Đại học Harvard: Người thành công có 7 điểm giống nhau thời thơ ấu
Đại học Harvard đã thực hiện một cuộc khảo sát với 1.000 người thành đạt từ 25-45 tuổi và nhận thấy, thành công của một người liên quan trực tiếp đến những trải nghiệm từ thời thơ ấu.
1. Thích đọc sách
Khi được hỏi về bí quyết thành công, Warren Bufett, một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới nói rằng: "Hãy đọc 500 trang sách mỗi ngày. Đó là cách tri thức vận động, tích lũy, như thể lãi suất kép vậy".
Không kém cạnh, Elon Musk dành tới 10 tiếng mỗi ngày để đọc các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay Bill Gates luôn khẳng định "Đọc sách vẫn là cách tốt để tiếp cận thông tin và trí thức".
Tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Thói quen giàu có", Thomas Corley, thống kê những người giàu có thu nhập 160.000 USD mỗi năm trở lên, đọc sách để cải thiện bản thân, tiếp thu tri thức mới. Còn những người khá giả, thu nhập 35.000 USD/năm trở xuống đọc sách chủ yếu là giải trí.
"Có thể thấy, những người thành công thường có thói quen lựa chọn những loại sách họ đọc", Thomas Corley khẳng định.
Tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Thói quen giàu có", Thomas Corley, thống kê những người giàu có thu nhập 160.000 USD mỗi năm trở lên, đọc sách để cải thiện bản thân. Ảnh minh họa
2. Tính tò mò
Những đứa trẻ hay tò mò, thích khám phá luôn có những ý tưởng rất táo bạo. Điều này khiến chúng nhạy bén hơn trong việc học hỏi và xử lý vấn đề theo cách riêng. Đây là một đức tính tốt giúp chúng không ngừng tiến bộ trong học tập và đạt được nhiều thành công trong công việc sau này.
Nhà triết học nổi tiếng Plato từng nói rằng: "Đừng ép trẻ học bằng sự bắt buộc hay hà khắc mà hãy hướng trẻ học bằng sự tò mò. Từ đó, bạn có thể phát hiện ra những năng khiếu đặc biệt của trẻ".
Dù rằng những đứa trẻ này sẽ không bao giờ thích ngồi yên một chỗ vì chúng luôn muốn khám phá mọi thứ, nhưng đây cũng sẽ là tiền đề tốt để trẻ có được những sáng kiến bất ngờ.
Vì vậy, khi trẻ tò mò về mọi thứ xung quanh, cha mẹ không nên khó chịu mà cần tạo điều kiện để con được học hỏi, đồng thời có thể hướng dẫn trẻ cách tìm ra câu trả lời.
3. Khả năng tập trung cao
Một đứa trẻ có khả năng tập trung cao là biểu hiện đầu tiên chứng tỏ chúng sẽ thành công trong tương lai. Trong quá trình lớn khôn, biểu hiện này sẽ giúp trẻ thu thập được nhiều thông tin, nắm vững nhiều kiến thức. Điều này sẽ giúp chúng có nền tảng tri thức tốt hơn từ khi còn rất nhỏ.
Khi duy trì khả năng tập trung tới lúc lớn lên, trẻ sẽ luôn nhạy bén với các vấn đề mới, có sự am hiểu sâu rộng trong các lĩnh vực. Nếu phát hiện con có đặc điểm này, bạn nên giúp con duy trì và phát triển chúng. Bạn nên cho con tiếp xúc với tri thức từ sớm, để con có thể tích lũy dần.
4. Tính cách độc lập
Tính cách độc lập là một trong những phẩm chất cần thiết cho sự thành công của một người. Những người có tính cách độc lập ngay từ nhỏ có thể học cách tự giải quyết mọi khó khăn, tự tin nắm bắt mọi vấn đề và có khả năng đưa ra quyết định của riêng mình.
Nhà tâm lý học Kinda Hadley nói rằng: "Tính cách độc lập tạo ra sự khác biệt giữa những đứa trẻ. Có những trẻ làm điều mới mẻ với sự nhiệt tình háo hức, trong khi có trẻ luôn phải tự động viên bản thân để cảm thấy đủ tự tin làm việc đó".
