Đánh giá HS bằng nhận xét: Bộ thành lập nhóm công tác chuyên trách
Chúng tôi đã thành lập nhóm công tác chuyên trách về "đánh giá bằng nhận xét", tới đây sẽ xem cường độ lao động của giáo viên- Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD tiểu học cho biết.
Dưới đây là cuộc trao đổi của PV Báo điện tử Infonet với ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD tiểu học (Bộ GDĐT) liên quan đến vấn đề này.
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ GD tiểu học (Bộ GDĐT)
Thông tư 30 về đánh giá học sinh được xem là một sự đổi mới của giáo dục tiểu học. Vậy ông có thể cho biết, việc đổi mới này "mới" đến đâu?
Trước khi có Thông tư 30, việc đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo Thông tư 32, cũng yêu cầu giáo viên đánh giá học sinh cả bằng điểm số và nhận xét.
Tuy nhiên, về "đánh giá", thông tư cũ chỉ quy định đánh giá kết quả cuối cùng mà học sinh đạt được nên tác dụng giúp đỡ học sinh rất hạn chế.
Thông tư 30 đưa ra coi trọng đánh giá ngay trong quá trình học tập của học sinh. Khái niệm "đánh giá" theo đó có nhiều nội dung hơn. Nhất là việc yêu cầu giáo viên giúp đỡ học sinh kịp thời, hướng dẫn các em biết tự đánh giá và đánh giá bạn, rồi khuyến khích phụ huynh đánh giá học sinh.
Theo quan niệm cũ, "đánh giá" nghĩa là phân loại xếp hạng. Còn bây giờ, có sự đổi mới là "đánh giá" theo sự tiến bộ, quan tâm đến từng học sinh để giúp mỗi một em phát triển thành chính mình, mà không có sự so sánh giữa em này và em khác.
Vì vậy nếu dùng thuần điểm số thì rất khó giải quyết. Có thể là nhận thức vẫn ở mức mình chưa thoát được quan niệm "đánh giá nghĩa là so sánh, xếp hạng, phân loại" nên lần này phải cố gắng làm được điều này.
Nếu hiểu là "mới hoàn toàn" thì không phải. Thực ra là trước đây đã có quy đinh, nhưng do chưa làm hết trách nhiệm công việc này, nay vì lợi ích của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục thì cũng nên yêu cầu giáo viên làm hết trách nhiệm.
Nhiều người quan tâm tới giáo dục cũng nhận thấy tính tiến bộ của Thông tư 30. Tuy nhiên, trên thực tế giáo viên đã có phản ứng và chắc phải có lý do thì họ mới phản ứng như thế. Liệu có thể do tuy có tiến bộ nhưng lại không tương thích với điều kiện dạy học ở Việt Nam, thưa ông?
Các bạn thử phân tích xem, tại sao khi mà thông tư chưa đưa vào thực hiện, mà giáo viên của mình đã có những biểu hiện đối phó, làm như thế nào để thấy tiện lợi nhất như khắc dấu hàng loạt,... Vậy liệu anh em giáo viên đã thực sự nhiệt tâm tìm hiểu để nắm bắt hết tinh thần của thông tư mới hay chưa?
Cũng phải nói, mọi thứ đang theo nếp cũ, bây giờ yêu cầu thay đổi (tuy cũng chỉ làm đúng trách nhiệm thôi) thì phản ứng là không tránh khỏi.
Mà để làm được như thế thì phải nâng trách nhiệm của giáo viên lên, giáo viên cần phải quan tâm học sinh hơn thì mới có kết quả khác được. Vì học sinh thì trách nhiệm mình có tăng thêm, mất thêm một ít thời gian thì cũng là điều đáng làm chứ.
Thực ra, tôi cũng chia sẻ những phản ứng của anh em giáo viên những ngày qua. Vấn đề có thể ở khâu quản lý cấp dưới, quen thủ tục hành chính, đôi khi không cần biết giáo viên làm như thế nào mà cứ áp dụng một cách máy móc quá khiến giáo viên rất khổ.
Vì thế, mấy năm nay, Bộ GDĐT đã trao quyền chủ động cho giáo viên, hiệu trưởng.
Ví dụ, các trường phải xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục riêng. Trong quá trình dạy, giáo viên được quyền điều chỉnh nội dung cho phù hợp, chứ không phải nhất nhất như trước đây giờ nào phải theo đúng nội dung giờ đó.
Về việc đánh giá, giờ giáo viên cũng được quyền chủ động nhận xét bằng lời nói hoặc viết trên quá trình dạy ở lớp.
Một cái máy móc nữa, ở chính bản thân giáo viên, hiểu rằng "đánh giá bằng nhận xét" có nghĩa "cái nào cũng phải viết", cái này mà khâu quản lý cấp dưới hiểu máy móc nữa thì càng khó.
Trong khi, với nhiều hoạt động học tập, giáo viên quan sát rồi góp ý, trao đổi, khích lệ hoặc tư vấn với học sinh trực tiếp luôn, thế là xong mà không nhất thiết phải viết.
Rồi trước đây có sổ điểm, còn bây giờ thay bằng sổ theo dõi chất lượng, hay còn gọi là nhật ký giáo dục. Anh em cũng hiểu nhầm là học sinh nào cũng phải viết đánh giá, viết vào sổ theo dõi. Đúng như thế thì quá vất vả.
Trong khi đó, chỉ nhận xét những điểm nổi bật, những điều cần lưu ý và những biện pháp để giúp học sinh hoàn thành tốt, hay kích thích các em học giỏi hơn.
Bộ GDĐT sẽ có công văn gửi các Sở, yêu cầu giảm bớt thủ tục hành chính, gánh nặng sổ sách cho giáo viên, không được máy móc mà phải để cho giáo viên được chủ động, linh hoạt.
Theo ông liệu có cần phải rà soát lại xem phải chăng giáo viên của chúng ta đang có quá nhiều việc phải làm?
Có chứ. Chúng tôi đã thành lập nhóm công tác chuyên trách về "đánh giá bằng nhận xét", tới đây sẽ xem cường độ lao động của anh em giáo viên thực tế như thế nào. Hiện nay theo quy định, giáo viên dạy không quá 23 tiết/tuần.
Trên thực tiễn còn gì làm chưa tốt thì sẽ có điều chỉnh để tốt hơn. Mình không né tránh, tức là không làm việc gì, cứ giữ bình bình như thế thì làm sao thay đổi được.
Cũng là 23 tiết/tuần, nhưng giáo viên dạy 30 học sinh/lớp khác với giáo viên dạy 50 - 60 HS/lớp. Khi rà soát cường độ, giáo viên căng thẳng quá, Bộ GDĐT có kiến nghị Bộ Nội vụ về chính sách cho giáo viên, thưa ông?
Từ quan điểm "dạy lớp có 35 học sinh" sang "dạy 35 học sinh một lớp" là hai cái khác nhau. Trước đây, dạy lớp có 35 học sinh hay bao nhiêu, thì thầy cô không cần biết mà cứ dạy đồng loạt. Còn giờ dạy 35 học sinh/lớp nghĩa là dạy từng em.
Chúng tôi cũng trao đổi với Bộ trưởng là nên đề nghị các Sở GDĐT địa phương tham mưu cho chính quyền các giải pháp hỗ trợ lớp học có sĩ số đông bằng cách có giáo viên hỗ trợ giảng dạy, rồi hỗ trợ giáo viên ở các lớp có nhiều học sinh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!