Đặc cách xét tốt nghiệp diện rộng: Bộ GD&ĐT phải 'hạ chuẩn'?
Nếu Bộ Giáo dục & Đào tạo kiến nghị và được Thủ tướng đồng ý cho Đà Nẵng và Quảng Nam không tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020, thí sinh của hai địa phương này có thể được xét tốt nghiệp theo diện đặc cách.
Thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh hiện nay có quá mạo hiểm? Ảnh: Như Ý
Chiều qua, 31/7, trao đổi với Tiền Phong, TS. Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH FPT cho biết, hiện nay đã có quy định về đặc cách tốt nghiệp nên Bộ GD&ĐT có thể áp dụng đối với một số địa phương không an toàn để tổ chức kỳ thi. Theo quy định về đặc cách hiện hành, yêu cầu thí sinh phải đạt học lực từ loại khá trở lên.
“Quy định này để áp dụng cho một số ít đối tượng đặc biệt ở những năm trước như bất ngờ ốm đau, tai nạn… không tham gia dự thi được và có minh chứng cụ thể. Tình hình dịch bệnh của năm nay, có thể áp dụng để đặc cách tốt nghiệp theo diện rộng. Nhưng như thế, Bộ GD&ĐT phải có quyết định “hạ chuẩn” (học lực từ khá xuống trung bình) thì mới đảm bảo quyền lợi cho thí sinh”, ông Tùng nói.
ĐH có “loạn xới”?
Việc xét tốt nghiệp đối với các địa phương không an toàn được nhìn nhận là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Với các trường ĐH chỉ tuyển sinh bằng kết quả thi THPT từ trước đến nay, không tuyển sinh đối tượng thí sinh được đặc cách tốt nghiệp vì không có kết quả thi.
Năm nay, các trường ĐH lớn có bổ sung phương thức tuyển sinh xét kết hợp kết quả học THPT. Tuy nhiên, điều kiện xét tuyển rất cao, những thí sinh được đặc cách tốt nghiệp không phải ai cũng “với” được.
Hơn nữa, cơ bản các trường đã hoàn thành tuyển sinh theo phương thức này và đã tuyển đủ chỉ tiêu đã đưa ra tại đề án tuyển sinh. Những trường ĐH thuộc khối công an, quân sự, cũng giống như mọi năm, không có phương thức tuyển sinh bằng kết quả học tập THPT. Tức là nếu thí sinh không thi thì dù đã qua vòng sơ tuyển, vẫn không đủ điều kiện để tham gia xét tuyển trong đợt tới.
Theo TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, vấn đề tuyển sinh đối với những thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp từ vùng dịch, kể cả những thí sinh F0, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT phải có hướng dẫn rất cụ thể. Nếu không có hướng dẫn, mỗi trường ĐH sẽ “chạy” một hướng, rất khó kiểm soát và bất lợi cho thí sinh.
Đại diện một trường đại học cũng băn khoăn, nếu Thủ tướng không cho phép Đà Nẵng, Quảng Nam không tổ chức thi tốt nghiệp mà chỉ những thí sinh F0 được miễn thi thì những đối tượng xét đặc cách tốt nghiệp khác quyền lợi có được hưởng như thí sinh F0 không?
Nguồn: [Link nguồn]
Đà Nẵng kiến nghị với Bộ GD&ĐT dừng kì thi tốt nghiệp THPT 2020 và xét tốt nghiệp cho toàn bộ thí sinh ở địa phương...