Dạy trẻ tính độc lập, tự chủ là việc phụ huynh cần thực hiện khi con còn nhỏ. Cha mẹ thông thái biết khi nào nên để con mình thử những điều mới và chấp nhận cho trẻ trải nghiệm sự thất bại. Người lớn cũng phải biết kiểm soát bản thân để không can thiệp, giúp đỡ con cái quá sớm. Nhưng ngược lại, nếu để trẻ thất bại thường xuyên, trẻ sẽ không được khuyến khích.
Dạy trẻ tính độc lập, tự chủ là việc phụ huynh cần thực hiện khi con còn nhỏ. Ảnh minh họa
5. Khả năng tư duy
Hầu hết những người thành công đều có nhiều ý tưởng tuyệt vời. Với khả năng tư duy tốt, người thành công sẽ có cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết vấn đề khác biệt, từ đó đem lại những hiệu quả trong công việc. Đây cũng là điều khiến họ nổi trội so với những người khác.
Thậm chí, một số trẻ ngay từ nhỏ đã có tư duy khác với số đông. Những đứa trẻ như vậy thường linh hoạt trong suy nghĩ và dễ dàng tìm ra giải pháp hơn khi gặp vấn đề.
Các chuyên gia về tâm lý học trẻ em cho biết: "Thực chất của phát triển trí tuệ là nâng cao tính linh hoạt trong tư duy não bộ. Chỉ khi có tư duy linh hoạt, trẻ mới có thể học cách xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh".
Ngược lại, với những người lười tư duy, không có thói quen đặt câu hỏi, chỉ sao chép lại như một cái máy sẽ khó tiến lên trong cuộc sống.
Vì vậy, việc trau dồi khả năng tư duy cho trẻ cũng là điều cha mẹ cần chú ý tới. Từ đó, trẻ sẽ có suy nghĩ logic, sáng tạo, biết giải quyết vấn đề, ra quyết định cũng như có những ý tưởng mới.
6. Bộc lộ nhiều cảm xúc
Một đứa trẻ giỏi giang, khôn ngoan có thể bộc lộ nhiều đặc điểm nổi bật từ khi chúng còn nhỏ. Việc trẻ giỏi bộc lộ các cảm xúc từ khi bé cũng là dấu hiệu đáng mừng đối với các phụ huynh.
Trẻ thông minh có thể bộc lộ nhiều cảm xúc từ vui mừng, phấn khích tới buồn rầu, thất vọng… Dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực thì chúng cũng là những đứa trẻ phát triển trí tuệ từ sớm nên dễ nhận biết những cảm xúc này.
Bởi vậy, các bậc cha mẹ nên khuyến khích con trẻ thể hiện cảm xúc, nói ra tâm tư, suy nghĩ của mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Một đứa trẻ đã được nuôi dưỡng về mặt cảm xúc từ khi còn nhỏ sẽ trở thành người sống tình cảm, tinh tế và có thể làm nên chuyện trong tương lai. Một người biết làm chủ cảm xúc, sống tình cảm chắc chắn sẽ được nhiều người yêu mến. Nhờ đó, con trẻ có thể trở thành người thành công khi lớn lên.
7. Tính tự giác và làm chủ bản thân
Khả năng tự giác đề cập đến những mục tiêu mà trẻ đặt ra, phải tiến hành đúng thời hạn mà không được lười biếng hay bỏ cuộc. Với những trẻ không có khả năng tự chủ trong cuộc sống, thường chỉ có thể làm tốt nếu được "cầm tay chỉ việc" thậm chí là chỉ rồi vẫn làm sai vì không có sự tự tin, đồng thời phải có sự kiểm soát liên tục mới có thể hoàn thành công việc.
Ngay từ bé, nếu trẻ không được tập cho tính tự giác, dẫn đến thiếu tự tin. Một khi không tin vào bản thân thì không thể tự chủ trong công việc, từ chuyện học cho đến chuyện làm. Và khi đã không có sự tự chủ thì cũng khó có tinh thần tự lập cho cuộc đời của trẻ sau này.
Nhiều bậc cha mẹ phàn nàn con cái họ không nghe lời, luôn có chủ kiến của mình và coi lời nói của mình như gió thoảng qua tai. Tuy nhiên, họ không biết vấn đề đôi khi không phải ở đứa trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]