Dành 20% xét tuyển sớm có giảm cơ hội vào đại học?
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến, các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho xét tuyển sớm từ năm 2025, đang nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh.
"Hụt hẫng và bất an"
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.
Chỉ tiêu xét tuyển sớm do trường quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo… Điểm mới này thu hút sự quan tâm của không chỉ cơ sở đào tạo mà còn của đông đảo học sinh, giáo viên và phụ huynh trước mùa tuyển sinh đại học năm 2025. Nỗi lo lớn nhất của thí sinh là việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển sớm có làm giảm cơ hội trúng tuyển đại học hay không?
Năm nay, các trường chỉ được dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm không vượt quá 20% trong tổng chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành.
Nguyễn Thảo Vy học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nam Đàn 1 (huyện Nam Đàn) cho biết, em chuẩn bị nhiều phương án để xét tuyển vào đại học. Nữ sinh này khá tự tin vì suốt 3 năm học THPT, em luôn là học sinh giỏi, sở hữu chứng chỉ IELTS 7.0. Thảo Vy hiện đang tập trung ôn thi để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, với hy vọng sẽ được một suất xét tuyển sớm vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Vì năm trước trường này dành đến 70% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin Bộ sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm xuống còn 20%, Thảo Vy cảm thấy lo lắng.
"Hiện nay, em và các bạn không chỉ phải thi tốt nghiệp THPT mà còn phải tham gia nhiều kỳ thi khác nếu muốn có nhiều cơ hội vào đại học. Nếu tập trung quá nhiều vào các kỳ thi, em sợ việc học của mình sẽ bị ảnh hưởng.
Theo em, Bộ không nên áp đặt chỉ tiêu cho các trường đại học mà cần mở rộng đối với các phương thức xét tuyển khác nhau, miễn là đảm bảo được chất lượng thí sinh," Thảo Vy chia sẻ.
Dự thảo mới của Bộ GD&ĐT với việc “siết” chỉ còn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm đang nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh.
Cùng lớp với Thảo Vy, Phan Phú Cường nuôi ước mơ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Hiện tại, ngoài việc học ở trường, Cường còn đăng ký một khóa ôn luyện trực tuyến để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá tư duy, với hy vọng sẽ được xét tuyển sớm.
Hiện, đang ôn thi nhiều môn cùng lúc, Cường chia sẻ, em cảm thấy rất áp lực. Cường cho biết, "Em đã tính đến phương án xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp, nhưng điều này khá khó khăn, vì ngành học của em năm trước yêu cầu 27,49 điểm, tức là trung bình hơn 9 điểm/môn. Phương án khả thi nhất để có thể trúng tuyển sớm là tham gia kỳ thi đánh giá tư duy. Tuy nhiên, nếu Bộ giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm, điều này sẽ khiến các học sinh như em thấy rất lo".
Nguyễn Nam Hải là học sinh lớp 12A4 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) cho biết, "Trước đây em khá tự tin đậu nguyện vọng 1 bằng các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên khi đọc dự thảo quy chế tuyển sinh mới của Bộ, em rất hụt hẫng và bất an", Hải cho biết.
Điều này rất khác những năm gần đây, khi nhiều thí sinh chưa thi tốt nghiệp đã biết sẽ đậu đại học. Dù đậu đại học sớm làm nhiều em không mặn mà với kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng lại giúp các em thi tốt nghiệp với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái. Trước những thay đổi như vậy, nhiều học sinh lớp 12 không còn giữ được sự nhẹ nhàng, thoải mái. Thời gian đầu tư vào các môn tốt nghiệp THPT tăng lên.
Tạo công bằng trong tuyển sinh
Phương án xét tuyển sớm đã được áp dụng tại nhiều trường đại học trong khoảng 6 - 7 năm qua. Thay vì chỉ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển thẳng đối với các thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (theo quy định của Bộ GD& ĐT), các trường đã triển khai nhiều phương thức xét tuyển mới. Trong đó, phổ biến nhất là xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, hoặc các chứng chỉ quốc tế khác như ACT/SAT.
Nhiều quan điểm cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên siết xét tuyển sớm, trong đó có việc khống chế chỉ tiêu, vì tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường đại học.
Gần đây, việc xuất hiện của các kỳ thi riêng do các trường đại học tổ chức, như kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đã thu hút nhiều thí sinh lựa chọn phương thức xét tuyển này thay vì chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp như trước đây. Một nhóm thí sinh khác cũng chọn phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ, thường bao gồm điểm học tập các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12.
Từ thực tế này, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến dự thảo chỉ dành 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm cũng để lại những băn khoăn, nhất là những trường tốp dưới. Nhiều quan điểm cho rằng, Bộ không nên siết xét tuyển sớm, trong đó có việc khống chế chỉ tiêu, vì tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường đại học.
Trước băn khoăn trên về quy định giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung của quy chế tuyển sinh đại học. Trong cuộc họp báo mới nhất vào ngày 7/12/2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã thông tin về vấn đề này. Ông cho rằng, việc xét tuyển sớm có thể dẫn đến một cuộc "chạy đua" giữa các trường đại học và làm gia tăng hồ sơ ảo, gây thiếu công bằng trong tuyển sinh. Vì vậy, Bộ đã có những giải pháp để việc hạn chế xét tuyển sớm không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Chúng ta rút lại để tất cả các thí sinh tập trung vào đợt xét tuyển chung, đảm bảo công bằng, chất lượng, hiệu quả và thuận lợi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực lên hệ thống. Khi đó, các trường đại học chỉ cần xét tuyển và học sinh yên tâm học xong lớp 12, yên tâm lựa chọn".
Bộ cũng khẳng định việc chuyển đổi số sẽ giúp thí sinh không phải nộp hồ sơ qua đường giấy, không cần phải đến từng trường để hoàn tất thủ tục mà có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Về phương án xét tuyển sớm, theo thống kê, hiện nay tỷ lệ xét tuyển sớm đã chiếm hơn 40% tổng số các trường đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ xét tuyển thông qua các kỳ thi riêng và phương thức xét tuyển thẳng (dành cho học sinh tài năng, học sinh có chứng chỉ quốc tế) tại các cơ sở đại học lại không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5%. Phần còn lại chủ yếu xét tuyển theo hình thức học bạ và kết quả học tập bậc THPT, chiếm khoảng 30%, cùng với các phương thức khác chiếm khoảng 14%. Do đó, đối với những học sinh có năng lực thực sự, cơ hội để các em trúng tuyển sớm vẫn rất cao. |
Thứ trưởng Giáo dục Hoàng Minh Sơn nói nhiều ý kiến đề xuất bỏ xét tuyển sớm, Bộ đang cân nhắc.
Nguồn: [Link nguồn]