phạm, hoàn tất chương trình học trong khoảng 4 năm sau đó làm giáo viên.
Ở Anh quốc có nhiều hướng cho người học lựa chọn, phương thức đào tạo cũng chứa đựng nhiều khác biệt.
Khác biệt rõ nhất liên quan đến mô hình đào tạo, đó là thông thường để trở thành giáo viên trung học ở Anh người học cần có một bằng cử nhân, sau đó học 1 năm nghiệp vụ sư phạm, gọi là đào tạo ban đầu. Việt Nam đã có trường đại học áp dụng mô hình tương tự: đào tạo 3+1, tức là 3 năm đầu học chuyên môn, năm cuối sinh viên sẽ quyết định chọn học tiếp để lấy bằng cử nhân sư phạm. Mô hình này phổ biến ở các nước phát triển nhưng vẫn chưa thông dụng ở Việt Nam.
Ở Anh, để trở thành giáo viên và chính thức theo đuổi sự nghiệp dạy học, người học cần trải qua khóa Đào tạo Giáo viên Ban đầu do trường đại học hoặc trường phổ thông cung cấp. Hiện nay 50% các chương trình đào tạo giáo viên ở các trường thuộc nhóm chủ lưu (trường không tuyển chọn học sinh, không thu học phí) dựa vào trường đại học và 50% còn lại dựa vào trường phổ thông”.
Chị Nguyễn Hạ Ni cũng cho biết thêm: “Xét tổng thể, đầu vào đào tạo giáo viên ở Anh rất cạnh tranh nhưng độ cạnh tranh sẽ thấp hơn đối với những môn còn thiếu giáo viên. Hoàn thành khóa đào tạo này, người học được chứng nhận đạt chuẩn trình độ giáo viên được gọi là Qualified Teacher Status - QTS (đối với England và Wales) hoặc Teaching Qualification (đối với Scotland) do Bộ GD&ĐT quy định.
Các trường công lập bắt buộc giáo viên có QTS. Trong khi đó một số trường tư và trường miễn phí có thể không yêu cầu chứng nhận đạt chuẩn trình độ và giáo viên có thể vừa làm việc được trả lương trong 2 năm vừa học lấy QTS.
Dựa trên điều kiện học vấn của người muốn trở thành giáo viên, có hai kiểu chương trình đào tạo, được thiết kế cho người chưa có bằng đại học và đã có bằng đại học. Hai kiểu chương trình này đều nhắm tới chuẩn trình độ giáo viên.
Thứ nhất là chương trình đào tạo dành cho người chưa có bằng đại học
Điều kiện đầu tiên để theo đuổi ngành sư phạm liên quan tới điểm tốt nghiệp phổ thông gọi là điểm GCSE, được tính bằng điểm suốt 2 năm cuối phổ thông lúc học sinh 14-16 tuổi và kết quả bài thi cuối khóa.
Ứng viên cần có điểm GCSE môn Toán và Tiếng Anh đạt loại C/loại 4 nếu muốn trở thành giáo viên trung học. Đối với đào tạo giáo viên tiểu học thì điểm GCSE môn Toán, Tiếng Anh và một môn khoa học phải đạt loại C/loại 4. Để dễ hình dung, có 9 mức điểm GCSE gồm A*, A, B, C, D, E, F, G và U, trong đó U là không đạt. Như vậy một trong những điều kiện đầu vào ngành sư phạm là học sinh phải đạt mức khá ở các môn liên quan, chứng tỏ các em có nền tảng học tập môn đó tương đối tốt từ bậc phổ thông.
Đơn vị đào tạo sẽ ra quyết định cuối cùng xem ứng viên có đáp ứng các tiêu chí đầu vào hay không, nếu không, đơn vị đó có thể yêu cầu ứng viên làm bài kiểm tra tương đương GCSE.
Đáp ứng yêu cầu trên, học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể chọn một trong 3 dạng chương trình đào tạo.
