Đại học làm gì trước áp lực quốc tế hóa?

Để có những trường ĐH đạt chất lượng quốc tế, không thể duy trì cách tổ chức quản lý nhà trường như cách đây vài thập kỷ vì bối cảnh giờ đây đã hoàn toàn khác

Hội thảo Đổi mới Quản lý giáo dục ĐH do Khoa Quốc tế ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 28-11 thu hút nhiều diễn giả danh tiếng từ Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Nga, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Hội thảo đặt ra các vấn đề đáng lưu ý về xu hướng và những thay đổi mới nhất trong bức tranh toàn cầu về giáo dục ĐH cũng như kinh nghiệm của các nước trong việc thích ứng với những thay đổi này.

Cần xác định lại vai trò

Những động lực nào đã khiến quốc tế hóa trở thành một áp lực không thể làm ngơ đối với sự sinh tồn của các trường? TS Herrera, Hiệu trưởng Trường Keuka University (Mỹ), cho rằng đó là hiện tượng mọi nền kinh tế và xã hội, trong đó có thị trường lao động, đã trở thành toàn cầu hóa. Không những thế, nhiều vấn đề khác cũng đang trở thành vấn nạn toàn cầu, không còn riêng của một nước nào, như  biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tội phạm trong môi trường mạng... Thế giới ngày nay đang trở thành số hóa và điều này làm biến đổi hầu như tất cả cách thức con người giao tiếp với nhau. Các trường ĐH không thể hoạt động hiệu quả nếu chỉ đóng khuôn trong nước vì môi trường toàn cầu hóa đòi hỏi các trường phải kết nối xuyên quốc gia nhằm hiểu biết lẫn nhau, làm việc cùng nhau và tạo ra một thế hệ công dân toàn cầu mới.

Đại học làm gì trước áp lực quốc tế hóa? - 1

Các đại biểu tranh luận tại hội thảo

Có nhiều thách thức đặt ra đối với việc lãnh đạo các trường ĐH ở châu Á. Ngày càng nhiều tiếng nói phàn nàn rằng các trường đang dạy cho sinh viên những thứ không cần thiết. Một tiến sĩ đến từ Malaysia cho biết mỗi năm, Trung Quốc có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp, 90% trong số đó không thể tìm được việc làm trên thị trường lao động ngoài nước vì không được chuẩn bị đầy đủ những kỹ năng sống còn của thế kỷ XXI, như tư duy phản biện, khái niệm hóa, giao tiếp, hợp tác, tìm kiếm thông tin và sử dụng công nghệ truyền thông...

Nhiều đại biểu cho rằng từ lâu, các trường ĐH đã được quản lý và vận hành theo quan điểm của giới hàn lâm với nguồn tài trợ chủ yếu của nhà nước. Giờ đây, tình thế đó không thể tiếp diễn. Các trường phải đáp ứng được đòi hỏi của nhiều bên liên quan. Trước hết là người học và gia đình họ, những người đã trả học phí và có quyền được nhận một kết quả xứng đáng. Bên cạnh đó còn có các nhà tuyển dụng, những người tiêu thụ sản phẩm mà các trường tạo ra, các nhà làm chính sách... Mỗi bên có những yêu cầu khác nhau và quan niệm khác nhau về vai trò và trách nhiệm của các trường ĐH. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các trường ĐH phải xem lại ý nghĩa tồn tại của mình đối với xã hội và chứng minh rằng trường là một tổ chức thiết yếu, không phải vì nó cấp cho người học một tấm bằng như một cái vé vào đời, bởi cái vé ấy đã và đang lạm phát, mà vì nó mang lại cho người học những trải nghiệm và những giá trị mà họ hầu như không thể có nếu không trải qua môi trường này.

Đổi mới thiết chế quản trị

Các trường ĐH Việt Nam đang đáp ứng như thế nào trước nhu cầu quốc tế hóa, xét về mặt quản trị? GS Nguyễn Hữu Đức, ĐHQG Hà Nội, cho rằng xếp hạng như một công cụ để tự đánh giá hoạt động của trường. Bằng cách vận dụng những thước đo của nhiều bảng xếp hạng quốc tế khác nhau, ĐHQG Hà Nội đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá gồm 4 tiêu chuẩn, 29 tiêu chí, tổng cộng 1.000 điểm để xác định 5 mức độ khác nhau trong việc đạt mục tiêu trở thành ĐH nghiên cứu. Theo GS Đức, một số thành tựu của trường có thể đo được bằng các thước đo đang được nhiều nước sử dụng nhưng cũng có nhiều thành tích quan trọng khác mà những chuẩn mực ấy chưa thể phản ánh đủ. Tuy vậy, tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế vẫn là điều cần thiết để biết chúng ta đang ở đâu và cần phải làm gì để được công nhận trên phạm vi toàn cầu.

Đại diện Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM chia sẻ kinh nghiệm của họ trong việc vận dụng cơ chế tự chủ về tài chính để tạo ra những cơ chế linh hoạt nhằm khích lệ sự ưu tú. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường làm việc tích cực, coi đó là một điểm nhấn để thu hút người tài. Khoa Quốc tế ĐHQG Hà Nội là một trường hợp khác về tự chủ tài chính, một cơ chế cho phép đa dạng hóa nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu quốc tế hóa. Nhà trường đang giảng dạy bằng 4 ngôn ngữ với đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản từ nước ngoài và duy trì giao lưu thường xuyên với giới hàn lâm quốc tế. Thực tế cho thấy Khoa Quốc tế tăng trưởng rất nhanh: năm 2002 có 44 sinh viên, năm 2015 lên 2.500, trong đó 150 sinh viên nước ngoài. Thực tế này chứng minh khó khăn về nguồn lực có thể vượt qua khi nhà trường chứng minh được những giá trị gia tăng mà mình đem đến cho người học.

Giáo dục ĐH trên thế giới đang trở nên đa dạng chưa từng có. Tuy cùng đương đầu với những vấn đề giống nhau nhưng  các trường phải có những cách giải quyết khác nhau. Ai cũng đồng ý rằng năng lực lãnh đạo là có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của từng trường. Những gì chúng ta đang có hiện nay là kết quả của cách vận hành hiện tại. Chỉ có thể tạo ra một kết quả mới khi chúng ta thay đổi cách vận hành ấy. Khả năng tự đổi mới mình trở thành khả năng sống còn của mọi tổ chức, trong đó quan trọng nhất là đổi mới thiết chế quản trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Thị Ly ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN