Đại học tự chủ “quên” công khai học phí

Nghị quyết 77 của Chính phủ cho phép giao quyền tự chủ thí điểm cho 14 trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2014 - 2017. Theo đó, các trường được thu học phí ở mức riêng cao hơn, nhưng phải công khai học phí trước khi tuyển sinh. Tuy nhiên, dẫu đang xét tuyển đợt 1 nhưng nhiều trường vẫn “quên” công khai mức học phí khiến phụ huynh và thí sinh “choáng váng”.

Đại học tự chủ “quên” công khai học phí - 1

Thí sinh lo lắng khi mức học phí của nhiều trường ĐH không minh bạch. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cần sớm thông báo học phí

Mới 7h sáng, nhưng tại đại học (ĐH) Điện lực đã có phụ huynh và thí sinh đến nộp hồ sơ. Trong lúc con trai vào làm thủ tục bà Nguyễn Thị Thúy (Phú Xuyên, Hà Nội) loanh quanh để đọc những thông báo được trường dán ngay cửa phòng thu hồ sơ. “Tôi đang quan tâm mức học phí của trường năm học này mà không thấy. Nghe nói trường ĐH Điện lực được tự chủ tài chính nhưng  không biết mức thu thế nào. Tôi có bảo cháu lên mạng tìm nhưng cháu cũng không thấy”- Bà Thúy chia sẻ.

Trong khi đó, trong hội trường nộp hồ sơ, lúc con gái Nguyễn Huệ Anh còn đang nhờ thầy cô tư vấn chọn ngành phù hợp với mức điểm thì chị Trần Thu Hiền (Sóc Sơn, Hà Nội) lại ngồi trầm ngâm với một phụ huynh khác. “Nghe nói mức học phí một năm của trường ĐH Điện lực cũng tầm khoảng 16-17 triệu/năm.

 Bốn năm học cũng cả một vấn đề với gia đình tôi đấy chị!”- Chị Hiền nói. Thấy chị băn khoăn học phí, một sinh viên tình nguyện của ĐH Điện lực cho biết nếu học ngành kinh tế thì mức học phí của trường là 350.000đ/tín chỉ, còn học ngành kỹ thuật là 380.000đ/tín chỉ, ngành kỹ thuật như con gái chị Hiền chọn phải học bốn năm rưỡi. Những ngành chất lượng cao, mức học phí được tính là 610.000đ/tín chỉ.

Còn tại ĐH Thương mại, chị Trần Thị Ngoãn (Tiên Lữ, Hưng Yên) cùng con đến trường nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho biết: Hai mẹ con chọn cách đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường để được nghe tư vấn và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi đã đăng ký xét tuyển thành công. Về vấn đề học phí, chị Ngoãn cho biết hai mẹ con chưa hề tìm hiểu. Tuy nhiên khi nghe thấy con số 13 triệu/năm, chị Ngoãn thốt lên: “Như vậy thì căng rồi. Học phí tăng đồng nghĩa với tăng áp lực chi tiêu trong gia đình. Nếu làm ruộng như gia đình tôi thì không có khả năng chi trả”.

Khi được hỏi, một thí sinh đến từ huyện Kim Sơn, Ninh Bình khá bất ngờ khi biết trường ĐH Kinh tế quốc dân mà em vừa đăng ký online xong là trường tự chủ. “Em cũng không hiểu trường tự chủ và không tự chủ khác nhau thế nào. Nhưng nếu học phí cao hơn trường khác có cùng ngành thì em phải suy nghĩ thêm” – thí sinh này chia sẻ.

“Em không thấy thông báo trên website của trường. Trong những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 cũng không thấy nên em không hiểu mức học phí của trường cao thấp thế nào” - thí sinh cho hay.

Được biết, giữa tháng 7 vừa qua, sinh viên của ĐH Kinh tế quốc dân đã phản ứng khi trường thông báo học phí năm học mới này sẽ tăng thêm 30%.

“Học ĐH, chứ không phải mua mớ rau…”

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong số 14 trường ĐH, CĐ được Chính phủ giao thí điểm tự chủ, chỉ có một số trường công khai mức học phí trên website hoặc trong cuốn những điều cần biết để thí sinh nắm được thông tin như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Ngoại thương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… Còn một số trường đã “quên” công khai học phí trước khi tuyển sinh.

Ông Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, trường đã in mức học phí năm học tới dán ở bản tin của trường, tất cả phụ huynh, thí sinh đến làm hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp có thể đọc. Trước thắc mắc vậy những thí sinh đăng ký online hoặc qua đường bưu điện tìm hiểu thông tin thế nào, ông Chương cho biết, sẽ sớm đưa thông báo lên website của trường để thí sinh nắm bắt kịp thời! Tương tự, ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Điện lực cho biết, trường sẽ rút kinh nghiệm.

Còn lãnh đạo ĐH Thương mại cho hay trường đã dán thông báo mức học phí công khai tại trường. Theo đó, mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ ĐH chính quy năm học 2016-2017 là 15 triệu, nhưng năm nay trường quyết định mức học phí nhập học năm đầu tiên là 13 triệu, và tùy theo tình hình thực tế sẽ tăng dần nhưng không vượt quá 17,5 triệu cho đến năm 2017-2018.

“Sinh viên năm thứ nhất vào trường thì phải chấp nhận mức học phí mới, còn những sinh viên khoa cũ mức học phí đang 6 triệu thì sẽ tăng không quá 30%. Sau này khi các khóa cũ ra trường thì mức từ 13 triệu tăng lên sẽ dễ hơn” - vị lãnh đạo này cho biết. Khi truy cập vào website của ĐH Thương mại, thông tin học phí dành cho sinh viên khóa mới được đăng tải ngày 4/8 trong mục 3 công khai và thanh tra.

Trao đổi trực tiếp về vấn đề này với Tiền Phong, GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng khi các trường được giao tự chủ, trong đó  có tự chủ tài chính, các trường được phép thu học phí theo một mức khác thì phải công bố công khai với người học. “Thậm chí, các trường phải công bố mức tăng theo lộ trình trong suốt khóa học để người học chuẩn bị tinh thần. Học ĐH chứ không phải ra chợ mua mớ rau, không ưng là có thể trả lại” - GS. Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

14 trường ĐH, CĐ được giao quyền thí điểm tự chủ giai đoạn 2014-2017 gồm: Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Tài chính-Marketing, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội, ĐH Mở TP HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ĐH Điện lực, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Thương mại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN