Đào tạo tiến sĩ: Siết chặt đầu vào
Để tránh tình trạng quy mô đào tạo quá nhiều nhưng chất lượng tiến sĩ lại không bảo đảm, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết siết lại bằng những quy định cụ thể trong quy chế.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cả nước đang triển khai đào tạo 971 lượt ngành trình độ tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo, trong đó có 114 trường đại học, 42 viện nghiên cứu; quy mô đào tạo năm học 2015-2016 là 13.598 nghiên cứu sinh (NCS). Tuy nhiên, chất lượng đào tạo hạn chế dẫn đến những luận án tiến sĩ không bảo đảm, gây bức xúc trong xã hội.
Tiền nào của nấy
Phân tích nguyên nhân tại sao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thấp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng do nhiều yếu tố cộng lại. Một phần là do người học, một phần là chất lượng người hướng dẫn NCS chưa đồng đều nên quá trình hướng dẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo buông lỏng chất lượng, chạy theo số lượng, kinh phí đào tạo lại quá thấp, không đủ để NCS thực hiện các nghiên cứu có chất lượng.
Theo ông Ga, chi phí trung bình để đào tạo một tiến sĩ hiện nay là 15 triệu đồng/năm. Tại một số ĐH lớn, như ĐHQG Hà Nội, số tiền này là 18 triệu đồng/năm.
Đào tạo tiến sĩ thời gian tới sẽ chú trọng tới chất lượng Ảnh: TẤN THẠNH
Theo GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, ở ĐHQG Hà Nội, các GS, PGS là người hướng dẫn nhận định mức 3 triệu đồng/năm/NCS. Nếu hướng dẫn 2 NCS thì mức này còn 1,5 triệu đồng/năm/NCS. Con số này khiến GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, nhận xét rằng không có nước nào đào tạo tiến sĩ như Việt Nam và đúng là tiền nào của nấy.
Không thể cứ làm những đề tài “lặt vặt”
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thời gian tới, yêu cầu hàng đầu là siết chặt chất lượng, đào tạo tiến sĩ sẽ không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng, xem chất lượng là hàng đầu.
Luận án tiến sĩ phải là công trình khoa học, phải chứa đựng cái mới, phải đăng trên các tạp chí quốc tế để có những phản biện, để thấy cái mới trong luận án thay vì chỉ làm mấy thứ lặt vặt như thạc sĩ.
Theo một chuyên gia, để không còn “tiến sĩ giấy”, các luận án thực sự có hiệu quả chứ không còn nằm trên giấy thì cần phải có quy định khắt khe về đầu vào cũng như điều kiện tiếp nhận NCS. Nếu cứ như hiện nay, nhiều người hướng dẫn không có đề tài nhưng do nhu cầu đào tạo nên vẫn hướng dẫn thì không bao giờ có thể nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Bùi Văn Ga cho hay Bộ GD-ĐT đang xem xét xây dựng các tiêu chí tiệm cận với khung trình độ tiến sĩ trong khu vực và quốc tế. Đây là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra cũng như nâng chuẩn đầu vào. Ngoại ngữ sẽ được quy định là chuẩn đầu vào chứ không phải chuẩn đầu ra như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chúng ta đang quy định chuẩn ngoại ngữ đầu ra của tiến sĩ, như thế là không đúng mục tiêu. “Thời gian tới, ngoại ngữ sẽ được quy định là chuẩn đầu vào, tức là ngoại ngữ như công cụ để nghiên cứu sinh đọc sách, tìm tài liệu phục vụ đề tài nghiên cứu. Ngoại ngữ đối với nhà nghiên cứu không phải đánh giá bằng IELTS hay TOFEL mà là bằng năng lực thực tế của họ, tức là đọc hiểu, trình bày báo cáo” - ông nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, quan điểm của bộ là hạn chế số lượng, nguồn lực sẽ được đầu tư tập trung thay vì dàn trải. Trong lần sửa đổi quy chế sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ quy định chặt chẽ về đầu vào của NCS nhưng cũng sẽ tạo điều kiện mềm dẻo cho các cơ sở đào tạo. Các cơ sở có thể tuyển NCS không theo đợt mà bất cứ khi nào trường có tiền, có đề tài thì có thể “chào hàng” để tuyển sinh.
Phải có bài báo quốc tế ISI Theo GS Trần Văn Nhung, cần có những tiêu chuẩn cụ thể với luận án tiến sĩ. Ví dụ, với khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, phải có phát minh, yêu cầu không dưới 2 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI. Riêng khoa học xã hội và nhân văn, không bắt buộc có các công bố quốc tế ngay nhưng cũng cần có những tiêu chuẩn định lượng rành mạch. Ông Bù Văn Ga cho hay quy định sắp tới sẽ yêu cầu các NCS phải đăng bài báo trên tạp chí quốc tế. Còn nếu đăng trong nước thì phải bằng tiếng nước ngoài vì trên thực tế, có những ngành đăng trên tạp chí nước ngoài rất khó. Bộ GD-ĐT đang chờ ý kiến phản biện của các ngành như nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để tập hợp xây dựng quy định cho phù hợp. |