Đại học Việt Nam “vắng bóng” trong các bảng xếp hạng uy tín của thế giới

Sự kiện: Giáo dục

Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của 117 trường đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng cho thấy, chỉ duy nhất 1 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đạt 56/61 tiêu chí kiểm định chất lượng (KĐCL); 43% số trường có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn; 55% số trường chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên...

Đây là những con số đáng “giật mình” về thực tiễn kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH tại Việt Nam. 4 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (CLGD) được Bộ GD&ĐT cấp phép, từ tháng 1-2016 đến tháng 5-2018 đã tiến hành đánh giá ngoài 122 trường đại học (ĐH), học viện trong tổng số 234 trường ĐH dựa trên 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí. Kết quả kiểm định có 117 trường đạt chuẩn còn 5 trường không đạt. Trong số các trường đạt chuẩn, có nhiều trường có số lượng tiêu chí đạt chuẩn rất thấp.

Phân tích cụ thể hơn về những dữ liệu từ kết quả kiểm định, GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và cộng sự Tạ Thị Thu Hiền đã chỉ ra rất nhiều bất cập. Đáng chú ý là việc chỉ duy nhất có một trường ĐH có số lượng tiêu chí đạt cao nhất là 56/61.

Có 25 cơ sở (chiếm 21,36%) đạt 49 tiêu chí - con số tối thiểu để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Kết quả cũng chỉ ra có 98 trường chưa đạt 9 tiêu chí trở lên, chiếm 83,76% tổng số trường.

Đại học Việt Nam “vắng bóng” trong các bảng xếp hạng uy tín của thế giới - 1

Số lượng giảng viên thiếu và chất lượng còn yếu vẫn đang là thách thức đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học.

“Đây là những con số đáng lo ngại, phản ánh đúng những yếu kém của GDĐH Việt Nam bởi phần lớn các trường đã kiểm định là những trường xếp hạng khá trở lên trong hệ thống. Điều này càng dễ hiểu vì sao Việt Nam chưa có trường nào được lọt vào tốp 500 trường hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng uy tín” - GS Bành Tiến Long nhận định.

Cũng theo GS Bành Tiến Long và cộng sự, vấn đề chủ yếu mà các trường cần cải thiện tập trung ở quản trị đại học và tổ chức quản lý trường ĐH, chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, mặc dù là các trường ĐH được xếp hạng khá trong hệ thống, tuy nhiên có tới 15,4% trường chưa thiết kế theo quy định đối với các chương trình đào tạo thường xuyên, chưa đảm bảo chất lượng đào tạo.

Có 65% trường chưa thực hiện việc định kỳ đánh giá chương trình đào tạo và thực hiện cải tiến chương trình. Về hoạt động đào tạo, con số kiểm định được công bố cũng khiến dư luận “giật mình” khi số lượng các trường chưa chú trọng tới phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học lên tới 44%.

Có 33% các trường chưa thực hiện việc lấy ý kiến của người học, nhà sử dụng lao động và các bên liên quan. Đáng quan tâm, có tới 55% số trường chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên; tỉ lệ trung bình sinh viên/giảng viên còn quá cao, có chương trình khoảng 60 sinh viên/giảng viên. Đặc biệt, có tới 43% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định.

 Theo GS Bành Tiến Long điểm tồn tại lớn nhất của các trường ĐH là nhiều đề tài, dự án chưa được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch. Có 49% trường ĐH được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí này. 

Hơn nữa, tính ứng dụng và chuyển giao của các đề tài nghiên cứu còn yếu. Có tới 78% trường chưa đáp ứng tiêu chí yêu cầu về chuyển giao khoa học công nghệ. Có 66% trường đại học được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí thư viện của trường ĐH (chưa có đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo).

Giấu bằng đại học, quay lại học nghề?

"Nhiều em học đại học vẫn quay lại xin vào trường học nghề, bởi có bằng nghề dễ xin việc hơn bằng cử nhân".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Thanh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN