Đánh vào hạnh kiểm, học sinh sẽ hạn chế chửi bậy!
Việc xử lý kỉ luật do học sinh nói bậy chỉ nhắc nhở sẽ không đủ để răn đe, cần đánh vào hạnh kiểm để từ đó ảnh hưởng đến đánh giá cuối năm khiến học sinh và gia đình sẽ có những điều chỉnh.
Đây là ý kiến của TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) trả lời Infonet xung quanh việc UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan có biện pháp xử lý tình trạng văng tục, chửi bậy nơi công cộng và trong nhà trường.- UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Giáo dục - đào tạo và UBND các quận huyện, thị xã kiểm tra, xem xét, có biện pháp xử lý nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội. Là người từng nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục, đào tạo, theo tiến sĩ động thái này phải chăng học sinh Thủ đô bây giờ hỗn hào hơn ngày xưa?
Thế hệ chúng tôi, không hoặc hiếm khi nghe thấy một lời tục tĩu. Lúc chúng tôi đi học cách đây 20 – 30 năm, bạn bè có chửi bậy cũng kín đáo ở phía ngoài trường học chứ vào trường là tuyệt đối không ai nói câu nào thiếu văn hóa. Thế nhưng, nói bậy đã trở nên phổ biến trong vài năm gần đây. Ngoài ra, tình trạng hỗn láo với giáo viên và gây gổ với bạn bè cũng đã trở nên phổ biến.
Vì vậy, xiết chặt giáo dục đạo đức là việc bắt buộc phải làm và có lẽ cũng quá muộn nếu bây giờ mới bắt đầu. Nhưng muộn còn hơn không, chúng ta phải làm ngay và làm quyết liệt.
TS Vũ Thu Hương
- Nguyên nhân nào xảy ra tình trạng này?
Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này là tổng hòa của nhiều yếu tố: gia đình, xã hội và nhà trường. Trước hết đó là yếu tố môi trường khi mà tính tự do cá nhân được đề cao, chuẩn mực đạo đức trong xã hội không được xem trọng. Một người nói bậy nơi công cộng không bị ai nhắc, cũng chẳng bị người xung quanh khó chịu thì việc nói bậy dần trở thành lẽ đương nhiên. Thậm chí nếu người già nào mà tỏ ý khó chịu khi thấy đám thanh niên chửi bậy ắt sẽ nhận được lời đáp “đồ hâm”.
Trong khi đó, ở mỗi gia đình việc mưu sinh chiếm phần lớn thời gian, những lo toan cơm áo gạo tiền dễ khiến người lớn cáu bẳn, văng tục, chửi thề trong khi họ vô tình không biết điều ấy lại làm gương cho con trẻ.
Với nhà trường thì chỉ quan tâm đến điểm số mà việc giáo dục đạo đức, lối sống cách ứng xử của các em dường như bị xem nhẹ.
- Tiến sĩ có hay gặp, chứng kiến cảnh học trò chửi bậy không?
Báo chí từng phản ánh một bộ phận các bạn trẻ là học sinh trung học, các ca sĩ, người dẫn chương trình... có những lời nói thô tục, những ứng xử không văn hóa nơi công cộng.
Đối với tôi, từng gặp rất rất nhiều và thường xuyên tình trạng các em học sinh chửi bậy. Thậm chí ngay cả khi các em nói chuyện với nhau vui vẻ cũng văng ra những câu tục mà tôi không bao giờ dám nghĩ đến chứ đừng nói là sử dụng. Điều đó là việc chúng tôi lo lắng từ rất lâu rồi.
- Có ý kiến cho rằng việc Hà Nội kiểm tra, chấn chỉnh của Hà Nội không khả thi nếu chỉ tập trung vào nhà trường và nơi công cộng? Theo TS việc chấn chỉnh này cần bắt đầu từ đâu?
Tôi nghĩ chúng ta cần phải tiến hành đồng loạt từ phía nhà trường và gia đình. Những gia đình nào cha mẹ cũng có thói quen nói bậy thì phải tự sửa chữa ngay tức thì. Giao tiếp văn hóa là bài đầu tiên trẻ phải học để trở thành con người văn minh.
Rất nhiều gia đình mong muốn con mình trở thành công dân toàn cầu nhưng họ chỉ chăm chú lo cho con học thật giỏi mà quên đi những hành vi ứng xử văn hóa. Điều này là một thiếu sót vô cùng to lớn trong giáo dục gia đình.
Giáo dục gia đình là gốc rễ của mọi hành vi của trẻ. Vì vậy, chắc chắn chúng ta phải bắt đầu từ gia đình. Hiện nay, giáo dục trẻ trong gia đình là một lĩnh vực bỏ ngỏ. Bộ GD và các cơ quan liên quan cần có những phương án xử lý tình trạng này.
- Vậy theo tiến sĩ đối với trường học việc xử lý trẻ nói bậy cần áp dụng biện pháp nhắc nhở, kỷ luật hay đưa vào đánh giá hạnh kiểm?
Với nhà trường, việc xử lý kỉ luật do các cháu nói bậy chỉ nhắc nhở sẽ không đủ để răn đe. Theo tôi cần đánh giá vào hạnh kiểm để từ đó ảnh hưởng đến đánh giá cuối năm sẽ khiến học sinh và gia đình lo lắng và điều chỉnh con em mình tốt hơn.
- Xin cảm ơn tiến sĩ
Theo Ngô Châu Anh (Infonet) ([Tên nguồn])