Dân chấm điểm giáo dục công
Bộ GD-ĐT đo mức độ hài lòng của người dân đối với ngành bằng phương pháp điều tra xã hội học, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ
Bộ GD-ĐT vừa phê duyệt đề án xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Theo bộ này, đề án sẽ đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục ở bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và đại học.
Mức độ hài lòng: 5 cấp độ
Công cụ đo lường gồm bộ câu hỏi điều tra xã hội học, chọn mẫu điều tra xã hội học và dựa trên các chỉ số hài lòng. Mức độ hài lòng của người dân sẽ được chia làm 5 cấp độ: Rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng và rất không hài lòng.
Theo đề án, đối tượng khảo sát là học sinh, sinh viên và đại diện gia đình người học với 24 tiêu chí được ban soạn thảo đưa ra. Các tiêu chí này dựa trên 5 nội dung cơ bản tạo nên chất lượng dịch vụ giáo dục công là cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, tiếp cận dịch vụ, hoạt động giáo dục, kết quả giáo dục. Riêng nội dung hoạt động giáo dục phải đánh giá được mức độ hài lòng của người dân về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đội ngũ giáo viên, công tác quản lý, kiểm tra…
Học sinh, sinh viên là đối tượng khảo sát chính trong đề án của Bộ GD-ĐT. Trong ảnh: Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường Trần Đại Nghĩa, TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Mục tiêu của đề án là xây dựng được phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Trên cơ sở đó, ngoài đánh giá một cách khoa học, khách quan chất lượng dịch vụ của các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục sẽ nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người dân để có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, cho biết đề án được chia làm 2 giai đoạn: Từ năm 2013-2015 và từ năm 2016-2020.
Lo ngại về độ chính xác
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng việc đo lường mức độ hài lòng của người dân là “cũng được” nhưng quan trọng hơn, phải lắng nghe và giải quyết những kêu ca của người dân đối với giáo dục. Trong khi đó, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), lại lo lắng về tính trung thực của việc điều tra này.
Theo PGS Cương, cần phải có cơ quan điều tra độc lập chứ không thể để cơ quan quản lý nhà nước đưa câu hỏi về các trường lấy ý kiến. “Muốn có kết quả chính xác thì phải thực chất nhưng đây là điều cực khó. Giả dụ, bộ đưa phiếu thăm dò ở Hà Nội thì nhiều mà đưa lên vùng cao thì ít thì biết đánh giá sao đây?” - PGS Cương đặt vấn đề.
Trước những lo ngại trên, ông Nguyễn Văn Vui cho hay Bộ GD-ĐT đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm về lĩnh vực này tham gia đề án. “Mất 6 tháng trời chúng tôi mới hoàn thành đề án này. Nhiệm vụ tiếp theo của chúng tôi là tiếp tục vận hành hệ thống câu hỏi điều tra” - ông Vui nói.
Về tính xác thực của những bản điều tra, ông Vui nhấn mạnh Bộ GD-ĐT mong muốn điều tra thực lòng người dân muốn gì và ngành giáo dục phải làm thế nào để đáp ứng. “Phải hiểu rất khách quan, nhiều chiều, trung thực mới làm được điều này. Nó cũng giống như CPI (chỉ số giá tiêu dùng - PV) dùng để đánh giá xếp hạng các tỉnh, thành vậy” - ông Vui lý giải.
Về lộ trình thực hiện, ông Vui cho biết phải đến hết năm 2013 mới có thể hoàn thành việc xây dựng cơ bản bộ câu hỏi, sau đó sẽ làm thí điểm xem đã hợp lý chưa, cần phải bổ sung gì. Theo ông Vui, việc xây dựng bộ câu hỏi và thăm dò ý kiến người dân được các nhà khoa học làm một cách độc lập với Bộ GD-ĐT.
“Bộ xác định phải khảo sát, thẩm định, đánh giá để đề án này thật sự có ích chứ không phải hình thức. Chúng tôi muốn làm rõ người dân ở đây là ai, cần hỏi cái gì và người ta trả lời câu hỏi thế nào, mức độ tin cậy đến đâu. Nếu người ta cứ trả lời mà thông tin không tin cậy được thì chẳng để làm gì hết” - ông Vui nhìn nhận.
Năm 2015: 60% người dân hài lòng với giáo dục? Theo Nghị quyết 30 của Chính phủ về tổng thể cải cách hành chính nhà nước, ngành giáo dục phải từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp đạt mức trên 60% vào năm 2015. Đến năm 2020, sự hài lòng sẽ được nâng lên mức 80%. |