1. Chương trình Cử nhân Giáo dục (Bachelor of Education – BEd) do trường đại học cung cấp. Chương trình sẽ phân hóa tùy thuộc vào nhà cung cấp. Tuy nhiên, tựu trung sinh viên sẽ học các môn cốt lõi như Tiếng Anh, Toán và Khoa học trong năm thứ nhất, sau đó học sâu về các môn sẽ dạy và thực hành sư phạm. Sinh viên được rèn luyện và dạy học tại ít nhất 2 trường phổ thông. Đây là lộ trình phổ biến cho giáo viên tiểu học tương lai.
2. Chương trình Cử nhân Khoa học xã hội và nhân văn (Bachelor of Arts - BA) hoặc Cử nhân Khoa học (Bachelor of Science - BSc) kèm chứng chỉ chuẩn trình độ giáo viên (BA or BSc with QTS). Lộ trình này phổ biến hơn cho người muốn trở thành giáo viên trung học. Năm thứ nhất sinh viên sẽ học chuyên sâu môn mình chọn và xây dựng hiểu biết sâu các vấn đề sư phạm. Năm thứ hai và năm thứ ba tập trung tích lũy kinh nghiệm trường học để sẵn sàng làm việc.
3. Chương trình Cử nhân Khoa học xã hội và nhân văn và Cử nhân khoa học không kèm chứng chỉ chuẩn trình độ giáo viên (BA or BSc without QTS). Sau khi có một trong hai loại bằng trên, người học có thể đăng ký chương trình đào tạo giáo viên sau đại học để có chứng chỉ chuẩn trình độ giáo viên.
Thứ hai là chương trình đào tạo giáo viên dành cho người đã có bằng đại học, tức Postgraduate Certificate in Education (PGCE). Chương trình này kéo dài 1 năm tập trung phát triển kỹ năng dạy học và củng cố kiến thức của ứng viên dành cho giáo dục tiểu học, trung học và một số lộ trình bắt buộc sau đó mà ứng viên cần theo để thực sự am hiểu nhóm tuổi của học sinh và môn mình chọn dạy trước khi bước vào quá trình đào tạo.
Đối với ứng viên đã có bằng đại học, chương trình đào tạo giáo viên bao gồm: (i) 120 ngày kinh nghiệm tại lớp học ở 2 trường trở lên; (ii) học chuyên môn giúp trang bị kiến thức và thông hiểu để dạy học thành công; (iii) học cố vấn chuyên môn, trợ giúp học tập và quản lý lớp học; (iv) đánh giá liên tục kỹ năng giảng dạy của bản thân.
Bằng đại học liên quan trực tiếp môn học trong chương trình giáo dục phổ thông là lợi thế nhưng ứng viên không nhất thiết phải có. Nếu bằng cấp của ứng viên không sát với môn định dạy ở bậc trung học, ứng viên có thể được đề nghị học thêm một khóa nâng cao kiến thức bộ môn (Subject Knowledge Enhancement).
Cùng với những yêu cầu “cứng” về mặt học thuật nêu trên, ứng viên vào ngành sư phạm cần đáp ứng một số vấn đề khác gồm kinh nghiệm trường học, sức khỏe và lý lịch tư pháp.
Các đơn vị đào tạo yêu cầu ứng viên có tối thiểu 2 tuần kinh nghiệm trong lớp học và khuyến nghị ứng viên làm việc hoặc tham gia tình nguyện ở trường phổ thông hết mức có thể.
Nếu không chắc mình phù hợp dạy môn gì hoặc dạy học sinh độ tuổi nào nhất, ứng viên cần liên lạc với trường địa phương mình và đề nghị trường cho quan sát lớp học, đồng thời trao đổi với giáo viên đương nhiệm về thử thách, ý nghĩa, lợi ích của nghề giáo. Tóm lại, kinh nghiệm trường học chứng tỏ tinh thần chủ động, ý thức chọn nghề, do vậy là một yếu tố tăng khả năng thành công của hồ sơ dự tuyển.
Trong trường hợp lo ngại về chi phí đào tạo, ứng viên có thế vừa làm vừa học để trang trải chi phí trong khoảng thời gian dài hơn bằng cách tích lũy kinh nghiệm phù hợp như làm trợ giảng ở trường phổ thông. Chính phủ Anh có ngân sách tài trợ và học bổng tùy vào lộ trình ứng viên chọn, xếp loại bằng cấp ứng viên đạt cũng như độ tuổi và bộ môn ứng viên chọn học chuyên sâu.
