Đào tạo ĐH giống… trồng dưa hấu

Năm 2014, lao động có trình độ ĐH-CĐ thất nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2010.

Sáng 24-4, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên họp nghe Chính phủ giải trình về hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2014, số lao động trình độ ĐH-CĐ trong độ tuổi lao động thất nghiệp tăng cao so với số tốt nghiệp và có việc làm. Năm 2014, số lao động có trình độ ĐH-CĐ thất nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2010.

Đào tạo không theo kế hoạch

Bày tỏ bức xúc trước vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) so sánh ngành giáo dục đào tạo nhân lực giống như sản xuất nông nghiệp hiện nay, sản xuất nhưng không có kế hoạch, cứ được mùa thì rớt giá. Ngành giáo dục cũng vậy, đào tạo không có kế hoạch nên sinh viên ra trường không có việc làm.

“Vừa qua dưa hấu ế, cộng đồng cố gắng mua để động viên nông dân. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tinh thần chứ toàn dân sao ăn dưa hấu mãi được. Giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cũng phải như thế, phải giải quyết từ gốc chứ không phải là ngọn” - đại biểu Trường nói.

Đại biểu Trường cho rằng Bộ GD&ĐT đào tạo không có kế hoạch, còn Bộ KH&ĐT chưa đưa ra được hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực thì làm sao đào tạo đáp ứng yêu cầu được, dẫn đến thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu.

Đại biểu Trường cho rằng khâu tiêu thụ, tức là giải quyết việc làm thì Bộ LĐ-TB&XH cũng chưa giải quyết được. “Tôi mong Bộ LĐ-TB&XH có đánh giá về vấn đề này và định hướng trong thời gian tới sẽ làm gì để giải quyết” - đại biểu Trường đề nghị.

Đào tạo ĐH giống… trồng dưa hấu - 1

Giai đoạn 2011-2014, số lao động trình độ ĐH-CĐ trong độ tuổi lao động thất nghiệp tăng cao. Ảnh: P.ĐIỀN

Mới dự báo được thị trường lao động ngắn hạn

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa nhận trách nhiệm trong vấn đề dự báo nguồn nhân lực và cho biết bộ này mới chỉ làm được dự báo nhu cầu thị trường lao động việc làm trong ngắn hạn chứ chưa dự báo dài hạn. Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về Bộ LĐ-TB&XH bởi đào tạo nay thuộc quyền tự chủ của các trường, bộ này không can thiệp được.

“Với trách nhiệm quản lý nhà nước về việc làm nhưng Bộ LĐ-TB&XH không phải là cơ quan giải quyết việc làm mà chỉ tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho thị trường lao động vận hành. Nếu tư duy ngành GD&ĐT ra còn Bộ LĐ-TB&XH giải quyết việc làm thì không hợp lắm. Hiện Bộ LĐ-TB&XH chỉ tham mưu, đề xuất các chính sách việc làm riêng cho các đối tượng yếu thế” - ông Hòa phân trần.

Trả lời đại biểu Trường, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết Chính phủ vừa phê duyệt xây dựng đề án thông tin và hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia từ trung ương đến địa phương theo ngành, lĩnh vực và theo trình độ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành hệ thống này. Hiện nay công tác dự báo nhân lực chưa được triển khai đồng bộ trên cả nước, mới chỉ được tiến hành riêng lẻ ở từng ngành, từng địa phương mà chưa có sự liên kết ở cấp quốc gia.

Bộ trưởng Luận: Cần thay đổi tư duy về việc làm

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng số sinh viên ra trường không giải quyết được việc làm còn nhiều, nếu cứ tiếp tục đào tạo sẽ gây lãng phí rất lớn cho xã hội. “Trách nhiệm rất lớn là của Bộ Tài chính khi phân bổ ngân sách nhưng không kiểm duyệt đầu ra. Nếu giao ngân sách cho các trường ĐH, yêu cầu kiểm duyệt đầu ra thì sẽ khác. Như vậy mới gắn kết đào tạo với sử dụng” - đại biểu Minh nói.

Đại biểu Minh đặt câu hỏi: “Hàng hóa không tiêu thụ được nhưng người sản xuất không phải chịu trách nhiệm gì, lại được Nhà nước phân bổ tiền, đầu ra thả nổi cho xã hội, vậy có đúng hay không?”.

Nói về giải quyết việc làm cho sinh viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng nếu chỉ một mình Bộ GD&ĐT hoặc Bộ LĐ-TB&XH tự làm thì sẽ không thể giải quyết được. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng cần thay đổi nhận thức của xã hội, từ tư duy tìm kiếm việc làm trong biên chế cơ quan nhà nước sang nhận thức kiếm việc làm chủ yếu không phải ở cơ sở nhà nước. “Hiện nay Chính phủ đang thực hiện biện pháp giảm biên chế. Đào tạo hiện nay phục vụ các thành phần kinh tế khác nhau” - ông Luận nói.

Cũng trên tinh thần thay đổi tư duy này, ông Luận cho biết giáo dục ĐH hiện đang chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu người sử dụng lao động. “Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo gắn cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Thứ hai, ngoài đào tạo kiến thức thì chú trọng các kỹ năng. Thứ ba là kỹ năng tạo việc làm cho mình và cho xã hội” - ông Luận nói.

Sớm xây dựng đề án giải quyết việc làm cho sinh viên

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và phê duyệt đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên. Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm thông qua các chính sách cho vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Có chính sách phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động.

Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các bộ hữu quan xây dựng quy hoạch ngành nghề đào tạo, tăng cường cơ chế giám sát về thông tin cung-cầu lao động của thị trường. Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các giải pháp, đề xuất các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động nói chung, sinh viên mới tốt nghiệp nói riêng. Bộ Tài chính xây dựng cơ chế đổi mới phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo và dạy nghề theo hướng giao ngân sách gắn với nhiệm vụ và kết quả sản phẩm đầu ra. Bộ KH&ĐT hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hà/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN