Đau đầu thưởng tết giáo viên
Năm nào cũng vậy, thời điểm giáp tết ngành GD-ĐT lại xôn xao chuyện thưởng ít, thưởng nhiều với nhiều cung bậc cảm xúc...
Trong số những lá thư bạn đọc gửi cho chúng tôi tâm sự về thưởng tết, có hai lá thư của giáo viên (GV) tiểu học, mầm non ở quận 5 và quận Phú Nhuận. Nội dung hai lá thư khá giống nhau: giáo dục quận 5, quận Phú Nhuận được xem là nổi trội của TP mà sao tiền thưởng lại không đi đôi với thành tích? “Tiền thưởng tết của chúng tôi thấp hơn rất nhiều so với GV các quận lân cận, thậm chí còn thấp hơn quận vùng ven như quận 12, Thủ Đức” - một GV cho biết.
TP.HCM: trường 200.000 đồng, trường 4 triệu đồng
Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay tiền thưởng tết của GV các trường THPT trên địa bàn TP.HCM khá đều nhau và thuộc diện “ổn định” (không tăng, giảm nhiều so với năm trước): từ 15-30 triệu đồng/GV tùy theo từng trường và thành tích của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, ở bậc mầm non, tiểu học, THCS thì có sự chênh lệch lớn không chỉ ở các quận mà ngay cùng một quận mức thưởng giữa các trường vẫn là “một trời một vực”. Thống kê của Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận cho hay ở bậc tiểu học: GV Trường Hồ Văn Huê có mức thưởng tết cao nhất quận là 10 triệu đồng, trong khi Trường tiểu học Chí Linh chỉ có hơn 600.000 đồng/GV. Bậc mầm non, Trường Sơn Ca 11 có mức thưởng 8 triệu đồng/GV thì Trường Sơn Ca 3 chỉ có 700.000 đồng/GV. Bậc THCS: Trường Châu Văn Liêm gần 13 triệu đồng/GV thì Trường Độc Lập chỉ có hơn 3,5 triệu đồng/GV.
Sự việc cũng diễn ra tương tự tại nhiều quận huyện khác: “Quận 5 có trường chỉ thưởng 200.000 đồng/GV nhưng cũng có trường thưởng 4 triệu đồng/GV” - bà Võ Ngọc Thu, trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, thông tin.
ThS Trần Minh Thư - hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên, quận 10 - chia sẻ: “Trường tôi mỗi người được thưởng tết 300.000 đồng, hiệu trưởng, giáo viên hay nhân viên bảo vệ đều như nhau. Cả trường chỉ có 217 học sinh chia làm năm lớp. Số học sinh ít nhưng bộ máy quản lý vẫn phải đầy đủ theo đúng quy định như GV chủ nhiệm, GV tiếng Anh, âm nhạc, mỹ thuật; nhân viên kế toán, nhân viên văn phòng, nhân viên thư viện - thiết bị... tổng số là 20 người. Thưởng ít quá, nhà trường sẽ tổ chức hội thi gói bánh chưng, cả trường cùng gói, cùng nấu rồi chia mỗi người vài cái bánh chưng vui tết”. Nhắc đến thưởng tết, một GV trường này tâm sự: “Vì là trường khó khăn nên năm trước khoản thưởng tết của chúng tôi cũng thấp nhất quận, thấy tội quá nên UBND quận hỗ trợ thêm mỗi GV 500.000 đồng. Năm nay đến thời điểm này vẫn chưa thấy gì, không biết có được hỗ trợ nữa không”.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TPHCM, trao tặng tiền và quà hỗ trợ giáo viên ăn tết cho ông Trần Minh Thư, Trường tiểu học Điện Biên, Q.10, TP.HCM, sáng 30-1- Ảnh: Như Hùng
Vì đâu?