Một điểm nữa là ứng viên cần đáp ứng yêu cầu pháp lý theo quy định của cơ quan kiểm tra lý lịch (Disclosure and Barring Service ), bản chất là lý lịch tư pháp hay hồ sơ án tích. Việc này về sau sẽ giúp nhà tuyển dụng đưa ra các quyết định an toàn và ngăn ngừa những ứng viên không thích hợp để làm việc với trẻ em cũng như các đối tượng dễ bị tổn thương khác.
Lưu ý rằng để được chấp nhận vào khóa đào tạo giáo viên, ứng viên phải vượt qua một cuộc phỏng vấn.
Thông qua phỏng vấn, ứng viên cần thể hiện các phẩm chất của người giáo viên như đam mê dạy học, tự tin và tôn trọng trẻ em, chuyên nghiệp trong cách nghĩ và cách làm, phẩm cách tốt, lòng nhiệt tình, kiên trì, hiểu biết những cam kết đối với nghề dạy học.
Các kỹ năng ứng viên cần thể hiện gồm (i) khả năng phản tư tốt, ví dụ nếu ứng viên được yêu cầu trình bày một vấn đề thì sau đó cần chứng minh khả năng tự đánh giá bài trình bày của mình; (ii) khả năng ước lượng thông tin cần trình bày cho các nhóm đối tượng khác nhau; (iii) khả năng ngôn ngữ và tính toán (một số ứng viên có thể phải làm bài kiểm tra Tiếng Anh và Toán như một phần của buổi phỏng vấn); và (iv) kiến thức môn học
Ứng viên sẽ được hỏi những vấn đề cụ thể liên quan công việc giáo dục như , “điều gì có thể giúp trẻ học”, “tại sao bạn chọn chương trình đào tạo do trường đại học cung cấp hoặc trường phổ thông cung cấp”, “bạn học được gì từ kinh nghiệm ở trường phổ thông”, nhất là hiểu biết về môn mình sẽ dạy như thế nào. Điều này có nghĩa ứng viên cần nắm bắt tốt chương trình giáo dục phổ thông trước khi bước vào cuộc phỏng vấn.
Nói ngắn gọn, điểm học phổ thông thỏa mãn yêu cầu tối thiểu, bằng cấp chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm trường học, đủ sức khỏe, lý lịch tư pháp sạch và vượt qua vòng phỏng vấn là những yếu tố đảm bảo đầu vào tốt cho ngành sư phạm. Đó là một trong những điều kiện tạo nên lực lượng giáo viên chất lượng cao ở Anh.
Trở lại tình hình Việt Nam, điểm đầu vào của một số ngành sư phạm quá thấp, chẳng hạn 3 môn dưới trung bình vẫn đậu, thực sự đáng ngại. Song điều đáng bận tậm nhiều hơn chính là cách tuyển lựa đầu vào sư phạm nước ta quá đơn điệu. Lâu nay công tác tuyển sinh chỉ dựa vào điểm tốt nghiệp phổ thông của học sinh. Thêm vào đó, mô hình trường sư phạm cũng bộc lộ những vấn đề bất cập, phương thức đào tạo kém linh hoạt lại ở trong bối cảnh nhiều cử nhân thất nghiệp nên tình trạng đầu vào khan hiếm người giỏi không có gì lạ.
Có lẽ cách giải quyết khả thi trước nhất là yêu cầu thí sinh bổ sung minh chứng kinh nghiệm trường học và tiến hành phỏng vấn, coi đây là hai điều kiện xét tuyển quan trọng. Ngẫm kỹ sẽ thấy câu chuyện đầu vào chỉ có thể sáng sủa hơn nếu các vấn đề lớn hơn đang chi phối nó, bao quanh nó được giải quyết cùng lúc”.
Là nền giáo dục hàng đầu thế giới, tiêu chuẩn để trở thành giáo viên ở Phần Lan là phải có bằng thạc sĩ tại 1 trong...