Đánh giá HS tiểu học: Giáo viên mong thay đổi điều gì?
Rất nhiều giáo viên đã bày tỏ nguyện vọng: Bộ nên xem xét có những điều chỉnh, sửa đổi lại Thông tư 30 để hiệu quả hơn và giáo viên đỡ áp lực hơn.
Cô N.H.L (giáo viên tiểu học huyện Đông Anh, Hà Nội) cho rằng: “Thông tư 30 không đánh giá thực chất khi giáo viên phải dạy 50-60 học sinh/lớp. Nếu chỉ khoảng 10-20 học sinh/lớp thì đây là một hình thức đánh giá khá lý tưởng, sự trao đổi, kết hợp giữa nhà trường, phụ huynh học sinh sẽ cập nhật hơn. Ở đây, với số lượng học sinh quá tải, trong một tiết học 35 phút, cô giảng bài, uốn nắn từng câu từng chữ với học sinh còn không đủ thời gian.
Giáo viên phải gánh quá nhiều loại sổ sách
Chưa hết, khi giáo viên nhận xét miệng trên lớp, hay những nhận xét "nhẹ nhàng" vào vở như “Cần cố gắng hơn”, về nhà phụ huynh cũng không biết con ở mức nào để giúp con.
Theo tôi, thông báo cho phụ huynh hay học sinh bằng những điểm số để học sinh và phụ huynh biết được con mình đang ở mức độ nào mà cố gắng, 3 cố lên 4 điểm hay 9 cố lên 10 điểm. Qua đợt thi học kỳ lấy điểm số vừa rồi, báo động tình trạng học sinh làm bài không hết mình, tình trạng ì ạch, không có chí tiến thủ... làm cho giáo viên vô cùng hoang mang.
Vì thế, vẫn nên để điểm số để học sinh biết phấn đấu, cố gắng. Vẫn nhận xét theo như Thông tư 32 nhưng bỏ bớt mấy sổ sách không cần thiết như sổ dự giờ bởi cuối tháng trường đều có lên chuyên đề từng phân môn để cả trường dự rồi”.
Áp lực nặng nề khiến giáo viên chỉ có thể ghi những nhận xét rất chung chung
Theo cô giáo K.M (Hà Nội), giáo viên cảm thấy nặng nề bởi những lời nhận xét na ná giống nhau, không được chê mà chỉ được khen để động viên học sinh. Chị chia sẻ: “Việc ghi nhận xét vào sổ sách làm mất quá nhiều thời gian vậy mà đến hôm sau học sinh ra lớp thưa với cô: "Bố em bảo cô giáo mày dốt không biết chấm điểm à?".
Theo cô K.M, nên giữ lại việc chấm điểm như cũ nhưng không ghi vào sổ hàng tháng mà điểm đó để cho học sinh phấn đấu, thi đua trong học tập, còn điểm cuối mỗi kỳ thì lấy làm cơ sở để đánh giá, khen thưởng học sinh.
Nhiều giáo viên đề nghị cùng với nhận xét vẫn nên có điểm số để tránh việc học sinh lười học, mất tinh thần thi đua. Thêm vào đó, cần bỏ bớt đầu sổ cho giáo viên như sổ liên lạc, các loại sổ chuyên môn như dự giờ, sổ học tập... nên gộp lại thành một quyển…
Cô H.T.H (giáo viên tiểu học tỉnh Bắc Giang) nhận định: “Để đánh giá năng lực học sinh thực chất hơn cần sự quan tâm của cả phụ huynh và giáo viên. Nếu nói về kiến thức, sự lĩnh hội của các em thì nhìn vào điểm số có thể đánh giá được năng lực của các em. Còn về kĩ năng có thể dựa vào khả năng ứng xử, giao tiếp của học sinh.
Thông tư 30 đưa ra nhằm muốn đánh giá đúng năng lực của học sinh, giảm áp lực về điểm số đối với học sinh nhưng với thực tế Thông tư đã làm được điều đó chưa? Vì thế, để giảm áp lực về điểm số cho học sinh thì với những bài điểm kém sẽ không chấm điểm mà thay bằng nhận xét.
Với những bài cô giáo muốn khuyến khích, động viên thì kết hợp điểm số với nhận xét. Cần linh hoạt hơn trong việc đánh giá, kiểm tra, không nên gò bó mất đi tính sáng tạo của cả trò và thầy”.
Theo cô H.Đ (giáo viên tiểu học tỉnh Long Xuyên), để Thông tư 30 thực sự có hiệu quả thì cần giảm từ 45 - 50 học sinh/lớp về 15 - 25 học sinh; Giảm số giờ chuẩn và số lượng lớp giáo viên bắt buộc phải dạy trong 1 học kỳ, quy định theo số lượng học sinh giáo viên bắt buộc phải dạy trong 1 học kỳ;
Giảm sự kỳ vọng của phụ huynh và sức ép của xã hội và lãnh đạo lên vai giáo viên; Cần thực hiện Thông tư 30 theo từng vùng miền cụ thể. Phụ huynh các em học sinh vùng cao không biết chữ mà vẫn bắt giáo viên phải nhận xét bằng sổ thì không có tác dụng; Thực tế Thông tư 30 là do chúng ta học tập ở nước ngoài, do đó nên trả lương cho giáo viên theo chuẩn quốc tế”.