Theo ban giám hiệu các trường, khoản thưởng tết được lấy từ hai nguồn: ngân sách cấp cho trường, trong đó 80% chia cho lương GV-CB-CNV, 20% còn lại cho các hoạt động khác như: điện nước, điện thoại, cước Internet... Thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, sau khi chi hết các khoản trên, nếu ngân sách còn dư thì cuối năm nhà trường được chia cho GV-CB-CNV. Hai là các khoản thu từ phụ huynh học sinh hoặc các đối tượng khác như: học phí chính khóa, ngoại khóa, phí bán trú, tiền hợp đồng từ căngtin, hợp đồng từ bãi giữ xe... Khoản này sau khi chi cho những hoạt đồng cần thiết theo quy định thì phần còn lại sẽ được chia vào cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Đến - chủ tịch công đoàn ngành GD-ĐT quận Phú Nhuận - giải thích về sự chênh lệch mức thưởng tết: “Ngân sách phân bổ cho các trường tính trên đầu học sinh chứ không phải số lượng GV. Trường nào có đội ngũ GV thâm niên, hệ số lương cao thì khó mong kết dư ngân sách. Thậm chí có trường chi lương còn không đủ, cuối năm ngân sách phải cấp bù. Những trường có đội ngũ GV trẻ, hệ số lương thấp thì cuối năm kết dư ngân sách được nhiều, thưởng tết cao. Còn một lý do nữa là có trường hằng tháng đã chia cho GV khoản tiền tăng thu nhập rồi thì cuối năm thưởng tết giảm đi”.
Trong khi các trường THPT mức thưởng tết ổn định từ ba năm trở lại đây thì các bậc học thấp hơn vẫn “phập phù”, một kế toán trường tiểu học phân tích: “Trường THPT trực thuộc Sở GD-ĐT nên ngân sách từ thành phố cấp thẳng xuống các trường theo đúng quy định của Nhà nước. Trong khi đó, trường mầm non, tiểu học, THCS trực thuộc quận, huyện, ngân sách sẽ do phòng tài chính của quận cấp cho các trường. Việc cấp kinh phí này cũng nhiều chuyện tế nhị và phụ thuộc vào cách tính “thoáng” hay “chặt” của phòng tài chính. Tại cuộc họp duyệt ngân sách cho từng trường, hiệu trưởng nào “cãi” thì được duyệt mức ngân sách đúng với dự toán của mình, hiệu trưởng nào “hiền” sẽ bị ngắt phần này, phần kia. Hậu quả là thiếu tiền chi lương cho GV, như vậy không thể mơ đến tiền thưởng tết.
Đà Nẵng: sụt giảm nhưng cũng ấm lòng
Ông Nguyễn Minh Hùng - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - cho biết đối với các cán bộ, công chức ở cơ sở giáo dục trực thuộc sở như: trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT, cơ quan sở thì mức hỗ trợ tết của UBND thành phố là 1 triệu đồng/người. Tổng số cán bộ, công chức thuộc diện này khoảng 2.000 người. Đối với các cơ sở giáo dục thuộc quận, huyện thì do các quận, huyện hỗ trợ. Cũng theo ông Hùng, ngoài mức hỗ trợ tết của UBND TP, quận, huyện, các trường còn tự cân đối chi tiêu để có thưởng thêm cho cán bộ, giáo viên.
Trong khi đó, dù quận Cẩm Lệ là vùng ven của Đà Nẵng nhưng mức thưởng tết của giáo viên cao nhất đạt đến 7 triệu đồng, thấp nhất là 2 triệu đồng. Một số giáo viên khác cho biết mức thưởng tết của trường so với năm 2012 dù có thấp hơn nhưng vẫn cảm thấy ấm lòng vì đó vẫn là mức khá so với nhiều địa phương khác. Thầy Phạm Được - Trường THPT Ngũ Hành Sơn - cho biết tết năm 2012 được hỗ trợ hơn 7 triệu đồng, Tết Quý Tỵ này còn được 5,5 triệu đồng. “Trong giai đoạn khó khăn này trường có thưởng tết vậy cũng là món quà tết ý nghĩa với chúng tôi rồi” - thầy Được tâm sự.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tựu, chánh văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, giáo viên các cấp học đều không được thưởng tết. Trong ảnh: thầy cô Trường TH-THCS Bà Điền, Quảng Ngãi nhận quà của bạn đọc Tuổi Trẻ ngày 29-1 - Ảnh: V.Hùng
Hà Nội: khéo lo thì ấm
Thầy Phạm Văn Hoan, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội, cho biết: “Trường tôi năm nay cũng lo được cho các thầy cô thêm hai tháng lương cơ bản. Người cao nhất được 4-5 triệu đồng, thấp hơn 1-2 triệu đồng. Thưởng tết như thế không đáng là bao nhưng cũng đủ để động viên tinh thần các thầy cô”.
Còn theo GS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh: tổng khoản thu chỉ có một gói, nếu biết chi tiêu hợp lý thì giáo viên sẽ có thu nhập tốt hơn, nếu chi trả cho giáo viên trước theo công đóng góp thì khoản “thưởng tết” chỉ có hạn. Một hiệu trưởng khác ở quận Đống Đa cho biết: “Mức thưởng tết tùy theo công sức đóng góp của giáo viên, dao động từ 1 triệu đến 5 triệu đồng”. Theo bà hiệu trưởng này: “Trung bình mức chi thường xuyên (trừ lương) chỉ còn 20-25% tổng ngân sách được giao, nếu trường có nhiều hoạt động, có nhiều sự vụ cần đến kinh phí thì tiền tết đừng có mơ”.
Hệ số lương thấp - tiền thưởng cao “GV quận 5 thưởng tết không cao bằng một số GV vùng ven vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, số lượng GV quận 5 ổn định từ lâu nay, khi nào có GV về hưu các trường mới nhận GV trẻ. Những năm gần đây số GV về hưu rất ít, đa số GV ở quận 5 thuộc diện thâm niên, hệ số lương cao sẽ khó có khoản kết dư ngân sách. Mặt khác, có thể bậc học khác thì nhà trường được phép thỉnh giảng GV, giảm bớt khoản chi lương nhưng với bậc mầm non, tiểu học thì không thể. Thêm nữa, tiền thưởng ít còn vì lý do giảm sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục. Ví dụ như Trường tiểu học Minh Đạo ngày xưa và ngày nay đều có 50 lớp nhưng ngày xưa sĩ số học sinh 50 em/lớp, bây giờ thực hiện việc giảm sĩ số, chỉ 30-40 HS/lớp, ngân sách cấp theo đầu học sinh chắc chắn giảm, các khoản thu cũng giảm theo trong khi bộ máy GV-CB-CNV vẫn không giảm thì làm sao kết dư được nhiều mà thưởng nhiều. Một số địa phương có tiền thưởng cao vì họ thành lập thêm nhiều trường mới, GV mới tuyển hầu hết là GV trẻ, hệ số lương thấp thì tiền thưởng cao”. Bà Võ Ngọc Thu |
Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung - giáo viên Trường THCS Chu Văn An (huyện Hồng Dân), cho biết vừa nghe thông tin năm nay sẽ được nhận quà tết là dầu ăn, bột ngọt, đường tổng trị giá 150.000 đồng. Còn cô Mãi - giáo viên Trường tiểu học Lộc Ninh (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) - nói chưa nghe thông tin gì về thưởng tết. Theo cô Mãi, do không có thưởng, gia đình cô cũng như người dân địa phương trông chờ vào việc trồng lúa để ăn tết, nhưng lúa hiện không được giá (5.000-5.100 đồng/kg) nên cô không bán, vì vậy “năm nay không ăn tết lớn rồi”.
