Đại học sẽ vắng bóng sinh viên nam?
Thông tư liên tịch số 13 của Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ nhận được khá nhiều sự ủng hộ của bạn đọc, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn...
ĐH không có sinh viên nam
Nhiều độc giả, trong đó có cả những người trẻ cho rằng họ sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với Tổ Quốc nếu quy định này được áp dụng công bằng triệt để với tất cả mọi người, bất kể người đỗ hay không đỗ đại học, bất kể là con nông dân hay con quan chức.
Bạn đọc Trương Chí Hiền nêu ý kiến: “Tôi cho rằng nếu thực hiện thì cần làm một cách rõ ràng minh bạch, để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để không chấp hành. Nghĩa là không có việc "đã hoàn thành thủ tục nhập học mới nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì được tạm hoãn". Mà tất cả nam công dân đủ sức khoẻ sẽ phải lên đường nhập ngũ. Đại học chỉ tuyển các SV đã hoàn thành NVQS”.
Tuy nhiên, độc giả Chí Hiền cũng nêu ra một tình trạng có thể nảy sinh nếu thực hiện quy định mới này một cách nghiêm túc. “Nhưng cũng phải nhìn thấy trước sẽ xuất hiện một tình huống các trường ĐH, CĐ trong 2 năm 2013 và 2014 chỉ tuyển được toàn nữ SV và các nam SV không đủ sức khoẻ nhập ngũ. Sau 4-6 năm sau (2017-2019) sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho sản xuất có trình độ cử nhân, kỹ sư hay sau năm thứ 6 sẽ không có bác sĩ nam ra trường. Sau đó thì tình trạng mới được cải thiện”.
Quy định nhập ngũ mới sẽ khiến các trường học vắng bóng nam sinh viên? - Ảnh minh họa
Đồng tình với ý kiến này là bạn đọc Trịnh Diệp. “Theo tôi tất cả nam thanh niên đủ 18 tuổi (kể cả trường hợp không học hết lớp 12) đều phải nhập ngũ trừ một số trường hợp được hoãn, miễn như con liệt sĩ, con một, sức khỏe kém... Như vậy sẽ giảm tiêu cực chạy chọt trốn nghĩa vụ, đảm bảo công bằng”.
“Tham gia nghĩa vụ quân sự để xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc là quá tốt, nhưng cách thực hiện phải công bằng và mọi người phải bình đẳng như nhau, con quan và con dân phải bình đẳng…”
Một bạn đọc cảnh báo: “Đi nghĩa vụ là một điều thiên liêng, cần phải làm ngay, không có lý do nào chính đáng để không đi nghĩa vụ hết, nhưng cần quan tâm lại khâu cơ sở, sẽ có con nhà giàu lách luật”.
Rút ngắn thời quân ngũ?
Đưa giải pháp cho vấn đề tiêu cực và những lo lắng về việc bỏ lỡ cơ hội, nhiều bạn đọc nhất trí phương án giảm thời gian phục vụ trong quân ngũ hoặc kết hợp giữa học đại học và thực hiện nghĩa vụ, với điều kiện phải làm nghiêm túc, tạo môi trường quân đội thực sự cho thanh niên.
“Đối với các em đã đỗ ĐH, CĐ thì nhà trường phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức học quân sự với thời gian và chất lượng tương đương như trong quân đội (chứ không phải hình thức như hiện nay). Các em này được chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Còn các em khác không thi đỗ vào ĐH, CĐ thì phải thực hiện nghĩa vụ như hiện nay” – bạn đọc Nguyễn Xuân Lãng đưa ý kiến.
Chị Trịnh Diệp thì cho rằng với những trường hợp đã làm thủ tục nhập học nhưng chưa học thì thời gian trong quân ngũ là 1 năm, các trường hợp khác là 18 tháng như bình thường. Độc giả này còn đề xuất Bộ Giáo dục nên rút ngắn chương trình học, bỏ qua các môn quốc phòng đối với các trường hợp đã qua quân ngũ. “Quan trọng hơn nữa là nên bố trí thời gian nhập ngũ, giải ngũ để mọi công dân có thể trở lại học và ôn thi đại học kịp thời sau khi hoàn thành nghĩa vụ”.
Ý kiến khác cho rằng nên để các em học xong rồi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS), sau khi hoàn thành NVQS mới được nhận bằng.
Một số bạn đọc lại đưa ý tưởng không kém phần thuyết phục là các đối tượng đã trúng tuyển ĐH chỉ nên nhập ngũ từ 6 tháng đến 1 năm để ai cũng có thể thực hiện được, đồng thời cũng hạn chế tình trạng phải “lo lót, chạy chọt cửa trước, cửa sau” để trốn nghĩa vụ.
“Theo tôi, nghĩa vụ quân sự cần phải áp dụng bình đẳng cho tất cả các công dân là nam giới. Tuy nhiên, thời gian nghĩa vụ quân sự nên giảm xuống một năm” – độc giả Hà Anh đề xuất.
Độc giả tên Hoàng đồng tình: “Theo quan điểm của tôi nên rút ngắn thời gian còn khoảng 6 tháng đến 1 năm thôi. Đỡ tốn kém cho ngân sách và mọi người dễ chấp nhận hơn, không cần phải chạy chọt cửa trước cửa sau?”.
Một phương án khác được các độc giả đưa ra là để các công dân tự do lựa chọn, tuy nhiên những người không muốn thực hiện NVQS phải đóng góp một khoản kinh phí tương đương với công sức mà một người lính đóng góp cho đất nước trong vòng 2 năm. Số tiền đó sẽ được dùng để trả lương cho bộ đội...