Dàn nhạc công và cậu học trò đặc biệt
Từ vài tháng nay, cứ đến giờ ra chơi hoặc tan học, sảnh Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) lại rộn ràng tiếng đàn, hát của các học sinh.
Những bài hát về tết, về trường lớp hoặc những bài nhạc trẻ đang nổi hiện nay được các em thể hiện bằng các nhạc cụ và giọng ngân nga hát theo của những học sinh (HS) xung quanh. Nhiều bạn khác không biết chơi nhạc nhưng cũng đến theo dõi và lắng nghe một cách thích thú.
Nhóm nhạc “cây nhà lá vườn”
Các nhạc cụ tạo nên sự rộn ràng ấy được gọi là “dàn nhạc cụ công cộng” do cô Hiệu trưởng Trần Thúy An lên ý tưởng lắp đặt từ đầu năm học với các loại nhạc cụ như đàn piano, guitar, trống thùng cajon và organ. Kinh phí mua nhạc cụ từ nguồn quỹ của nhà trường do phụ huynh hỗ trợ. Cô mong muốn HS được thể hiện năng khiếu chơi nhạc một cách thoải mái, giúp sân trường trở nên vui nhộn và ý nghĩa hơn. “Điều quan trọng là nhà trường muốn đánh thức sự tự tin, thỏa mãn ước mơ cho những học trò có khiếu âm nhạc” - cô An nói.
Từ ý tưởng về dàn nhạc, trường đã tập hợp và kết nối được một nhóm khoảng 7-8 HS yêu thích âm nhạc. Mỗi khi trường tổ chức ngày hội hay chương trình nào đó, nhóm tự làm chương trình biểu diễn gây quỹ từ thiện. Trong ngày khai giảng vừa rồi, nhóm đã quyên góp được 1,7 triệu đồng và sắp tới sẽ tiếp tục chơi trong dịp hội chợ Xuân yêu thương cùng với các hoạt động khác của trường gây quỹ để giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Đặng Thị Mỹ Hạnh (giáo viên bộ môn sinh) cho biết lúc đầu chỉ có một, hai em biết chơi nhưng dần trở thành một phong trào chơi và nghe nhạc trong HS. Các em mạnh dạn chơi và được nhiều bạn trong trường biết đến hơn. Ngay cả những em không biết chơi cũng bắt đầu hứng thú với âm nhạc.
Em Hoàng Phúc (áo trắng) cùng hòa nhạc với các bạn sau giờ tan học. Ảnh: P.ANH
Nhạc công đặc biệt
Ấn tượng nhất trong dàn nhạc Trường Trần Văn Ơn là tiếng đàn piano của em Đỗ Hoàng Phúc, HS lớp 7A8. Phúc bị u tủy sống từ năm hai tuổi khiến hai chân em bị teo quắt lại và phải di chuyển bằng nạng, cơ thể em vì thế cũng gầy còm. Hiện hầu như ngày nào em cũng phải tập vật lý trị liệu, mỗi tháng phải tái khám, thi thoảng phải mổ để hạn chế sự phát triển của bệnh. Thế nhưng điều đặc biệt nhất là em đàn rất giỏi và hay. Gần như buổi chơi nhạc nào cũng có sự góp mặt của em.
Cô Trần Thúy An cho biết khi Phúc mới vào lớp 6, em đã phải di chuyển bằng nạng, người cũng gầy còm, thế nhưng em lại rất thông minh và học giỏi. Nhà trường cũng không biết làm gì để giúp em, chỉ động viên gia đình làm hồ sơ chứng nhận khuyết tật để em được hưởng thêm chính sách hỗ trợ và ưu tiên trong thi cử sau này. Nhưng vì phải qua nhiều bước kiểm tra, thẩm định phức tạp nên đến nay em vẫn chưa được cấp giấy này và vẫn đi học như những HS bình thường khác.
Trò chuyện với em, Phúc nói em biết chơi piano từ năm sáu tuổi, mỗi khi rảnh hoặc căng thẳng là em lại chơi với cây đàn cho khuây khỏa. Cha mẹ em đều đi làm xa ở Đà Nẵng, một tháng chỉ về thăm nhà 2-3 lần nên em sống cùng ông bà ngoại. Có lẽ vì những điều đó, tiếng nhạc của em trở nên giàu cảm xúc và làm nao lòng người nghe hơn.
Cô Thúy An tâm sự, có nhiều HS đến đây chơi nhạc mỗi ngày nhưng hình ảnh Hoàng Phúc chơi nhạc là niềm vui lớn của cô. “Nhìn cách cậu bé đàn, tôi cảm nhận dường như cây đàn đã xua tan những mặc cảm của em về bệnh tật. Cái nhìn tội nghiệp của các bạn lúc đầu giờ đã thay bằng sự ngưỡng mộ và Phúc cũng thấy tự hào, tự tin hơn trước các bạn” - cô An chia sẻ.
“Từ khi có cây đàn này em vui lắm. Em lại vẽ xấu nên ngoài chơi nhạc em chỉ học bài hoặc đi lại với các bạn thôi. Mỗi ngày em luôn cố gắng học thật tốt và muốn được mãi chơi đàn cùng nhóm” - Phúc nói đầy nghị lực.
Không chỉ sắm dàn nhạc, từ đầu năm 2015 Trường THCS Trần Văn Ơn còn lắp đặt các tủ sách gắn ở hành lang sân trường. Với phương châm “lấy một cuốn để vào một cuốn”, HS có thể đọc tại chỗ hoặc mang sách về nhà đọc và đổi vào đó một cuốn sách khác để cùng chia sẻ với các bạn. Nhà trường cũng đang ấp ủ thực hiện thêm ý tưởng sử dụng các bức tường trống gần hồ bơi làm nơi HS để lại kỷ niệm trước khi ra trường bằng những bức graffiti (vẽ đường phố). _______________________________ Một HS kém may mắn biết đàn, lại đàn rất hay và mạnh dạn thể hiện được tài năng đó ra. Chơi nhạc gắn kết em với mọi người, giúp em có động lực học tập tốt hơn thì đó được xem là thành công trong giáo dục rồi. Trong mắt tôi, em ấy luôn là cậu học trò bình thường và khi chơi đàn thì em ấy là ngôi sao trong lòng tôi. Bà TRẦN THÚY AN, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 |