Tình hình cũng tương tự tại Sóc Trăng. Thầy Phạm Quang Bình - giáo viên Trường tiểu học Hòa Tú 1B (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên) - nói vì không có thưởng tết nên “gia đình tự tiết kiệm và ăn tết ít lại một chút chứ biết sao bây giờ”. Theo thầy Bình, năm ngoái giáo viên trường này được lãnh lương trước một tháng để ăn tết nhưng năm nay vẫn chưa nghe nói gì. “Được lãnh lương trước thì tết có tiền xài nhưng sau tết rầu lắm vì phải chờ lâu. Nói thật, biết vậy nhưng ai cũng trông được lãnh trước” - thầy Bình tâm sự.
Tại Kiên Giang, khi được hỏi về chuyện thưởng cho giáo viên, ông Huỳnh Trọng Đức, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Giang Thành (huyện biên giới của tỉnh Kiên Giang), lắc đầu nói: “Chuyện thưởng tết hoàn toàn xa lạ đối với giáo viên nơi đây. Tôi đã công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm nhưng không mấy lần nghe chuyện thưởng tết hay tháng 13. Mọi năm giáo viên được cho lãnh hai tháng lương, trong đó ứng trước một tháng, còn năm nay không được ứng. Nói về chuyện thưởng tết giáo viên lại buồn”. Tại huyện đảo Kiên Hải và nhiều huyện, thị khác của tỉnh Kiên Giang cũng trong tình trạng tương tự. Ông Ninh Thành Viên - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang - cho biết đã nhiều năm nay tỉnh Kiên Giang không có thưởng tết cho giáo viên.
Trong khi đó, tại tỉnh Cà Mau các giáo viên dù không có thưởng tết nhưng cũng được “hưởng lộc” từ chính sách tết chung của tỉnh. Ông Nguyễn Tiến Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết năm nay tỉnh có chính sách tết cho cán bộ, công chức, viên chức áp dụng chung từ tỉnh đến tận cơ sở ấp, kể cả lực lượng vũ trang. Theo đó, mỗi người hưởng 500.000 đồng, tổng số tiền chi cho chính sách này khoảng 24 tỉ đồng. Tương tự chính sách này của Cà Mau, ở Cần Thơ, ông Trần Trọng Khiếm, giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, nói mỗi giáo viên đều được nhận 400.000 đồng và từng trường sẽ có thưởng riêng tùy theo nguồn thu của đơn vị mình nhưng hiện sở chưa tổng hợp được.
“Khá” hơn Cà Mau và Cần Thơ, mỗi cán bộ ngành giáo dục ở An Giang được tỉnh thưởng tết 600.000 đồng/người và còn được lãnh trước hai tháng lương để ăn tết. Ông Huỳnh An Khước, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Phú, cho biết đến lúc này giáo viên đều đã nhận thưởng tết, nhận trước lương hai tháng 1 và 2. Ngoài ra, tùy theo từng trường có thể có thêm khoản quà tết được trích từ quỹ phúc lợi.
