Đánh giá HS tiểu học: Sao không cho giáo viên sử dụng CNTT?
Với quan điểm cá nhân mình, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm áp lực đối với học sinh cấp tiểu học nhưng việc triển khai còn nhiều điều phải rút kinh nghiệm.
Đó là quan điểm của giáo viên Đặng Thành Trung (Hà Nội) khi thực hiện thông tư 30. Thầy Trung cho rằng: Thứ nhất, Thông tư 30 đã quan tâm đến học sinh nhưng chưa quan tâm đến giáo viên – những người góp phần quyết định chất lượng giáo dục. Việc đầu tư quá nhiều thời gian vào những công việc hình thức, không rõ hiệu quả là một sự lãng phí thời gian vô ích của giáo viên.
Nhiều cuộc tập huấn về thông tư 30 diễn ra khắp 64 tỉnh thành (Nguồn Internet) Bắt giáo viên phải ghi chép thủ công là điều không hợp lý
Trong thời buổi CNTT đã bùng nổ và có ứng dụng thiết thực, lớn lao, giải phóng sức lao động cho nhân lực của ngành giáo dục thì việc phải lao động thủ công ghi chép là một điều không hợp lí.
Ngoài việc phải lao động sư phạm, các nhà giáo ở Việt Nam còn phải đóng vai trò điều tra viên đi đến tận nhà, gõ tận cửa các hộ gia đình để điều tra phổ cập giáo dục các cấp. Khoảng thời gian ấy nếu chuyên tâm vào chuyên môn, nghiệp vụ thì đáng quí biết bao.
Thứ hai, việc chấm điểm với học sinh tiểu học không có gì sai, điểm số không phải là áp lực lớn nhất của việc học tập. Áp lực nằm ở chỗ: cơ sở vật chất còn nghèo nàn, kiến thức nặng, nội dung kiến thức học tập khác với nội dung thi…
Thông tư 30 còn mâu thuẫn?
Trung bình số học sinh tiểu học ở Nhật là 28 em/ lớp, ở Mỹ là 25 em/ lớp còn ở Việt Nam có lớp lên đến sĩ số 60. Giáo viên Đặng Thành Trung |
Cũng quan tâm tới thông tư 30, anh Tùng Bách, một phụ huynh có con đang học tiểu học cho rằng, ngay chính thông tư 30 còn có những mâu thuẫn mà anh chưa thể hiểu nổi.
“Mục 4 của thông tư 30 viết: “Không so sánh học sinh này với học sinh khác”, nhưng điều 16 lại có đoạn: “Cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong 3 nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác…”
Một bức ảnh sống động về việc thực hiện thông tư 30 Vậy sự nổi bật đó là so với ai, nếu không được so sánh với các học sinh cùng lớp? Tôi thực sự không hiểu thông tư này muốn gì?” – Anh Bách chia sẻ.
Ngoài ra, anh Bách còn cho rằng, điểm số không có tội. Đó chính là động lực để trẻ vươn lên. Chính Bộ GD&ĐT mới là người nhầm lẫn, tạo sức ép cho học trò khi đề ra các chính sách như cộng điểm cho HS giỏi, khá khi thi cử, rồi đề ra chính sách giỏi, khá mới được thi vào trường chuyên lớp chọn, mà sự thật hiển nhiên là ở những trường chuyên lớp chọn đó, cơ sở vật chất tốt hơn hẳn các trường khác.
“Nếu là bố mẹ, có ai không muốn con mình được học trong một môi trường tốt? Mà muốn học ở đó, phải có những con điểm khá, giỏi. Vậy thì ai là người tạo ra sức ép về điểm số cho HS? Bộ GD&ĐT hay là giáo viên?
Tôi thấy rằng, cả hàng chục ngàn giáo sư tiến sĩ của Việt Nam ta rõ ràng cũng trưởng thành từ một sự đánh giá về điểm số. Đó là một thành quả đáng trân trọng” – Anh Bách chia sẻ.