Đà Nẵng thi học kỳ online: Muôn kiểu tai nạn từ rớt mạng, đề hiển thị lỗi, tải chậm...
Ngày 17/5, học sinh trung học ở Đà Nẵng đã bước vào ngày thi học kỳ 2 đầu tiên theo hình thức trực tuyến. Lần đầu trải nghiệm thi online đã để lại cho teen muôn vàn cảm xúc.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng đã quyết định cho học sinh trung học thi học kỳ 2 từ ngày 17/5 đến ngày 25/5/2021 theo hình thức trực tuyến.
Trước giờ "G", để học sinh làm quen với hình thức thi mới, các trường đã tổ chức thi thử online vào cuối tuần qua: Thứ Bảy là môn Toán và Chủ Nhật là môn Lịch sử.
Lịch thi học kỳ 2 của học sinh trường THPT Thanh Khê, Đà Nẵng.
Rất nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra trong 2 buổi thi thử và lặp lại ở ngày thi chính thức đầu tiên diễn ra vào thứ Hai (17/5). "Kinh điển" nhất vẫn là mạng lag dẫn đến đề thi hiển thị bị lỗi, hoặc đang hăng say làm bài thì giữa chừng bỗng dưng bị "rớt" ra ngoài, hay một số bạn không làm kịp thời gian vì mạng chậm, tải đề quá lâu.
Khi thi, học sinh phải vào Google Meet và bật camera để thầy cô giám sát quá trình làm bài. Tuy nhiên, vấn đề là Google Meet ở một tab mà đề thi lại ở một tab khác. Thế nên khi đang làm bài, teen có thể vô tình làm camera "mất tích", kết quả là bị thầy cô nhắc nhở.
Bạn H.V, lớp 10 trường THPT Thanh Khê chia sẻ: "Chỗ bàn học mình nó hơi tối, thế là cô cứ nhắc mình bật camera lên, trong khi mình đã bật rồi. Có lúc mình đang tập trung làm bài, cô lại nhắc kéo cam xuống để cô thấy mặt".
Thiệt là tình ngay lý gian mà.
Riêng môn Văn và Toán có cả trắc nghiệm và tự luận. Bài tự luận học sinh làm trên giấy, sau đó chụp ảnh gửi cho thầy cô qua Zalo. Điều này khiến teen cũng phải canh me để có thời gian kịp chụp ảnh bài làm. Nghe thì đơn giản nhưng teen nào "low-tech" thì cũng chật vật lắm.
Một điều nữa là những bạn có hoàn cảnh khó khăn phải đi mượn máy làm bài, hoặc phải sử dụng thiết bị có cấu hình thấp. Bình thường các bạn có thể cậy nhờ tiệm Internet nhưng nay, các tiệm đó đều đóng cửa rồi nên đành tự thân vận động.
Mối quan tâm hàng đầu của thầy cô là đảm bảo học sinh không thể gian lận khi thi online. Đa số các trường đều yêu cầu học sinh bật camera, tắt micro, có giám thị giám sát online. Có những trường đích thân ban giám hiệu gồm thầy hiệu trưởng, hiệu phó cũng tham gia coi thi luôn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi bạn học sinh.
Các trường tìm mọi cách để chống gian lận với hình thức thi online.
Nếu điểm thi quá chênh lệch so với lực học thường ngày thì học sinh đó sẽ phải kiểm tra lại.
Tuy trải nghiệm thi học kỳ online lần đầu khá gian nan nhưng các bạn đã cố gắng vượt qua những bỡ ngỡ, rào cản để hoàn thành bài thi. Bạn B.Ngọc, lớp 10 trường THPT Thanh Khê cho biết: "Mình làm bài cũng ổn, hy vọng đạt được điểm số mình mong muốn". T.Vy, bạn cùng trường với B.Ngọc cũng thở phào nhẹ nhõm sau khi thi xong. T.Nhi, lớp 7 trường THCS Kim Đồng thì vui vẻ cho biết đề thi dễ hơn so với tưởng tượng.
Tuy trải nghiệm thi học kỳ online lần đầu khá gian nan nhưng các bạn đã cố gắng vượt qua những bỡ ngỡ, rào cản để hoàn thành bài thi. Ảnh minh họa từ Internet
Trong trường hợp teen bị trục trặc trong quá trình thi, hoặc không thể tham gia kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến (không có thiết bị, trong khu vực phong tỏa, chưa hết thời gian cách ly, gặp sự cố đường truyền khi làm bài kiểm tra…) thì cũng đừng lo lắng quá nhé vì nhà trường sẽ tổ chức cho các bạn thi theo hình thức trực tiếp tại trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước điễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương, đã lên kế hoạch lùi lịch tổ chức thi tuyển vào lớp...