C.Quốc - T. Thái - Đ. Vịnh - Vĩnh Hà - Trà Giang
Để niềm vui đến... Cứ khi xuân đến thì nỗi lo tiền thưởng tết cho giáo viên khiến hiệu trưởng trường nào cũng “bạc đầu”. Giáo viên thì hồi hộp chờ thông báo của hiệu trưởng năm nay có tiền thưởng tết không, được bao nhiêu; biết rồi thì bắt đầu kháo tin cho nhau và so sánh tiền thưởng năm nay so với các năm trước, trường này với trường khác. Trong khi có trường chỉ vài trăm ngàn đồng hay hộp mứt, gói bột ngọt... thì có trường giáo viên được thưởng vài tháng lương cơ bản, thậm chí cả chục triệu đồng. Hóa ra không cần nhìn đâu xa, ngay trong cùng một ngành giáo dục thì mức thưởng tết giữa bậc học này với bậc học khác, giữa các trường cùng bậc học với nhau cũng là cả một trời một vực. Trường công lập nào cũng đều hưởng kinh phí từ ngân sách theo đầu học sinh, vậy sao có trường thưởng tết kha khá, có trường thì quẫn bách? Có phải tất cả phụ thuộc vào tài “vén khéo” của hiệu trưởng? Không hoàn toàn như vậy. Tài vén khéo của hiệu trưởng rất quan trọng nhưng còn nhiều yếu tố khách quan khác. Khi kinh phí được cấp theo đầu học sinh thì hiệu trưởng những trường có sĩ số/lớp thấp sẽ được nhận khoản kinh phí thấp hơn và do vẫn phải tổ chức từng ấy khoản hoạt động trong nhà trường nên khó co kéo trong khoản chi thường xuyên (lương và hoạt động nhà trường) hơn. Sĩ số/lớp thấp thì tiền thu học phí ít, tiền chi cho hoạt động càng khó, lấy đâu còn nhiều tiền để thưởng tết? Tổ chức càng nhiều hoạt động thì dư càng ít khiến người ta phải tổ chức... ít hoạt động lại mong có dư nhiều hơn! Vô hình trung điều này khiến chất lượng giáo dục không được như mong muốn. Tội nhất là các cấp học không thu học phí hoặc thu không đáng kể, hiệu trưởng chỉ có thể gói ghém chi tiêu trong khoản kinh phí eo hẹp được Nhà nước cấp, eo hẹp đến mức chi lương thôi mà có khi vẫn phải chờ cấp bù. Trường nào may mắn có đội ngũ cha mẹ học sinh khá giả, có cơ sở vật chất khá, nằm ở vị trí thuận lợi có thể cho thuê mướn dạy buổi tối, giữ xe, có căngtin đông người mua thì có “đồng ra đồng vô”, cuối năm có thể quỹ phúc lợi kha khá để trích thưởng tết. Trường không có các thuận lợi trên (đặc biệt là trường mầm non, tiểu học nhỏ) thì đành “động viên tinh thần” giáo viên cuối năm mà thôi. Có thể nào làm cho giáo viên suốt năm đã nghèo, cuối năm có thể được thưởng tết một cách đỡ buồn tủi hơn không? Chờ cho quốc sách hàng đầu được thực thi chắc còn lâu. Phải cùng nhau chia ngọt sẻ bùi giữa đồng nghiệp với nhau thôi. Được biết đã có trường thưởng tết tương đối tươm tất ở quận trung tâm đã san sẻ theo tinh thần của ít lòng nhiều cho trường quá nghèo ở một quận khác. Tinh thần “lá rách đùm lá nát” này thật đáng biểu dương. Liên hiệp Công đoàn thành phố đã có sáng kiến lo quà tết, tặng vé xe cho công nhân nghèo về quê thì Công đoàn giáo dục thành phố có thể động viên các trường có điều kiện cùng các nhà hảo tâm chung tay xây dựng một loại quỹ thưởng tết chung của Công đoàn ngành cho các trường và giáo viên nghèo được lắm chứ. Xây dựng từ đầu năm, tích cóp dần dần, tùy theo sức của từng trường, không quy định cào bằng, làm theo kiểu “góp đá”. Chưa thể có một mức thưởng tết đồng loạt và công bằng giữa các trường với nhau nhưng cần có sự chia ngọt sẻ bùi với các đồng nghiệp túng thiếu nhất, ít điều kiện xoay xở để cải thiện đời sống nhất, đó là giáo viên mầm non và tiểu học. Đặc biệt khi chúng ta đang chủ trương phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, tiến đến phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và nâng cao chất lượng một cách vững chắc cho tuyệt đại đa số trẻ ở độ tuổi tiểu học thì món thưởng tết từ quỹ trên sẽ là nguồn động viên quý giá với những người xung kích thực hiện các chủ trương ấy. TS Hồ Thiệu Tùng |